Mưa lớn kéo dài nguy cơ gây lũ ở Ninh Thuận
(Dân trí) - Hiện tại, mực nước lũ tại các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang dao động ở mức xấp xỉ báo động 1 đến báo động 2. Cơ quan chức năng khuyến nghị người dân ở vùng trũng thấp đề phòng có lũ.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, ngày 16/10, Khu vực tỉnh Ninh Thuận do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung đến Nam Trung Bộ nối với tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông, trường gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh.
Trong 12 giờ qua, khu vực vùng núi thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc đã có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to.
Cụ thể tại Sông Pha, lượng mưa là 90.0mm; Ma Nới 99.8mm; Hòa Sơn 101.2mm (huyện Ninh Sơn); Phước Tân 62.6mm; Phước Bình 68.0mm; Phước Hòa 66.4mm (huyện Bác Ái); Phước Hà 85.8mm (huyện Thuận Nam); Phước Chiến 84.4mm (huyện Thuận Bắc).
Hiện tại mực nước lũ tại các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang dao động ở mức xấp xỉ báo động 1 đến báo động 2. Riêng trên Sông Lu, tại trạm thuỷ văn Phước Hà, mực nước lũ lên rất nhanh và đạt đỉnh: 63.60m. Tại trạm thuỷ văn Phước Hữu, mực nước rất nhanh lên nhanh và đạt đỉnh: 13.12m, trên mức báo động 3 là: 0.82m vào lúc 0h ngày 16/10.
Hiện tại, khu vực tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục có mưa rào và giông, có nơi mưa vừa, mưa to.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, mực nước trên Sông Lu tại trạm Phước Hà khả năng duy trì ở mức 63.20m, trên mức báo động 3 là: 0.20m; theo lưu lượng xả lũ của hồ Tân Giang, sau đó giảm dần và dao động ở mức xấp xỉ báo động 2. Tại trạm Phước Hữu tiếp tục giảm và dao động ở mức xấp xỉ báo động 1.
Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lụt trên địa bàn lưu vực Sông Lu là cấp 1-2.
Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận khuyến nghị nhân dân đề phòng xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc địa bàn huyện Thuận Nam và Ninh Phước.
Đắk Lắk chủ động ứng phó với lũ, ngập úng ở các vùng trũng thấp
Ngày 16/10, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 20 đợt thiên tai làm chết 4 người, bị thương 2 người, hư hỏng 150 nhà dân, 16 điểm trường nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng. Hơn 45.700 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng; hơn 20.500 con gia cầm, 64 ao nuôi thủy sản bị cuốn trôi. Ước thiệt hại hơn 600 tỷ đồng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, từ nay cho tới hết năm 2020, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 7 – 9 cơn, trong đó 2 – 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Đắk Lắk.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk cảnh báo, đỉnh lũ năm 2020 sẽ xuất hiện trên các sông trong tỉnh Đắk Lắk vào cuối tháng 10 và trong tháng 11. Các huyện Cư M’Gar, M’Đrắk, Krông Năng, Krông Búk, Ea Kar, Krông Bông đề phòng lũ quét, sạt lở đất khi có mưa vừa, mưa to.
Các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Pắk, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột cần đề phòng, chủ động ứng phó với lũ, ngập úng ở các vùng trũng thấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá về công tác chỉ đạo, tổ chức ứng phó với các đợt thiên tai lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Y Giang Gry - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, các cơ quan, đơn vị, địa phương xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải theo dõi sát sao diễn biến của áp thấp nhiệt đới để xây dựng phương án phù hợp; xây dựng phương án di dân từ vùng thấp đến vùng an toàn, nhất là đối với khu vực hồ Krông Pắk Thượng.
Theo ông Y Giang Gry các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác cảnh đối với các vùng có nguy cơ cao; kiểm tra, giám sát các công trình thủy điện và đánh giá hiện trạng các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn phụ trách.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần bố trí nguồn lực, sẵn sàng các phương án, kịch bản xử lý đối với mọi tình huống thiên tai có thể xảy.