Mùa tựu trường - “mùa” tắc đường
(Dân trí) - Tháng 9, mật độ tắc đường ở Hà Nội, TPHCM diễn ra liên tục trên diện rộng vì đây là thời điểm một lượng lớn học sinh, sinh viên nhập học. Trước tình cảnh đó, nhiều người phải tìm cách đối phó…
Tái bùng phát ùn tắc giao thông tại TPHCM
Từ đầu tháng 9, khi các trường bắt đầu khai giảng, học sinh sinh viên nhập học nên lượng người giao thông trên đường trong các giờ cao điểm tăng đột biến, số vụ ùn tắc giao thông vì thế cũng tăng đột biến theo.
Điểm sơ sơ thì trong 10 ngày đầu tháng 9 vừa qua có đến 5 vụ kẹt xe nghiêm trọng. Gần đây nhất là trong hai ngày 9, 10/9, trời mưa nhẹ trên khắp địa bàn TP kéo dài từ sáng sớm khiến nhiều người đi làm do nôn nóng nên gây ra hàng loạt điểm ùn tắc. Những vị trí tắc đường kéo dài như: Cộng Hòa - Trường Chinh, Lê Văn Sĩ - Hoàng Văn Thụ, Lý Chính Thắng - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu…
Khảo sát các vị trí thường xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm tại khu vực quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân… Dân trí nhận thấy điểm kẹt chính gây ra ùn tắc rồi tạo thành hiệu ứng dây chuyền trong những ngày qua chủ yếu xuất phát tại các trường học nằm trên các tuyến đường có rào chắn trong giờ tan trường.
Đặc biệt xung quanh khu vực cầu Bông có hàng loạt trường như THCS Võ Thị Sáu, tiểu học Trần Quốc Toản, tiểu học Trần Quang Khải… Ngay trước trường Võ Thị Sáu lại có nhiều lô cốt chắn hết 1/2 diện tích mặt đường, cạnh đó lại có siêu thị Co.op Mark. Chính những điều đó khiến ùn tắc ở đây xảy ra cực kỳ nghiêm trọng mỗi lúc học sinh ra về.
Tái bùng phát ùn tắc giao thông trong thời điểm khai trường là điều mà ngành giao thông đã tiên lượng. Ngay trong ngày phát động Tháng An toàn giao thông Năm 2008, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Trần Quang Phượng đã nhận định khó khăn này; ông kêu gọi mọi người, đặc biệt là học sinh - sinh viên, cán bộ công nhân viên nên dùng xe buýt để giảm áp lực giao thông.
Hà Nội mùa bức bối và cách ứng phó
Không chỉ các “điểm đen” quen thuộc mới diễn ra cảnh tắc đường, mà ngay từ cuối tháng 8 rất nhiều đoạn đường từ nhỏ đến lớn, sáng đến chiều đều… tắc. Người Hà Nội đi đường cảm thấy căng thẳng hơn bao giờ hết, những va chạm vì tắc đường diễn ra như cơm bữa.
Biết là lên xe máy, phóng ra đường là sẽ tắc nhưng nhiều người hàng ngày vẫn phải sống chung với tình cảnh đó vì cũng chẳng biết “đường nào mà tránh”. Nhưng cũng không ít người bất đắc dĩ phải tìm cách ứng phó.
| |
Để “né” cảnh tắc đường, gần hai tuần nay hơn 9 giờ |
Từ hôm con bước vào năm học mới, chị Hoan ở phường Định Công (Hoàng Mai) chuẩn bị một ngày mới từ 5h30 sáng vì không thể tiếp diễn cảnh con muộn học, mẹ muộn làm hơn nữa. Mới 6h30 chị và con đã phải ra khỏi nhà để “né” giờ cao điểm vì chỉ chậm hơn chút nữa là tắc đường ngay.
Hai mẹ con chị Hoan đến trường khi cổng chưa mở, mấy hôm đầu chị ngồi lại cùng con đến gần giờ vào học mới đi đến chỗ làm nhưng chờ như thế khi vòng ra đường đã tắc rồi. Cuối cùng chị đành phải để con ngồi lại với vài bạn cùng cảnh.
Cũng tránh giờ cao điểm nhưng trái với cách của chị Hoan, chị Nhàn, biên tập viên nhà xuất bản Văn hóa Thông tin lại đối phó bằng cách… đi làm thật muộn. Giờ làm việc ở cơ quan chị là 8h30 nhưng hôm nào cũng hơn 9 giờ chị Nhàn mới “xuất phát”.
Chị Nhàn cho biết: “Gần hai tuần nay tôi phải thực hiện thời gian biếu này vì đi theo giờ cũ là gặp ngay tắc đường, lên cơ quan vẫn muộn, thà giờ đó tranh thủ ở nhà làm việc còn hơn. Cũng may công việc của tôi không quá trói buộc về giờ giấc nên có thể báo cáo với sếp thông cảm nhưng cũng chỉ “bước đường cùng và tạm thời thôi”.
Còn nhiều cách tiêu cực ứng phó với tắc đường như chấp nhận vượt đèn đỏ, cố chen lấn để tránh “nghẹt”… nhưng những cách đó chỉ làm đường thêm tắc, việc va chạm, cãi vã lại càng diễn ra nhiều hơn và bực bội càng thêm bực bội.
Hoài Nam - Tùng Nguyên