Nam Bộ chuẩn bị đối phó với cơn bão mới

(Dân trí) - Chiều ngày 5/11, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xuất hiện mưa. Trong khi đó, trước dự báo sẽ có bão đi vào, các địa phương trong tỉnh cũng đang theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

Sáng ngày 5/11, thời tiết tại Bạc Liêu nắng khá nóng. Tuy nhiên đến khoảng gần 4h chiều, trời bắt đầu đổ mưa. Dù cơn mưa không lớn nhưng bất ngờ khiến người đi đường không kịp trở tay.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, cơn mưa kéo dài hơn 30 phút là tạnh. Tuy nhiên, bầu trời tại Bạc Liêu chuyển tối bất thường dù mới chỉ khoảng hơn 4h chiều. Qua quan sát của PV, bầu trời khá âm u khi vẫn còn nhiều cụm mây đen và có dấu hiệu sẽ tiếp tục mưa lớn.

Trong khi đó, trước thông tin dự báo của Khí tượng Thủy văn Trung ương có một cơn bão sẽ vào Nam Bộ, các địa phương thuộc tỉnh Bạc Liêu cũng đang lên phương án để đối phó.

Bầu trời ở Bạc Liêu chuyển tối sau cơn mưa trong chiều ngày 5/11. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Bầu trời ở Bạc Liêu chuyển tối sau cơn mưa trong chiều ngày 5/11. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trao đổi với PV Dân trí cuối giờ chiều ngày 5/11, ông Nguyễn Việt Khái- Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào (một địa bàn ven biển của huyện Đông Hải) cho biết, địa phương đã thông báo cho dân về dự báo cơn bão sẽ vào các tỉnh Nam Bộ để người dân biết và chủ động ứng phó. Về tình hình triều cường dâng, thị trấn cũng yêu cầu người dân chuẩn bị kê cao bảo vệ tài sản trong nhà. Thị trấn cũng đã phân công lực lượng trực để theo dõi tình hình diễn biến của cơn bão.

Cũng theo ông Khái, địa phương cũng đã phối hợp liên lạc thông tin với các tàu đánh bắt cá để ngư dân chủ động có thể cho tàu trở vô đất liền hoặc tránh trú.

Ông Hứa Văn Quang- Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (một địa bàn ven biển của huyện Hòa Bình) cho biết, khi có thông tin về bão, địa phương cũng đã chuẩn bị phương án cần thiết để ứng phó.

Theo ông Quang, trước mắt nếu tình hình bão phức tạp sẽ điều động các hộ dân sống ven biển vào bên trong để tránh. Trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh có 187 tàu đánh bắt hải sản. Đối với những tàu bè đánh bắt đang ra khơi cũng sẽ liên lạc ngư dân tránh hoặc trở vào đất liền.

Nhiều địa phương khác, đặc biệt là những địa bàn ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng đang theo dõi tình hình diễn biến của bão để ứng phó.

                                                                                                Huỳnh Hải