1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Mùa” mất điện: Loạn đèn sạc, máy nổ

Hà Nội đang chuẩn bị vào “mùa” mất điện. Thị trường quạt - đèn sạc, máy phát điện lại “nóng” lên với đủ mẫu mã chủng loại, trong đó đa số là hàng Trung Quốc nhập lậu. Giá cả các mặt hàng này cũng rất thất thường, tùy độ “nóng”, “lạnh” của thị trường.

Cẩn trọng với hàng bảo hành

 

Nắm bắt nhu cầu về điện của người dân trong “mùa” mất điện, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ điện đã tung ra khá nhiều loại đèn sạc điện, quạt sạc điện, máy phát điện vô cùng phong phú về mẫu mã và chủng loại.

 

Ngày 5/4, tuy trời Hà Nội vẫn còn khá rét nhưng những cửa hàng bán đồ điện dân dụng ở đầu phố Phùng Hưng và cuối phố Trần Phú vẫn tấp nập khách vào mua quạt, quạt kiêm đèn và đèn sạc. Chủng loại phong phú, mẫu mã khá bắt mắt, các cửa hàng đều trưng những mặt hàng này ra ngoài.

 

Chỉ cần từ 150 - 500 nghìn đồng, người tiêu dùng đã sở hữu được một chiếc quạt có 3 chức năng: vừa làm mát, vừa có bóng đèn, vừa nghe được radio trong 4-6 giờ mất điện. Loại đèn tuýp treo tường từ 1 đến 2 bóng của hãng Sunca, Lampara, Lantern có giá từ 200-300 nghìn, sáng chẳng kém gì bằng điện trực tiếp. Hay chiếc đèn sạc 2 bóng xách tay xinh xắn, rất thời trang của Handy Lite, Lingqi...

 

Dừng chân trước một cửa hàng bày khá nhiều đồ điện này, tôi chỉ vào chiếc đèn sạc loại xách tay trông rất gọn và đẹp. Chị bán hàng giới thiệu: “Đèn có thương hiệu nổi tiếng đấy. Giá hơn 300 nghìn em ạ. Bảo hành 1 năm”. Tôi tỏ ý chê đắt, chị bán hàng nhấc ngay chiếc đèn mang nhãn hiệu Handy Lite đặt bên cạnh: “Loại hơn 200 nghìn này cũng có, nhưng em sờ nhựa xem, còn thua xa hàng cao cấp kia”.

 

Hai chiếc đèn giống hệt nhau, chỉ một cái có nhựa màu đỏ sẫm hơn một chút, nhưng giá đắt hơn 100 nghìn. Cái đèn mà chị bán hàng bảo có thương hiệu nổi tiếng được gắn mác HT-30T, quả thực có trời mới biết nó nổi tiếng thế nào ở Trung Quốc!

 

Ngỏ ý muốn mua chiếc quạt sạc cho những ngày mất điện, chị bán hàng giới thiệu loại quạt Kennede (loại chuyên quạt, có hai cục pin, chạy được trực tiếp), giá 550.000 đồng, bảo hành 1 năm. Theo chị, quạt loại này của hãng Sunca là có bảo hành, vì đó là hàng nhà máy, còn các loại khác khách mua về hỏng thì phải chịu.

 

Thế nhưng, khi bước sang cửa hàng bán đồ điện dân dụng lớn nhất ở phố này, chúng tôi khá ngỡ ngàng khi người bán ở đây cho biết: Những loại quạt, đèn sạc điện này đều do Trung Quốc sản xuất, đa số nhập lậu nên không bao giờ có bảo hành. Việc cửa hàng đưa thông tin “có bảo hành” là để hút khách thôi.

 

Đã có nhiều cuộc cãi vã xảy ra khi khách mang quạt hỏng đến đòi bảo hành. Nhiều cửa hàng còn quay ngược thái độ như “mang sang Trung Quốc mà bảo hành”. Theo khảo sát của chúng tôi, dù mỗi cửa hàng chỉ cách nhau vài bước chân, nhưng giá cả rất khác nhau, mỗi nơi phát một giá. Đặc biệt những loại gắn mác bảo hành đều đắt hơn 100 nghìn đồng.

 

Máy phát điện nhái

 

Không còn là “con cưng” như năm trước, năm nay, máy phát điện nhiều “vô thiên lủng” với trên 30 loại bày bán ở thị trường. Nhãn hiệu Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh thị trường như Huahe, Hongda, Tiger do giá thành vừa phải, hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Chỉ cần từ 2-3 triệu đồng là đã sở hữu được một chiếc máy phát điện gia đình từ 2,5 đến 3KVA.

 

Anh Trịnh Hoài Đức, nhân viên chuyên điện nước cho một khách sạn đang xây dựng ở Hà Nội cho biết: “Tuy công trình sắp đưa vào sử dụng, nhưng phương án mua máy phát điện đã phải tính trước đó rồi. Tôi đang lựa chọn mua máy nhập khẩu hay máy trong nước sản xuất”.

 

Theo chủ một cửa hàng điện lạnh trên phố Trường Chinh thì năm nay dòng máy công suất lớn, giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu bán chạy hơn năm ngoái, do tình trạng mất điện kéo dài. Có ngày cửa hàng bán được hơn chục chiếc cho công ty, khách sạn.

 

Máy phát điện gia đình cũng được tiêu thụ khá nhiều trong những ngày vừa qua, khi mà mùa hè đang gõ cửa. Nhiều người chọn mua thời điểm này vì giá chưa sốt. Nhưng không vì thế mà mất cảnh giác bởi hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tấn công thị trường.

 

Nhiều công ty cũng đưa ra khuyến cáo để người tiêu dùng nên cẩn trọng với giấy bảo hành mặt hàng này. Ngay cả hàng nhập khẩu nguyên chiếc như Onis, Visa, Koler, Honda… nếu một phụ kiện nào bị hỏng, người tiêu dùng phải đợi bảo hành từ chính hãng tại nước ngoài, mà “chờ được vạ thì má đã sưng”.

 

Còn dòng máy do Trung Quốc sản xuất mà người bán viết tay giấy bảo hành từ 3 tháng đến 1 năm thì hãy dè chừng. Bởi người bán thì không thông thuộc kỹ thuật, thông số, còn người sản xuất thì mãi tận… Trung Quốc. Thông thường, người bán ước lượng độ bền của máy để bảo hành và đa số máy hỏng sau khi hết bảo hành.

 

Không có điện, mọi sinh hoạt, công việc đều bị đảo lộn. Thiết bị thay thế điện hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ có máy phát điện, quạt, đèn sạc. Người dân đổ xô đi mua thiết bị này cũng là nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Nhiều nhà sản xuất nước ngoài đã nắm bắt nhu cầu của thị trường Việt Nam, kịp thời tung ra nhiều thiết bị chữa cháy cho những ngày mất điện. Và thật buồn khi mặt hàng quạt sạc, đèn sạc trong nước lại chưa sản xuất được, kể cả máy phát điện hầu như cũng nhập linh kiện của Trung Quốc về lắp ráp.

 

Trước sự nhập nhoạng của thị trường, người tiêu dùng trước tiên phải bảo vệ mình. Theo khuyến cáo, đối với loại quạt hay đèn sạc có bền hay không là do người sử dụng. Chỉ sạc pin khi pin gần hết và đầy pin phải ngừng sạc, nếu 2 tháng không sử dụng phải xả cho hết pin, nếu để lâu pin sẽ chết và gây hỏng. Không nên để máy phát điện trong nhà kín. Cách đây vài năm, đã có người ở Cẩm Phả, Quảng Ninh tử vong vì để máy phát điện chạy cả đêm trong nhà

 

Theo Trần Hằng

Công An Nhân Dân