1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bình Định:

Muốn nhận bò giống "miễn phí", dân nghèo phải nộp tiền triệu!

(Dân trí) - Dù thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ nhưng nhiều hộ dân xã An Hòa (huyện An Lão, Bình Định) vẫn phải nộp thêm tiền “đối ứng” mới được nhận bò…

 

Muốn nhận bò 30a, dân nghèo phải nộp thêm tiền đối ứng

Muốn nhận bò phải nộp thêm tiền!

Trong khi người nghèo các xã khác ở huyện miền núi An Lão (Bình Định) được cấp bò giống miễn phí theo chương trình 30a của Chính phủ thì hàng chục hộ dân ở xã An Hòa muốn nhận bò giống phải nộp thêm tới... 5,5 triệu đồng.

Theo quy định, năm 2014, hộ bà Nguyễn Thị Sương (61 tuổi, ở xóm 2, thôn Long Hòa, xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định) có trong danh sách nhận bò giống chương trình 30a của Chính phủ để làm ăn xóa đói giảm nghèo. Bà Sương vui mừng khôn tả nhưng oái oăm thay, sau đó UBND xã An Hòa tổ chức cuộc họp mời những hộ được nhận bò đến và thông báo mỗi người nhận bò phải chuẩn bị từ 5-5,5 triệu đồng.

 

1-1441786893601

Phải nộp thêm 5 triệu đồng để nhận bò nhưng con bò nhà bà Thúy nuôi mãi cũng không lớn.

Bà Sương trình bày: Lý do phải đóng thêm khoản tiền này được xã giải thích là vì định mức hỗ trợ mỗi con bò chỉ có 10 triệu đồng, không đủ tiền mua bò có chất lượng nên dân phải nộp thêm tiền.

Dù nghèo không có tiền đóng nhưng bà Sương vẫn bấm bụng vay nóng, nộp cho xã để được nhận bò. Khi đến xã nhận bò thì thấy con nào con nấy ốm tong teo, bò chẳng ra bò, chỉ một vài con tạm được, mà ai cũng muốn lựa chọn con bò to khỏe. Cuối cùng UBND xã phải đánh số gắn thẻ để bốc thăm, ai bốc được số nào thì nhận con bò mang số đó.

“Hưởng trợ cấp mà như trò may rủi, ai hên thì bốc được con bò to khỏe. Lần ấy tui bốc thăm trúng con to hơn nên phải nộp thêm 5,5 triệu. Nói to hơn nhưng trong mắt dân chuyên buôn bò định giá thì chỉ khoảng 8 triệu đồng đổ lại. Vậy mà, khi dắt bò về nó không chịu ăn, nấu cháo gạo cũng không thèm ăn. Càng nuôi càng ốm, sợ bò chết tui đành chuyển cho con dâu nuôi thử xem đỡ hơn không”, bà Sương ngán ngẩm.

Không "may mắn" như gia đình bà Sương, hộ ông Nguyễn Mậu (63 tuổi, ở xóm 1, thôn Long Hòa, xã An Hòa) bốc trúng con bò quá ốm nên được xã An Hòa “thối” lại 500.000 đồng. “Trước con gái tui cũng nhận bò 3a nhưng không phải nộp bất cứ đồng nào. Tại sao giờ tui phải nộp thêm 5 triệu đồng?”, ông Mậu thắc mắc.

Cách “làm mới” của xã?

Theo ông Trần Nam Trung, Phó chủ tịch UBND xã An Hòa, trước đây, mức hỗ trợ tối đa cho 1 con bò cái nền thuộc diện 30a không quá 14 triệu đồng, sau này UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh định mức xuống còn 10 triệu đồng/con. Với mức hỗ trợ này thì không đủ mua bò cái nền “chất lượng” tốt. Vì vậy, xã xin chủ trương UBND huyện và vận động người được nhận bò nộp thêm vốn đối ứng để có bò tốt.

 

2-1441787148211

Chị Diệu phải 2 lần đổi bò mất 7 triệu đồng mới có 1 con bò "ra hồn".

Theo đó, năm 2014 xã An Hòa có 31 hộ được nhận 31 con bò, mức vốn đối ứng được đưa ra là từ 5-5,5 triệu đồng/con. Tiêu chuẩn con giống bò cái nền cung ứng cho bà con phải có độ tuổi từ 10-12 tháng, trọng lượng từ 100-150kg/con, tỷ lệ máu lai Zebu phải đạt 50%. Tuy nhiên, theo phản ánh của những hộ ở xã An Hòa được nhận bò 30a trong đợt cuối năm 2014 thì không đúng như vậy.

Hộ chị Nguyễn Thị Diệu (32 tuổi, xóm 2, thôn Long Hòa, xã An Hòa) là một ví dụ. Cuối năm 2014, chị Diệu nộp 5,5 triệu đồng và bốc thăm phải con bò ốm nheo, quặt quẹo, lại đang bị đi ngoài. Chị Diệu phản ánh với đơn vị cung ứng thì người đại diện bảo cứ về khi nào có bò khác sẽ đổi cho.

Đưa bò về nhà nuôi được 1 tuần, bò vẫn đi ngoài liên tục, chích thuốc cũng không bớt nên chị liên lạc với đơn vị cung ứng. Sau đó, họ chở bò khác đến nhà nhưng yêu cầu chị nộp thêm 1,5 triệu đồng nữa với lý do con này to hơn. Như vậy, chị Diệu phải nộp tổng cộng 7 triệu đồng để nhận bò 30a.

Các hộ dân được nhận bò 30a ở xã An Hòa đều ấm ức bởi được hỗ trợ mà phải đóng tiền thêm nhưng vẫn nhận bò kém chất lượng. Tuy nhiên, sau khi cung cấp thông tin cho báo chí, họ lại lo chính quyền địa phương “thù vặt” và cắt suất hộ nghèo.

“Chúng tôi mong điều này không xảy ra”, một hộ nhận bò 30a lo lắng.

Doãn Công
(ledoancong@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm