1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An

Mùa "tận diệt" chim trời

(Dân trí) - Nhìn thấy con chim trên ruộng lúa vẫy vẫy đôi cánh, mấy chú cói đang bay trên trời chao đi chao lại rồi sà xuống. Chúng đâu biết rằng, ở bên dưới là cái bẫy chết người.

Mùa "tận diệt" chim trời - 1

Một con chim cái giãy giụa để thoát khỏi những chiếc "giò" tẩm loại nhựa cực dính

“4h30 phút chị ra đây đi săn cói (loài chim nhỏ hơn cò, mỗi con cỡ vài ba lạng và có mầu lông xám) với em. Phải đi sớm để kịp cắm bẫy trước khi trời sáng”, nhờ lời Hùng dặn tôi lồm cồm bò dậy. Tiết trời se lạnh đầu thu.Trời đầy sương, gió se se phả vào mặt. Cả cánh đồng lúa sắp chín chìm trong màn sương mờ ảo.

Giăng bẫy...

Mùa "tận diệt" chim trời - 2

Đồ nghề săn chim trời

Hùng và Phong đã có mặt từ bao giờ. Đầu mang cái đèn pin, 2 thằng dò dẫm cắm “giò” (những thanh tre nhỏ cỡ vài cm, dài 30-40 phân được tẩm nhựa một đầu) xuống bãi. Hai thằng vẫn mải miết cắm bẫy. Khoảng 30 phút sau bờ ruộng đã dày đặc “giò”. Một bãi săn dài chừng 50m đã được hình thành.

Mùa "tận diệt" chim trời - 3

Những chú cói mồi đã được khâu mắt

Hùng - 17 tuổi quê ở xóm 11 xã Nghi Kim, TP Vinh (Nghệ An) có thâm niên săn chim cói đã 4 năm "giảng giải": “Trước hết phải chọn được bãi đẹp thì mới dụ cói xuống được. Đó là những bờ ruộng nhỏ chiều rộng tối đa cỡ 40 phân thôi, như thế chỉ cần cắm 3 giò là hết chiều ngang, bằng chiều rộng của sải cánh của cói.

Bãi săn phải gần các trục đường, tốt nhất là gần các ngã 3, ngã 4. Nhưng loại bờ này giờ hiếm lắm vì người ta dồn điền đổi thửa nên chỉ toàn bờ ruộng to, cỡ xe công nông đi lọt. Những bờ này cắm bẫy thì cũng được nhưng trống quá chim ít xuống với lại tốn giò lắm”. 

Mùa "tận diệt" chim trời - 4

Và bãi săn chi chít những "giò" tẩm nhựa sẵn sàng tận diệt những chú chim xấu số

Mùa "tận diệt" chim trời - 5

Thợ săn già...


Săn cói bằng giò là lựa chọn của những thợ săn nhà nghèo bởi vì chỉ cần mấy cây tre cật pha thành những then nhỏ, một cân nhựa chuyên dụng với giá 400 nghìn đồng, vài cuộn dây cước và mấy con cói mồi là đã có thể hành nghề. Những người đánh lớn thường bẫy bằng lưới. Cách này đỡ mệt hơn nhưng cũng khá tốn kém. Bù lại nếu may mắn cho thể hốt gọn cả đàn cói vài chục đến cả trăm con. Hoặc người nào lười hơn có thế đi săn cói bằng cách đặt cá vào khu vực bẫy để dụ cói xuống ăn và dính nhựa cây. Tuy nhiên theo Hùng thì cách này chỉ là “ăn may” mà thôi.

Mùa "tận diệt" chim trời - 6

và trẻ cùng hành nghề 

Khi bãi giò hoàn tất, Phong chạy đi lấy 3 thanh gỗ cao chừng 2m và 3 con cói mồi tới. Loay hoay buộc chim vào thanh gỗ, luồn sợi dây cước vào những sợi lông đuôi rồi xiết chặt. Phong giảng thích: “Đây là cói mồi. Loài cói này khôn nhưng cũng dại lắm, chỉ cần có bạn vẫy cánh là nó sà xuống thôi bởi vậy phải chọn những con cói đẹp, khỏe và có sải cánh rộng để làm “mồi”. Mỗi khi giật giây, con chim bị mất thăng bằng, theo phản xạ tự nhiên nó sẽ phải đập cánh để lấy lại thăng bằng nhưng đó lại là tín hiệu để đồng loại sà xuống”.

Ngoài khỏe, đẹp và có bộ cánh dài thì chim mồi phải được khâu mắt lại để không thể nhìn thấy đường và không thể quậy phá. Chim mồi được đặt dưới ruộng lúa, cách bãi giò khoảng chừng 2-3 mét. Bố trí xong bãi, 2 thằng chạy đến vị trí cách đó khoảng chừng vài trăm mét và chờ đợi. Lúc này trời cũng đã bắt đầu sáng.

… Tận diệt chim trời

Mùa "tận diệt" chim trời - 7

Thêm một con cói dính bẫy

Mắt ngó liêng láo lên trời, Hùng thì thào: “Giống cói này cũng khôn, chỗ nào yên tĩnh thì nó mới xuống chứ ồn ào là nó bay đi mất”. Hai tay cầm sợi cước của Hùng giật giật hết sức nhịp nhàng, cứ 3-4 giây một nhịp. Phía đằng kia 3 con chim mồi cũng vỗ cánh nhịp nhàng như vậy. Tôi chưa hiểu chuyện gì, Hùng chỉ lên trời, phía xa xa một đàn cói chừng hơn 10 con đang bay tới.

Hùng lại giật giây, mấy con cói chao liệng xung quanh cói mồi rồi sà xuống. Chỉ chờ có thế thằng Phong lao đi. “Phải chạy thật nhanh nếu không cói mang cả giò lủi xuống ruộng, lẫn trong lúa thì khó tìm lắm”, Hùng cho hay.

Mùa "tận diệt" chim trời - 8

Những chú cói kêu ré lên vì sắp lìa đời

Chừng 10 phút sau Phong lếch thếch ôm 2 chú cói với những chiếc giò dính bết nơi cánh và đuôi chạy về. Mấy chú cói xơ xác phờ phạc vì vừa phải vật lộn với hàng chục chiếc giò tẩm nhựa để chạy nhưng cũng không thoát. Hai thằng điềm nhiên dùng sức mạnh của tuổi 17 giật những cây giò ra khỏi 2 chú cói tội nghiệp. Có lẽ quá đau nên một tiếng kêu ré lên. Tiếng thét cuối cùng vĩnh biệt bầu trời xanh của con cói xấu số!

Lại 3 con cói dính bẫy, thằng Phong lao đi. Trên bờ đất nhỏ, mấy con cói tội nghiệp đang cố hết sức giãy giụa để thoát những chiếc giò dính đầy nhựa, càng giãy lại càng dính nhiều giò hơn. Thằng Phong thành thạo lao xuống chặn đầu không để nó lủi vào ruộng. Chợt nghe Hùng ra lệnh ngồi xuống, phía trên đầu một đàn cói nữa đang tới.

Mùa "tận diệt" chim trời - 9

Mỗi ngày hàng nghìn con chim trời bị tàn sát không thương tiếc

Hùng hí hửng khoe: “Mấy bữa ni trời sắp có bão, cói từ ngoài biển bay vào đất liền nhiều hơn. Kiểu ni mấy ông đánh lưới ở Cửa Lò cứ gọi là chăng lưới hốt chim thôi. Em đi săn kiểu cò con, chỉ thích săn ở những cánh đồng còn lúa. Khi mô đồng ni gặt hết thì đi đồng khác. Giờ ở Hưng Nguyên, khi mô “cạn” chim thì về Nghi Lộc, Cửa Lò”.

Mùa "tận diệt" chim trời - 10

Gỡ bẫy

Đi săn kiểu cò con nhưng mỗi sáng cũng có đến 20 con cói dính bẫy, hôm nhiều có đến 5 chục con. Nhẩm tính sơ sơ 20.000 đồng/con, mỗi sáng hai thằng cũng kiếm được không ít tiền. “Ăn thua chi chị, đánh lưới, hốt trọn cả đàn thì mỗi ngày cũng kiếm được 5 - 6 triệu bạc ấy chứ. Nhưng đánh thế thì ác quá”. Tôi cũng không hiểu “triết lý ác” của Phong thế nào, chỉ thấy xót những con chim cói thỉnh thoảng kêu ré lên vì đau.

Mùa "tận diệt" chim trời - 11

Những chiếc giò tẩm nhựa dính bết lông của những con chim trời xấu số

Mùa săn chim trời ở Nghệ An mới chỉ bắt đầu và kéo dài đến tận tháng 11-12 âm lịch. Và cũng chính quãng thời gian này, hàng nghìn người dân với đủ loại đồ nghề từ hiện đại đến thô sơ đua nhau đi “tận diệt” chim trời. Và cứ thế mỗi năm đàn cò, cói, chim sẻ, chim én… càng về ít hơn. Liệu vài năm tới, xứ Nghệ có còn chim trời?

Hoàng Lam

<!--[if !vml]-->
<!--[endif]-->