Mưu sinh với rong biển
(Dân trí) - Với những người mà cuộc sống gắn liền với biển, một năm có hai mùa để làm ăn. Mùa đông, đi đánh cá và câu mực. Còn mùa hè thì đi vớt rong biển.
Lão ngư Trần Văn Nam (68 tuổi) ở phường Vĩnh Hòa (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) bắt đầu câu chuyện mưu sinh nghề vớt rong biển với chúng tôi sau khi vác những túi lưới đầy rong biển lên bờ.
Trên bờ biển giữa trưa mùa hè, từng đống rong vừa được vớt lên được những người phụ nữ cần mẫn cong mình tách ra từng búi để phơi khô. Ở cái vùng nắng gió này, công việc phơi rong vẫn là nhẹ nhàng nhất và hầu hết chỉ dành cho phụ nữ. Đàn ông làm công việc nặng hơn: Lặn biển để vớt rong.
Thuyền vớt rong biển thường rời bến từ 4h sáng. Khoảng 4-5 người tạo thành nhóm vớt rong. Vì những năm gần đây, nghề vớt rong phát triển nên rong gần bờ hầu như không còn, để vớt được rong, nhiều người phải ra cách bờ chừng 10km.
Rong biển thường mọc dọc theo những rặng đá ngầm, vì thế muốn vớt được rong biển người ta phải lặn xuống độ sâu chừng 5- 6 mét.
Đến khoảng 11h trưa thì thuyền cập bến. Sau khi thuyền về điểm neo đậu gần bờ, ngư dân sử dụng thuyền thúng để vận chuyển rong biển vào bờ, vác từng túi lưới nặng khoảng 15 – 20 kg lên bãi đất rộng, sau đó phơi khô rồi bán cho các chủ buôn.
Lão ngư Nam cho biết: “Mỗi ngày, mỗi nhóm vớt được khoảng 5 chiếc thuyền thúng rong biển tươi. Phơi khô cũng được hơn 300 kg. Chủ buôn tới mua với giá 5.000 – 6.000 đồng/kg. Trung bình người đi vớt rong biển mỗi ngày có được 150.000 đồng, người phơi khô thì khoảng 100.000 đồng”.
Hình ảnh nghề vớt rong cách trung tâm thành phố biển Nha Trang khoảng 5 km:
Nguyễn Thành Chung