1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Muốn kiện chủ tịch huyện, hãy gửi đơn tới TAND tỉnh

(Dân trí) - Bộ luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sáng nay, 25/11 quy định TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.

 


Sẽ có thêm các cơ chế để giải quyết những vụ kiện hành chính (Ảnh minh họa)

Sẽ có thêm các cơ chế để giải quyết những vụ kiện hành chính (Ảnh minh họa)

 

Sáng nay, 25/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Theo đó, điều 32 bộ luật quy định TAND cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với toà án; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện.

TAND cấp tỉnh cũng sẽ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp tỉnh, bộ, ngành trung ương mà người khởi kiện có nơi làm việc khi bị kỷ luật trên cùng phạm vi địa giới hành chính với toà án; khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Toà án. Trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú tại Việt Nam thì toà án có thẩm quyền là TAND TP Hà Nội hoặc TAND TPHCM...

Về việc quy định Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có thẩm quyền hủy quyết định đã ban hành, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để quyết định lại nội dung vụ án hoặc giao hồ sơ cho tòa án cấp dưới xét xử lại hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của TAND Tối cao trong trường hợp TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiệm trọng, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là cần thiết. Quy định như vậy sẽ khắc phục được những sai lầm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các bên đương sự.

Bộ luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) đã quy định về thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tại điều 296.

Cụ thể, sau khi nghe Chánh án TAND Tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của toà án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy từng trường hợp mà quyết định:

Bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật; Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật...

Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải được ít nhất 3/4 tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm