Mưa lớn gây ngập chưa từng thấy “nóng” nghị trường Đà Nẵng
(Dân trí) - Đợt mưa lớn kéo dài, gây ngập chưa từng thấy ở Đà Nẵng trong hai ngày 9 và 10/12 vừa qua làm “nóng” nghị trường Đà Nẵng trong phiên thảo luận và chất vấn tại kỳ họp cuối năm của HĐND thành phố hôm nay 18/12.
Nhiều đại biểu cho rằng trận mưa gây ngập chưa từng thấy ở Đà Nẵng vừa qua bộc lộ công tác quản lý thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập.
Tại phiên thảo luận sáng 18/12, phân tích nguyên nhân trận mưa ngập vừa qua, ĐB Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP cho biết, qua công tác giám sát của HĐND TP cho thấy, hệ thống thoát nước của hiện nay đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của đô thị ở Đà Nẵng, chưa đủ khả năng thích ứng với thời tiết. Hệ thống quan trắc chưa dự báo, cảnh báo hết diễn biến thời tiết phức tạp. Điều này thấy rõ qua trận mưa ngập lịch sử vừa qua, nhiều điểm ngập nặng mà không được cảnh báo sớm, người dân không kịp trở tay.
Thêm vào đó, quá trình phát triển đô thị cũng làm giảm số lượng hồ điều tiết trên địa bàn thành phố từ 42 hồ xuống còn 30 hồ, cộng với công tác duy tu, nạo vét chưa được thực hiện thường xuyên trong thời gian dài, làm giảm khả năng thoát nước.
Một nguyên nhân đặc biệt nữa, theo ĐB Tiến, là việc xả thải nước ngầm lẫn bùn đất ở các công trình thi công ra cống chưa được kiểm soát, cũng như chưa có giải pháp hạn chế việc xả thải của các dự án lớn gây quá tải công trình thoát nước.
ĐB Tiến đề xuất cần đánh giá tổng thể nhu cầu thoát nước để có cơ sở bổ sung vào quy hoạch của TP các dự án đầu tư cải tạo các tuyến cống hiện tại và xây dựng thêm các tuyến cống mới.
Lấy điển hình trận mưa lớn gây ngập úng chưa từng thấy trong hai ngày 9 và 10/12 tại Đà Nẵng, tại phiên chất vấn chiều nay (18/12), ĐB Nguyễn Kim Dũng “truy” Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP về tình trạng hễ mưa lớn là gây ngập úng và đặc biệt ở khu vực ven biển, “điệp khúc” hễ mưa là tình trạng nước thải quá tải các cửa xả nước thải đã qua xử lý, khiến nước bẩn tràn ra biển, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.
Trả lời về vấn đề này, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên&Môi trường TP Đà Nẵng đồng ý với ĐB Nguyễn Thành Tiến ở nguyên nhân hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố hiện nay đã lạc hậu. Hệ thống hiện nay được đầu tư xây dựng từ năm 2008 và dựa trên quy hoạch đô thị của Thành phố từ năm 2002. Trong khi hiện nay, so với thời điểm đó thì khu vực ven biển đã rất khác với mật độ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng… dày đặc. Trung bình mỗi ngày lượng nước thải sinh hoạt ở đây là hơn 35.000m3.
Hiện nay, Thành phố đã đầu tư thêm các trạm bơm thoát nước. Nhưng trong điều kiện thời tiết bình thường thì cơ bản giải quyết được việc thoát nước và xử lý nước thải, còn mưa lớn, nhất là mưa cực lớn như vừa qua thì thật sự không tránh được tình trạng quá tải gây ngập úng và nước thải tràn ra biển như vừa qua.
Về lâu dài, Thành phố đã có kế hoạch đầu tư 3 dự án thoát nước và xử lý nước thải công nghệ mới với tổng kinh phí dự toán hơn 2000 tỷ đồng. Khi hoàn tất các công trình dự án này thì mới giải quyết căn cơ tình trạng hễ mưa lớn là ngập úng và nước thải chưa qua xử lý tràn ra biển.
Ông Hùng cũng chia sẻ trước HĐND TP về một số liệu mà theo ông, khi công bố ra đây thì cử tri cũng ngỡ ngàng. Đó là hiện nay, lượng rác thải của TP trung bình mỗi ngày từ 900 - 1000 tấn; và theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2025, mỗi ngày TP Đà Nẵng thải ra khoảng 1.800 tấn rác.
Lượng rác thải rất lớn, trong khi đó, dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải mới của Thành phố chưa triển khai, thì cũng với những giải pháp trước mắt gần đây như đầu tư nâng công suất xử lý nước thải và phủ bạt bãi rác Khánh Sơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thì cần triển khai ngay việc phân loại rác tại nguồn. Và hiện nay, chính quyền TP đã có chủ trương bắt đầu triển khai phân loại rác tại nguồn từ đầu năm 2019.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng cần chia sẻ với Thành phố ở chỗ “lượng mưa hai ngày 9 và 10 vừa qua với 60mm kéo dài thì không có cống rãnh đô thị nào chịu nổi”.
Tuy nhiên, từ những bất cập bộc lộ qua trận mưa ngập vừa qua, bài học kinh nghiệm là phải thường xuyên kiểm ra việc nạo vét hồ điều tiết, thông cống thoát nước. Chủ tịch HĐND TP cũng đưa ra đề nghị rà soát lại quy hoạch hệ thống nước thải, phân kỳ đầu tư đồng bộ và có giải pháp chống ngập; cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường thành phố.
Tâm An