Thừa Thiên - Huế:
Nai rừng xuống núi phá tan hàng chục hecta cao su non
(Dân trí) - Chiều 29/2, ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện miền núi A Lưới (tỉnh TT-Huế) cho biết trong những ngày qua, lần đầu tiên đã xuất hiện các đàn nai lớn vào ăn vỏ cây cao su mới trồng từ 2-3 năm của bà con dân tộc, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo đó, có 22,6 hecta cao su của 31 hộ mới trồng từ 2-3 năm tuổi tại vùng đệm khu bảo tồn Sao La thuộc xã A Roàng (huyện A Lưới) bị nai ăn vỏ. Cụ thể có 20% số cây bị nai ăn gần hết lớp vỏ nên cây chết hoàn toàn; còn lại 80% số cây bị cắn loang lổ (chỉ bị thương) nên có thể chữa được.
Trước tình hình này, bà con đã làm đơn cầu cứu gửi lên UBND huyện A Lưới, Ban quản lý Khu bảo tồn Sao La xin được bồi thường diện tích cao su bị phá hoại. Đồng thời, bà con cũng xin được vào rừng săn nai để ...trả thù. Tuy nhiên lời đề nghị sau không được huyện chấp nhận vì nai thuộc khu bảo tồn Sao La đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Sau đó, đã xuất hiện một bẫy của bà con lén đặt trong khu bảo tồn để bẫy nai nhưng đã bị cán bộ bảo vệ thu giữ.
Theo ông Trăng, do đất tại huyện rất tốt để trồng cây công nghiệp dài ngày nên cao su là loại cây mới được xã khuyến khích bà con dân tộc trồng trong thời gian qua để cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Một số vùng đã bước đầu đi vào thu hoạch như xã Hồng Hạ, xã Hưng Nguyên. Tại xã A Roàng, cao su có tổng diện tích 520 hecta được trồng trong vùng đệm tiếp giáp khu bảo tồn Sao La. Trong đó có các cây mới trồng hay trồng từ 2,3 hay 4 năm.
Vì nai là loài vật thích ăn các cây có mủ, nên đã đánh mùi thấy và đã xuống phá hoại. Trong thời gian tới, có thể nai sẽ đi theo bầy tràn xuống các khu vực khác để ăn vỏ cây cao su.
“Nếu khu bảo tồn bồi thường đầy đủ cho bà con thì có thể huyện chúng tôi sẽ giao luôn vùng đệm cho ban quản lý khu bảo tồn giữ rồi đi chỗ khác trồng cao su. Nếu không thì huyện vẫn có phương án hỗ trợ trích từ ngân sách huyện. Chúng tôi sẽ gửi công văn về tỉnh báo cáo tình hình và xin được hỗ trợ giúp đồng bào” - ông Trăng cho biết.
Cũng theo huyện A Lưới, đa số bà con làm cao su đều vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội nên trong vài ngày tới sẽ mời đại diện phía ngân hàng lên kiểm kê số cao su bị thiệt hại. Đồng thời, huyện sẽ xin ngân hàng giảm hay xóa lãi suất vay cho các hộ bị thiệt hại nặng. Được biết từ lúc bắt đầu bà con trồng cao su, mỗi năm huyện A Lưới hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng vào việc trả lãi vay từ ngân hàng cho bà con. Đến khi cao su thu hoạch thì bà con trả lại nợ cho huyện
Theo tính toán chưa đầy đủ trên số cao su bị chết hẳn (4,56hecta) với giá trị khoảng 40 triệu đồng/hecta thì bà con mất trắng hơn 200 triệu đồng. Số cao su bị thương đang được phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn bà con bôi thuốc làm lành vết thương trên vỏ.
Hiện UBND huyện A Lưới đã liên hệ với ban quản lý Khu bảo tồn Sao La có biện pháp ngăn chặn nai về phá cao su của bà con cũng như tuyên truyền bà con không được giết nai trái phép.
Đại Dương