1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Mục sở thị công nghệ nhân giống chim trời

(Dân trí) - Hóa ra cái bí quyết quan trọng nhất giúp anh Giáp “lôi” được nhiều loài chim quý ra khỏi Sách đỏ và làm các cơ quan chức năng phải “siêu lòng” đồng ý cấp phép cho anh nuôi chính là công nghệ ấp trứng nhân tạo…

Có thể nói, nuôi và thuần hóa các loài chim hoang dã là việc làm khó, làm thế nào để chúng sinh sản được lại càng khó hơn. Nhưng anh Trần Nhữ Giáp (Thanh Trì – Hà Nội) không chỉ nuôi, thuần hóa các loài chim hoang dã quý hiếm mà còn cho nó sinh sản hàng loạt được.


Chim Công...

Chim Công...


... và chim Trĩ trưởng thành trong trang trại của anh Giáp

... và chim Trĩ trưởng thành trong trang trại của anh Giáp

Từ tình yêu và niềm đam mê chơi chim, chỉ trong thời gian ngắn anh Trần Nhữ Giáp đã nhanh chóng “bén duyên” được với nhiều loài chim hoang dã quý hiếm. Anh Giáp chia sẻ: “Năm 2005-2006 lúc đó mình mới bắt đầu nuôi thử nghiệm một vài con, thời điểm đó ở Việt Nam thì chưa có cấp phép cho tư nhân nuôi các loài chim quý này, đặc biệt như con chim Công. Mình trăn trở lắm, làm sao để chứng minh được cho cơ quan chức năng là những loài này có thể nuôi và cho sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Mình nuôi thử nghiệm và theo dõi ghi chép cẩn thận sự phát triển và sinh trưởng của chim, cộng với tìm hiểu thêm tài liệu về kỹ thuật nuôi và với sự giúp đỡ của các trung tâm bảo tồn. Mất mấy năm lặn lội và họ thấy mình thử nghiệm nuôi và cho sinh sản thành công, đến 2009 mới chính thức được cơ quan chức năng cấp phép”.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc hiểu sâu về đặc tính của từng loài chim khác nhau, như cách chăm sóc, phòng chống bệnh, kỹ thuật xây dựng chuồng trại…, hóa ra cái bí quyết quan trọng nhất giúp anh Giáp “lôi” được nhiều loài chim quý ra khỏi Sách đỏ và làm các cơ quan chức năng phải “siêu lòng” đồng ý cấp phép cho anh nuôi chính là công nghệ ấp trứng. Bởi có ấp trứng thành công mới cho sinh sản được, vì một số loài chim chúng không tự ấp trứng được.

Anh Giáp cho biết: Giai đoạn đầu phần lớn các loài chim anh đang nuôi, sau khi sinh sản đều đem trứng cho các loài gia cầm khác ấp nở. Nhưng do phương pháp này thiếu tính chủ động và tỷ lệ nở thành công không cao. Sau đó, anh mang toàn bộ số trứng của các loài chim thuộc họ Trĩ (bộ gà) đem đi thuê ấp tại các cơ sở ấp nở trứng gia cầm.Với phương pháp này tỉ lệ ấp nở có phần cải thiện hơn, nhưng chỉ đạt khoảng 50%.

Anh Giáp (áo đen) đang tiêm phòng bệnh cho chim Trĩ

Anh Giáp (áo đen) đang tiêm phòng bệnh cho chim Trĩ

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, đến năm 2011 anh Giáp nảy sinh ý tưởng là dựa trên nguyên lý của máy ấp trứng gia cầm thông thường, sau đó cải biến để chế tạo thành máy ấp trứng cho các loài chim Trĩ đỏ, Gà lôi trắng, Vịt uyên ương… “Mình đã thay đổi kích thước các khay trứng cho phù hợp với từng loài; thời gian chu kỳ đảo, nhiệt độ, độ ẩm trong máy cũng được thay đổi cho hợp lý. Toàn bộ hệ thống được tích hợp và cài đặt mặc định trong bộ điều khiển tự động phù hợp với yêu cầu ấp nở của từng loài, sau một thời gian thử nghiệm. Đến năm 2012 mình đưa vào sử dụng chính thức và thấy tỷ lệ nở thành công đạt 85%, có thể nói đây là một thành công rất lớn” - anh Giáp chia sẻ.

Phần lớn các loài chim thuộc họ Trĩ bộ gà sau khi chim con nở ra thì đều có thể tự vận động và ăn uống được. Trong môi trường tự nhiên chúng được chim mẹ hoặc chim bố chăm sóc cho đến khi gần trưởng thành mới tách đàn.Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhân tạo bản năng nuôi và ấp nở con của 1 số loài đã suy giảm, nên con con sau khi ấp nở bằng máy nhân tạo được nuôi úm như nuôi gà. Chim con nuôi cách ly trong lồng úm, với thiết bị sưởi chuyên dụng hoặc bóng đèn để duy trì nhiệt độ ổn định trong những ngày đầu. Những ngày sau giảm dần nhiệt độ. Sau khoảng 15-20 ngày nuôi úm chim mới thích nghi với môi trường tự nhiên.

Máy ấp trứng nhân tạo

Máy ấp trứng nhân tạo

Hàng loạt những phát minh “kỳ thú” đó đã giúp anh Trần Nhữ Giáp sở hữu nhiều cái nhất trong giới chơi chim. Anh chính là người đầu tiên nhân giống thành công chim Trĩ đỏ và chim Công ngũ sắc - hai trong số những loài chim quý từng được liệt vào sách Đỏ cần được bảo vệ. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 20 loài chim trời quý hiếm với số lượng hàng nghìn cá thể.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm