Mưa lũ “càn quét” vùng núi, trung du Bình Định

(Dân trí) - Từ ngày 31/10-3/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng và đã xuất lũ quét ở vùng trung du, miền núi và ngập úng ở vùng hạ du, gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân.

Nhiều tuyến đường giao thông ở xã vùng cao Bok Tới (huyện Hoài Ân) bị sạt lở nghiêm trọng
Nhiều tuyến đường giao thông ở xã vùng cao Bok Tới (huyện Hoài Ân) bị sạt lở nghiêm trọng

Tại huyện Hoài Ân mưa lớn kèm lũ quét đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân trong huyện. Theo thống kê của huyện, tại xã An Nghĩa, cầu Hương Quang (thôn Hương Quang) bị nước lũ cuốn trôi mố cầu và làm xói lở toàn bộ mái taluy, đường dẫn đầu cầu, đường vượt, khiến giao thông bị chia cắt.

Cầu Bù Nú ở thôn Bình Sơn bị sập mất một cầu, cô lập hơn 800 hộ dân ở nhiều thôn trong xã. Cầu Nhơn An, thôn Nghĩa Nhơn; cầu tràng Gò Dũng thuộc địa bàn xã Ân Nghĩa bị mưa lũ làm sụp lún trụ cầu, sạt lở mố đầu cầu.

Các tuyến đường bê tông liên xã Ân Nghĩa đi thôn T2, T4, T5 xã BokTới bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng, việc đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Còn tại xã Bok Tới, cầu bản ở làng T5 bị lũ cuốn trôi hai bên đầu cầu và đường dẫn, nhiều đoạn đường liên thôn trong xã cũng đã bị hư hỏng nặng…

Hệ thống kênh mương bị sạt lở, bồi lấp khá nghiêm trọng, cuốn trôi 128 đập tạm, đập bổi; 20 đập dâng kiên cố của các xã: ĐakMang, BokTới, Ân Sơn, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và Ân Nghĩa bị sạt lở, bồi lấp. Các đập dâng của hệ thống nước sạch, nước sinh hoạt tại Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Hảo Đông, Ân Nghĩa, Bok Tới bị đất đá bồi lấp hoàn toàn.

Mưa lũ còn làm ngập nước 813 nhà dân tại các xã Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Hữu, Ân Đức, trong đó có 2 ngôi nhà của 2 hộ dân ở xã Ân Tường Tây bị lũ làm sập đổ hoàn toàn, 1 ngôi nhà của hộ dân ở xã Ân Đức bị sập vách. 1.450 giếng nước của người dân đã bị ngập nước; nhà của 15 hộ nhà dân ở xã Ân Nghĩa và BokTới bị đất núi sạt lở, vùi lấp khá nghiêm trọng.

Cầu Bù Nú, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị lũ làm sập mất 1 nhịp
Cầu Bù Nú, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị lũ làm sập mất 1 nhịp

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 65 ha cây hoa màu bị thiệt hại; 38 ha ruộng sản xuất của người dân bị sa bồi thủy phá và 3.556 con gia súc gia cầm bị lũ cuối trôi. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính 45,3 tỷ đồng.

Tại một số xã vùng núi huyện Vĩnh Thanh, mưa lớn đã làm sạt lở tuyến đường Vĩnh Sơn- Vĩnh Kim và đường ven hồ Định Bình. Hệ thống cống thoát nước nằm tại đoạn đường đầu làng K7 cũ dẫn về trung tâm xã Vĩnh Kim (thuộc đường ven hồ Định Bình) đã bị nước cuốn trôi, trong khi đây là tuyến đường duy nhất về trung tâm huyện của hơn 500 hộ dân ở 6 thôn: O2, O3, O5, K6, Đắk Tra và Kon Trú.

Trong khi đó, ở khu vực đồng bằng và các vực ngoài thành Quy Nhơn, mưa lũ đã gây ngập hàng ngàn hộ dân, trong đó có nhiều nhà phải di dời đến nơi ở an toàn. Mưa lớn làm 3 đoạn đường ngập nước trên 1 mét (tại khu vực 6, phường Bùi Thị Xuân). Nước ngập hàng trăm nhà dân tại KV2 (phường Nhơn Phú) và KV1, 2, 8, 9 phường Trần Quang Diệu buộc phải di dời và ngập úng 60ha lúa mùa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thăm hỏi, động viên các hộ dân ở xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị thiệt hại do mưa lũ gây ra
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng thăm hỏi, động viên các hộ dân ở xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) bị thiệt hại do mưa lũ gây ra

Để ổn định nhân dân vùng lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cùng các sở, ngành của tỉnh đã đi thị sát tại mội số vùng bị thiệt hại năng động viên, đồng thời yêu cầu các ngành liên quan huy động lực lượng khắc phục tạm các tuyến đường giao thông bị sạt lở, những điểm xung yếu, nguy hiểm bố trí người gác trực, nhất quyết không cho người dân qua lại. Đối với các nhà dân bị ngập lụt cần nắm chắc số hộ bị ngập, sử dụng phương tiện đưa cứu hộ, cung cấp lương thực cho người dân. Không được để cho người dân gặp nguy hiểm và không được cho dân bị thiếu lương thực, thực phẩm.

Mố cầu Hương Quang tại xã Ân Nghĩa bị lũ cuốn trôi
Mố cầu Hương Quang tại xã Ân Nghĩa bị lũ cuốn trôi
Nhà nhiều hộ dân ở xã Ân Nghĩa bị nước lũ mang theo đất lấp đầy nhà
Nhà nhiều hộ dân ở xã Ân Nghĩa bị nước lũ mang theo đất lấp đầy nhà
Mưa lũ “càn quét” vùng núi, trung du Bình Định - 6
Còn ở đồng bằng nước gây ngập hàng nghìn nhà dân
Còn ở đồng bằng nước gây ngập hàng nghìn nhà dân

Lũ trên các sông ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên diễn biến phức tạp

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình hình lũ trên ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có diễn biến phức tạp, có nơi nước sông đang xuống chậm, nhưng có nơi nước sông vẫn tiếp tục dâng cao.

Cụ thể, lũ trên các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa đang xuống chậm và dao động ở mức cao; sông Cái Phan Rang (Ninh Thuận) và các sông ở Đắk Lắk đang lên.

Mực nước lúc 4h ngày 4/11 trên các sông như sau: Sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt 9,19m, trên BĐ2 0,19m; Sông Kôn tại Thạch Hòa 7,80m, dưới BĐ3 0,2m; Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng 9,58m, ở mức BĐ3; Sông Ba tại Củng Sơn 33,29m, trên BĐ2 1,29m, tại Phú Lâm 3,96m, trên BĐ3 0,26m; Sông Dinh tại Ninh Hòa 4,68m, dưới BĐ2 0,12m; Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng 10,74m, dưới BĐ3 0,26m; Sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ 38,85m, trên BĐ3 0,85m; tại Phan Rang 3,3m, dưới BĐ2 0,2m. Sông Krông Ana tại Giang Sơn 420,84m, dưới BĐ1 0,16m (lúc 1 giờ); Sông Sêrêpốk tại Bản Đôn 171,19m, trên BĐ1 0,19m (lúc 1 giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới: Mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa xuống chậm và còn dao động ở mức cao; các sông ở Ninh Thuận, Đắk Lắk tiếp tục lên.

Mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xuống mức 8,8m, dưới BĐ2 0,2m; Mực nước sông Kôn tại Thạch Hòa xuống mức 7,4m, dưới BĐ3 0,6m; Mực nước sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng xuống mức 8,2m, dưới BĐ2 0,3m; Mực nước trên sông Ba tại Củng Sơn xuống mức 32,7m, trên BĐ2: 0,7m, tại Phú Lâm xuống mức 3,5m, dưới BĐ3 0,2m; Mực nước sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 4,6m, trên BĐ2 0,2m; Mực nước sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng ở mức 10,0m, trên BĐ2 0,5m; Mực nước sông Cái Phan Rang tại Phan Rang ở mức 3,5m, ở mức BĐ2; Các sông ở Đắk Lắk dao động ở mức BĐ1 đến BĐ2.

Tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắc vẫn tiếp diễn, đặc biệt nghiêm trọng tại các huyện Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên); Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa); Thành phố Phan Rang-Tháp Tràm, Ninh Hải, Ninh Phước (Ninh Thuận); huyện Mdrăk, Krông Bông, Eakar (Đăk Lắk).

Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2.

Nguyễn Dương

Minh Hải - Doãn Công

.