1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Mùa cao điểm” ném đá lên tàu

(Dân trí) - Dù chưa bước vào “mùa chính” (tháng 7-9 hàng năm) nhưng thời gian gần đây, nạn ném đất đá lên tàu đã và đang diễn ra hết sức căng thẳng, với sự gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại tài sản. Hàng tỉ đồng đang bị “đánh cắp” bởi những hành vi vô ý thức đến ấu trĩ của con người.

Những con số đáng báo động

 

Ngày 8/5/2007, hành khách đi trên chuyến tàu SE5 từ Hà Nội vào TPHCM được phen hoảng loạn khi phải hứng chịu một trận “mưa đá” vô tiền khoáng hậu. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, trưởng chuyến tàu “bão táp”, kể lại: Khoảng 16h20, tàu vừa chạy đến địa phận Mương Mán, Suối Vận (Bình Thuận) thì bất ngờ một viên đá to bằng nắm tay ném trúng lên toa xe, làm vỡ tan cửa kính. Chưa đầy 2 phút sau, cửa kính một toa xe khác tiếp tục bị ném vỡ... Cứ như thế, chỉ trong vòng 7 phút, 5 cửa kính toa xe của đoàn tàu SE5 bị vỡ toang, những hành khách trên tàu, đặc biệt là những du khách người nước ngoài, rơi vào hoảng loạn. Nhiều người phải cúi rạp vào thành tàu để tránh cơn mưa đá.

 

Đây chỉ là một trong những vụ điển hình gần đây nhất cho thấy tệ nạn ném đất đá lên tàu đang tái diễn với mức độ khủng khiếp. Thống kê sơ bộ của Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2007, cả nước xảy ra khoảng 400 vụ ném đất đá lên tàu, làm vỡ khoảng 600 cửa kính toa xe.

 

Cao điểm như ngày 2/5, 3 đoàn tàu SE6, SE4, SE2 phải hứng chịu 2 trận “mưa đá” liên tiếp, 6 cửa kính toa xe vỡ tan nát. Ngày 19/5, tàu SE5 chạy qua khu vực Ninh Thuận và Khánh Hoà đã bị ném vỡ 5 cửa kính toa xe...

 

Một vài “điểm nóng” ném đất đá là Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai đang có dấu hiệu “tăng nhiệt” trở lại với số vụ “tập kích” đoàn tàu leo thang một cách chóng mặt. Tại Nghệ An, chỉ riêng trong tháng 5 đã xảy ra 9 vụ; tại Quảng Bình trong 5 tháng đầu năm xảy ra 18 vụ; Đồng nai xảy ra 5 vụ;...

 

Ông Lê Đình Loan, Đội trưởng Đội bảo vệ quân sự, Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội buồn bã cho biết, đa số những đoàn tàu bị ném đá là tàu SE, có đẳng cấp cao, giá trị cửa kính lớn nên thiệt hại là rất nghiêm trọng. Theo ông Loan thì sở dĩ tàu SE thường là “nạn nhân” do tàu thường đi qua các “điểm nóng” nói trên vào các buổi chiều, thời điểm trẻ em tập trung gần đường sắt vui chơi, đùa nghịch.

 

Đâu là giải pháp?

 

Trước thực trạng này, vài năm trở lại đây, ngành đường sắt đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều phong trào như Em yêu đường sắt quê em, Đoạn đường sắt em chăm, Thiếu nhi bảo đảm ATGT đường sắt,... Nhưng hầu hết những phong trào này vẫn nặng về hình thức nên hiệu quả đạt được chưa cao; tình trạng học sinh, thanh thiếu niên ném đất đá lên tàu vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

 

Ông Lê Đình Loan lo lắng: Cứ vào dịp hè, học sinh được nghỉ học là nạn ném đất đá lên tàu lại tăng mạnh. Vì thế, chính quyền các địa phương cần sớm tăng cường việc quản lý học sinh, thanh thiếu niên trong dịp hè.

 

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng hành động ném đất đá lên tàu thực ra chỉ là một cách người dân địa phương “trả đũa” cho hành vi vô ý thức của hành khách đi tàu: ném chai lọ, thức ăn thừa xuống đất. Hơn nữa, nhiều người dân sống hai bên đường cho rằng không giống như giao thông đường bộ, các chuyến tàu không mang lại lợi ích gì cho họ, ngoài sự phiền nhiễu về tiếng ồn và sự nguy hiểm cho người và gia súc.

 

Dù sao, hành động ném đất đá lên các đoàn tàu cũng là một hành vi ấu trĩ, thiếu văn hoá và gây ra những hậu quả khôn lường; đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc, xử lý nghiêm khắc người vi phạm.

 

Phúc Hưng