Kon Tum:
Mưa lũ “thổi” sập cầu, cả xã vùng cao khốn khó
(Dân trí) - “Đêm hôm qua con Y Xê bị bệnh, cầu mới bị cuốn trôi, cả thôn không ai có đèn pin, trời lại mưa to, nước sông lên lớn nên không ai dám khiêng nó lội qua sông đến trạm xá, đành để nó nằm nhà thôi”, anh Dơn đau xót kể.
Không có bất kì đồ bảo hộ để qua sông, người dân phải cầm tay nhau để qua sông
Sau những cơn mưa to kéo dài, tối ngày 24/9, cây cầu treo bắc qua sông Đắk A Kôi - tuyến giao thông đường bộ duy nhất từ thôn 5A, 5B và thôn 6 qua trung tâm xã Đắk Kôi (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) và các địa bàn khác - đã bị gãy sập; đẩy cuộc sống của hàng trăm người dân nơi đây vào những khó khăn, nguy hiểm khó lường. Nhiều học sinh trong thôn đã phải nghỉ học vì không muốn mạo hiểm mạng sống với dòng nước lớn, một số giáo viên điểm trường cũng phải nghỉ dạy; những người ốm đau trong đêm không thể tới trạm y tế...
Cây cầu treo được người dân và chính quyền xã chung tay dựng đã bị lũ đánh gãy sập vào tối 24/9
May mắn dưới lòng sông có đoạn được công trình thủy điện đổ đá nên người dân mới có chỗ để dò dẫm qua sông khi cầu treo bị gãy
Với những việc chẳng đặng đừng, người dân nơi đây vẫn phải đánh liều dò dẫm qua sông, cho dù mưa lũ ngày càng phức tạp, nước các con sông tại Tây Nguyên đang dâng cao. Không thuyền, bè, không áo phao… cách duy nhất mà những người dân nghèo nơi đây chống lại sức mạnh của dòng nước xiết là đi thành từng tốp, bám chặt lấy nhau mà đi.
Nếu có việc đi xa người dân phải khiêng xe lội qua sông để có phương tiện đi lại
Anh Dơn, thôn trưởng thôn 6, cho biết, cũng may một đoạn của lòng sông được một công trình thủy điện vào mùa khô thường xuyên đổ đá để cho xe di chuyển nên người dân có chỗ "an toàn" để lội qua sông. Tuy vậy, do lòng sông rộng cả trăm mét, nhiều lúc nước lên to, dòng sông như con thủy quái, vẫn sẵn sàng ngoạm lấy những bước chân sơ sẩy. “Chúng tôi chỉ qua sông khi nào có việc cần thôi, nhưng nước to quá thì cũng không dám đi vì có biết bơi thì nước cũng mạnh hơn mình mà. Cơn bão năm 2009, hai vợ chồng ở thôn 9 đi qua sông này đã bị nước cuốn chết nên bà con sợ không dám liều”, anh Dơn tâm sự.
Đơn cử như tối 25/9, chị Y Xê thôn 5B phát bệnh nặng, người thân đã chuẩn bị cáng để khiêng chị qua trạm y tế xã bên kia sông cấp cứu nhưng ra đến sông, trời mưa quá to, nước lại lên cao, trong thôn không ai có đèn pin nên họ đành phải khiêng chị Y Xê về... làm lễ cúng Yàng mong chị qua khỏi.
Khó khăn nhất là chuyện dạy và học của thầy trò nơi đây.
Con ngầm chắn ngang đầu đường vào xã Đắk Kôi những lúc tạnh mưa nước cũng đã dâng cao thế này
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Vũ - Phó Chủ tịch xã Đắk Kôi - cho biết: “Cây cầu mới bị lũ đánh gãy là do người dân và xã mới làm xong ngày thứ 5 tuần trước, đến thứ 7 thì bị đánh gãy do mấy ngày nay mưa to liên tục. Vì vậy việc đi lại của bà con, học sinh và các giáo viên rất khó khăn. Nếu mưa to mà kéo dài liên tục cả tuần thì vấn đề lương thực của bà con sẽ thiếu nên chúng tôi cũng đã chỉ đạo các quán xá trong làng chuẩn bị hàng hóa nhiều hơn để phục vụ bà con”.
Theo anh Vũ, một chiếc cầu treo cố định bắc qua sông cho bà con đi lại đang được thi công từ tháng 8, nhưng do gặp một số vấn đề phát sinh nên việc thi công cầu đang tạm ngưng lại.
Điều đáng nói, không chỉ có người dân 3 thôn trên gặp khó khăn khi di chuyển trong mùa mưa lũ mà đây còn là khó khăn của cả xã Đắk Kôi và cho bất kỳ ai muốn vào xã. Bởi muốn vào xã thì phải đi qua hơn 20km đường bùn đất với một số ngầm nước, trong đó nguy hiểm nhất là ngầm nước rộng hơn 5 mét chắn ngang đầu đường vào xã. Mỗi khi mưa to, nước từ đầu nguồn đổ về khiến ngầm nước có thể dâng lên sâu cả mét, lại chảy với độ dốc cao, trong khi người dân và chính quyền không có bất cứ dụng cụ bảo hộ gì từ áo phao đến thuyền, bè.
Tuy vậy, các cán bộ và giáo viên vẫn thường xuyên mạo hiểm đi trên con đường này vào xã gieo chữ cho những học trò người Xê Đăng. “Mỗi khi mưa to, nước lên cao chúng tôi cũng chỉ biết đứng chờ cho đến khi hết mưa, sau 2 tiếng mới dám qua. Có lúc phải nhờ người dân khiêng xe qua vì nước còn quá cao. Bản thân tôi mới vào đây tăng cường hơn 1 năm nhưng cũng đã bị ngã ướt hết người, còn sách vở và tài liệu cũng bị trôi ướt trên con ngầm này”, cô Thúy Phương kể lại.
Đây cũng là con đường giao thông duy nhất để người dân ra huyện. Nếu mưa to kéo dài người dân nơi đây sẽ bị mưa lũ cô lập hoàn toàn.
Có một cây cầu hơn 5 mét là mong ước không chỉ của cán bộ, giáo viên và người dân nơi đây mà nó còn là mong ước của bất kỳ ai đã từng mạo hiểm qua con ngầm này để vào được xã: “Mưa lớn, chúng tôi liên tục bị cô lập, mong ước lớn nhất của chúng tôi là có cây cầu tạm hơn 5m bắc qua cái ngầm này mà vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi đã liên tục đề xuất lên các cơ quan ban ngành cấp trên để được xây cầu nhưng vẫn chưa được”, anh Vũ bộc bạch.
Những ngày này, địa bàn tỉnh Kon Tum liên tục có mưa to và mưa rất to với diễn biến ngày càng phức tạp. Khi phóng viên đến Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum - Chi cục thủy lợi & Phòng chống lụt bão để đăng ký làm việc, nắm bắt tình hình bão lụt trên địa bàn thì bị một cán bộ nữ phòng Tổ chức hành chính từ chối tiếp. Phóng viên yêu cầu được gặp lãnh đạo thì chị này nói lãnh đạo đi vắng; xin số điện thoại lãnh đạo thì chị này nói “không có”; hỏi tên thì nữ cán bộ nói mình... không có tên. Sau đó chúng tôi gặp ông Võ Duy Bình - phụ trách hành chính tổng hợp - xin số điện thoại của lãnh đạo để hẹn làm việc thì ông Bình cho biết: “Ở đây không ai được phép cung cấp số điện thoại của lãnh đạo cho người khác” và ông Bình nói do tình hình bão lụt trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp nên lãnh đạo bận! |
Thiên Thư