ĐBSCL:
Mùa lũ về lại nặng nỗi lo trẻ bị đuối nước
(Dân trí) - Chỉ một phút lơ là trong việc giữ trẻ là có thể dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Vấn nạn này xảy ra nhiều hơn khi mùa lũ về. Vì thế, các điểm giữ trẻ mùa lũ được xem là “chiếc phao cứu sinh” kéo giảm tình trạng trẻ đuối nước hiện nay.
Số trẻ em chết đuối cao
Đã hơn 1 tháng trôi qua nhưng không khí đau buồn vẫn bao trùm trong ngôi nhà nhỏ của bà Trần Thị Bé (phường 1, TP Cao Lãnh). Cầm tấm ảnh bé Trần Gia Bảo - 8 tuổi trên tay, vợ chồng bà Bé không kìm được nước mắt về sự ra đi đột ngột của cháu ngoại mình. Bà Bé luôn miệng nhắc đi nhắc lại nếu hôm ấy bác cẩn thận trông giữ Bảo thì Bảo đã không té sông, chết đuối.
Theo bà Bé kể lại, chiều cuối tháng 6, Bảo được bà Bé đưa ra bờ sông trước nhà tắm. Khi bà Bé vô nhà, trở ra thì không thấy Bảo nữa. Nghi Bảo bị té sông nên bà Bé nhờ mọi người xuống sống tìm kiếm bé Bảo nhưng không tìm được. Đến sáng hôm sau, gia đình mới tìm được thi thể của Bảo.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 35 trẻ em bị đuối nước, cao gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2013, trong số này có trên 75% trẻ em tử vong là trẻ dưới 6 tuổi. Huyện Cao Lãnh có 8 trường hợp trẻ bị đuối nước, đây là địa phương có số trẻ bị đuối nước cao nhất trong 7 tháng qua.
Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cao Lãnh, trong số 8 trẻ bị đuối nước thì trẻ lớn nhất chỉ mới 4 tuổi, nhỏ nhất vừa tròn 2 tuổi, tất cả trẻ này nằm dưới nhóm trẻ dạy bơi, là nhóm đối tượng được sự quản lý trực tiếp của gia đình. Qua 8 trường hợp trẻ đuối nước ở huyện Cao Lãnh thì có 4 trường hợp trẻ có cha mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà.
Riêng tại An Giang, Cần Thơ con số trẻ em chết ngạt do đuối nước có chiều hướng giảm. Cụ thể, tại TP Cần Thơ, tính từ đầu năm đến nay chỉ có 3 trẻ chết đuối. Còn tại An Giang, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống trẻ em đuối nước nên trong 8 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới xảy ra 5 trường hợp trẻ em đuối nước.
Theo lãnh đạo các phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến trẻ bị đuối nước là từ phía gia đình. Chính người giữ trẻ còn chủ quan, lơ là trong việc quản lý con em; người trông giữ trẻ không lường trước các nguy hiểm khi trẻ chơi đùa gần các môi trường có nguy cơ tai nạn như sông, ao, kênh rạch… Một số trẻ em hiếu động còn nghịch lên cầu cao nhảy sông tắm, dẫn đến vọp bẻ, nươc xoáy làm chết ngạt.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp gia đình chưa thật sự quan tâm trong việc phòng ngừa trẻ em bị đuối nước (xung quanh nhà không có hàng rào che chắn, lu hủ trong nhà không có nắp đậy dẫn đến trẻ dễ dàng tiếp xúc với nước). Riêng đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, gia đình chưa cung cấp kiến thức về phòng, chống đuối nước cho con em mình, dẫn đến trẻ không biết cách xử lý an toàn những khi gặp sự cố trong khi bơi.
Tăng cường điểm giữ trẻ mùa lũ
Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang chuẩn bị đón mùa lũ mới và theo con lũ, ngoài việc nhiều nông dân “kiếm cơm” nhờ vào việc đánh bắt thủy hải sản thì những ẩn họa từ con nước lũ cũng cần cảnh báo, nhất là đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 10 tuổi, nguy cơ đuối nước rất cao.
Do đó, lãnh đạo tại các tỉnh vùng rốn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… đang tích cực chỉ đạo vận dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nguy cơ đuối nước cho trẻ. Cụ thể, như tại Đồng Tháp các ngành liên quan cần tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt mô mình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, qua mô hình giúp người lớn bảo vệ con em tốt hơn tại ngôi nhà của mình, tránh nguy cơ đuối nước; mở các lớp tập bơi cho trẻ; vận động đưa trẻ dưới 6 tuổi đến điểm giữ trẻ tập trung. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần quan tâm đến công tác tuyên truyền đề phòng đuối nước ở trẻ, làm sao cho hình thức tuyên truyền phải cụ thể, đúng đối tượng thì việc tuyên truyền trẻ đuối nước mới phát huy tác dụng.
Tại An Giang, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em chết đuối nước trong mùa lũ, giúp cho những gia đình có con nhỏ an tâm mưu sinh, kiếm sống trong mùa nước nổi, hàng năm Sở Lao động -Thương binh và xã hội hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và xã hội cấp huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức điểm giữ trẻ mùa lũ tại các xã, phường có nước ngập sâu có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Theo ông Phan Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh An Giang cho biết: “Mô hình này ban đầu, do xuất phát từ nhu cầu thực tế, trẻ em vùng lũ mỗi năm vào mùa nước nổi đều bị chết đuối cao (có năm hơn 100 trẻ bị chết đuối nước), lý do cha mẹ, người chăm sóc đi làm đồng, thả câu lưới bỏ con không người trông dẫn đến trẻ em bị chết đuối. Người dân ở huyện An Phú sang kiến ra tổ chức trông trẻ mang tính chất từ thiện, ban đầu một năm tổ chức 1, vài điểm (khoảng năm 1995), sau đó chính quyền cơ sở, cán bộ làm công tác trẻ em phát hiện mô hình hay mới đề xuất UBND cho chủ trương tổ chức điểm giữ trẻ vùng lũ có sự hỗ trợ của nhà nước. Đến nay, hằng năm có từ 40 - 70 điểm giữ trẻ tập trung ở các huyện, thị thành ngập sau trong tỉnh.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, năm 2014 theo kế hoạch các huyện sẽ tổ chức 55 điểm giữ trẻ (mượn nhà dân, văn phòng khóm, ấp… nhưng diện tích trên 50m2). Đến nay đã tổ chức 7 điểm giữ trẻ và đã có 215 trẻ tập trung. Đến tháng 9 sẽ triển khai xong 55 điểm giữ trẻ và mỗi điểm giữ trẻ từ 15 - 25 em, mỗi em được hỗ trợ 15.000đồng/trẻ/tháng. Riêng cô giáo được hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương cơ bản.
Tại TP Cần Thơ năm nay các điểm giữ trẻ tập trung được tổ chức từ ngày 15/9 đến ngày 30/10/2014 tại các xã, phường bị ảnh hưởng ngập lụt trong mùa lũ thuộc các quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt, Phong Điền.
Đối tượng được tổ chức trông giữ là trẻ em dưới 6 tuổi sống trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách gặp khó khăn, trẻ em sống trong gia đình có nguy cơ bị tai nạn thương tích cao...
Từ năm 2011 đến nay đã triển khai 178 điểm với 4.094 lượt trẻ được giữ. Ngoài ra còn lồng ghép việc xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn góp phần chống tai nạn thương tích trẻ em. Từ đó trẻ em bị tai nạn thương tích giảm đáng kể (năm 2013 có 15 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích; trong 6 tháng đầu năm 2014 chỉ có 3 trẻ tử vong chủ yếu do tai nạn đuối nước).
Được biết, các điểm giữ trẻ mùa lũ trên địa bàn TP Cần Thơ, An Giang trong những năm qua đã phát huy tác dụng tích cực trong việc phòng chống đuối nước trẻ em. Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh phối hợp với các ngành: GD&ĐT, Y tế, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và UBND các huyện triển khai, tổ chức các điểm giữ trẻ mùa lũ. Nhờ đó vấn nạn trẻ em chết ngạt do đuối nước những năm gần đây được kéo giảm đáng kể.
Nguyễn Hành