1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

"Muốn chuyển đổi số phải tạo lập được nguồn dữ liệu"

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, trong 2,5 năm triển khai, Đề án 06 đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu; phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số...

Chiều 25/10, Bộ Công an tổ chức hội thảo chiến lược dữ liệu quốc gia và góp ý xây dựng dự thảo Luật Dữ liệu.

Theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Nghiên cứu trưởng hội thảo, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu đến năm 2030, tất cả 100% các trung tâm dữ liệu được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.

Trong đó, chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 với tầm nhìn mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công. 

"Chiến lược dữ liệu Quốc gia còn được kỳ vọng góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số", bà Nga cho hay.

Muốn chuyển đổi số phải tạo lập được nguồn dữ liệu - 1

Đại tá Vũ Văn Tấn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Đ.T.).

Tại hội thảo, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an), nhấn mạnh muốn chuyển đổi số, trước tiên phải tạo lập được nguồn dữ liệu, từ nguồn dữ liệu sẽ được sử dụng để mang lại những giá trị cho người dân.

Trong đó, dữ liệu dân cư là bộ dữ liệu lõi, gốc, nằm trong tổng thể mô hình tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, một bộ dữ liệu khác là dữ liệu định danh về con người, định danh về cơ quan tổ chức và định danh về địa điểm. Những bộ dữ liệu này sẽ tạo lập  các dữ liệu chuyên ngành khác, bổ trợ cho nhau trong quá trình chuyển đổi số.

Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, 2,5 năm triển khai Đề án 06 đã mang lại những điều cơ bản nhất, khẳng định Đề án đã cung cấp các dịch vụ công thiết yếu (nền tảng cơ bản để tạo lập dữ liệu); phục vụ cho việc phát triển kinh tế; tạo lập được công dân số...

Song, trong quá trình triển khai Đề án 06, một số điểm nghẽn về pháp lý, dữ liệu nghiệp vụ, hạ tầng, bảo mật và nguồn lực... đã xuất hiện. "Giải quyết được điểm nghẽn trên mới phát triển được Đề án 06 cũng như chuyển đổi số", Đại tá Tấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Cục C06 cho rằng cần phải xác định dữ liệu được số hóa tới đâu phải đưa vào sử dụng tới đó để phục vụ nhân dân, không trông chờ khi có nhóm chung mới đưa vào sử dụng.

"Chúng ta đang có quan niệm số hóa xong dữ liệu mới đưa vào dùng, nhưng thực tế, qua triển khai dữ liệu dân cư cho thấy khi dữ liệu được số hóa phải mang dùng ngay mới sống", Đại tá Vũ Văn Tấn nói và chia sẻ cần phải có Luật Dữ liệu để đảm bảo tính pháp lý.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã cùng tham vấn chính sách cho các cơ quan tổ chức để đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng các bộ dữ liệu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm