PhotoStory

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ

Thực hiện: Thành Đông

(Dân trí) - Hàng trăm hộ dân sát bờ sông Hồng bắt dầu dọn dẹp, khắc phục sau đợt nước lũ dâng cao. Mực nước sông Hồng sáng nay (12/9) đang rút xuống dần nhưng tốc độ chậm, nhiều nơi hiện vẫn bị ngập úng.

Nước rút, nắng lên, người dân Hà Nội tất bật dọn nhà sau trận lũ lịch sử (Video: Minh Quang).

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 1

Sáng 12/9, ghi nhận tại khu vực phường Phúc Tân và phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nước sông Hồng có dấu hiệu rút, nhiều hộ dân tiến hành quét dọn, chỉnh trang nhà cửa.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 2

Trước đó, vào chiều ngày 11/9 tại một số con phố như Bảo Linh, Thanh Yên, Phúc Tân..., mực nước dâng nhanh, từ mức 0,5m đến hơn 1m ở những khu vực đất trũng gần sông Hồng.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 3
Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 4

Đồ đạc, xe máy được người dân tìm đủ cách để kê lên cao.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 5

Từ đầu giờ sáng, Ông Đoàn Văn Dậu (68 tuổi, phố Phúc Tân) đã tất bật lau dọn. Ông Dậu cho biết: "Tới thời điểm 11h, tôi ước chừng nước đã rút khoảng 30cm. Tôi cọ cửa nhà dần để đến lúc nước rút hẳn thì công việc vệ sinh sẽ nhanh gọn hơn".

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 6

Anh Trần Văn Tuyến (chủ cửa hàng sửa xe trên phố Phúc Tân) cho biết cửa hàng đã thiệt hại mất 3 bàn nâng xe máy, có giá trị khoảng 50 triệu đồng. Dù đã dùng nhiều biện pháp để ngăn nước vào cửa hàng, tuy nhiên, tối qua mực nước đã ở mức cao gần 0,5m.

Anh Tuyến chia sẻ thêm: "Tại 3 hố của bàn nâng giờ đây đã ngập đầy nước, có thể sẽ hỏng cả đường điện ngầm".

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 7

Người dân trong các con ngõ nhỏ chủ động nhặt rác trên mặt nước và các khe cống. Một số người cho biết tình trạng lũ dâng cao như thế này cũng đã từng diễn ra cách đây hơn 20 năm, vào cơn bão lịch sử năm 2002.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 8

Anh Hưng (phố Bạch Đằng) cõng con gái đi học về, quãng đường từ phố Chương Dương Độ đến nhà dài khoảng 200m. 

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 9

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Bảo (phố Thanh Yên) gom 3 túi quần áo to để mang đi giặt.

Anh Bảo cho biết: "Gia đình tôi sinh sống ở cuối phố, vị trí sát với bờ sông Hồng, mực nước phải lên tới hơn 1m, vì vậy nếu trong xóm, nhà nào có nhu cầu ra ngoài phố thì đều di chuyển bằng chiếc xuồng chèo này. Nhà tôi chắc sẽ đợi nước rút hẳn rồi mới dọn dẹp".

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 10

Bà Hương (phố Ngọc Linh) mỗi lần ra đường đều phải cho điện thoại và ví tiền vào bọc ni-lông để cầm.

Bà Hương cho hay: "Gia đình chỉ có hai bố con, bố tôi đã cao tuổi nên cũng chỉ ở trong nhà, mọi nhu cầu sinh hoạt đều do tôi đảm nhiệm. May mắn là có người thân ở ngoài tiếp tế đồ ăn, nước uống, không thì hai bố con tôi không biết phải làm sao".

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 11

Một số người dân mua thêm lương thực tích trữ, quyết ở lại tầng cao cho đến khi nước rút hẳn.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 12

Trẻ em trong các con phố ngập đều được hướng dẫn sử dụng cây gậy chống xuống đất trong lúc di chuyển để tránh thụt hố hay vấp ngã.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 13

Cùng thời điểm tại Phú Thượng (quận Tây Hồ), người dân cho biết, sau 12 tiếng từ 0h đêm qua, mực nước đã rút hơn 30cm, tuy nhiên, cánh đồng đào vẫn chìm trong nước lũ sông Hồng.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 14

Cả vùng trồng đào xanh tối nay chỉ thấy mỗi ngọn, các lều lán còn lại trơ trọi mỗi mái.

Mực nước sông Hồng giảm dần, người dân tranh thủ dọn dẹp sau lũ - 15

Bà H. (chủ vườn đào dưới cầu Nhật Tân) túc trực ngày đêm từ lúc nước dâng. Trưa nay, khi thấy một chiếc ghế sô pha cuốn vào dây điện gần lán, bà H. phải chèo thuyền ra để gỡ.

Bà H. xúc động: "Hai năm tới coi như gia đình tôi đã mất trắng, hơn 400 gốc đào ngập úng. Dù nước có rút thì cũng không còn đào giống mà gieo trồng".