1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Mua bản quyền truyền hình World Cup 2006: FPT có tham vọng gì?

(Dân trí) – “Chúng tôi chỉ trả cao hơn một công ty nước ngoài tại châu Á một chút chứ không có chuyện nâng giá cao vọt hơn các công ty khác" - Phó Tổng giám đốc Công ty FPT cho biết về việc mua bản quyền truyền hình World Cup 2006. Tuy nhiên, trước câu hỏi đáng quan tâm là giá cả của thương vụ này thì đại diện của FPT nói không thể tiết lộ.

Chiều qua 17/2, Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ (FPT) tổ chức buổi họp báo khẩn công bố việc Công ty này là nhà phân phối độc quyền bản Truyền hình VCK World Cup 2006. FPT cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một Công ty tin học giành được quyền phân phối trên toàn lãnh thổ Việt Nam tín hiệu của tất cả các sự kiện tường thuật trực tiếp trong khuôn khổ FIFA World Cup 2006.

 

Theo một thông tin, mức giá FPT phải trả tiền bản quyền truyền hình là 2,2 triệu USD (cao gấp 55 lần so với mức bản quyền World Cup 98)  nhưng mức giá này chưa bao gồm khoảng 800.000 USD tiền thuê vệ tinh từ một công ty do FIFA chỉ định.

 

Trong những kỳ World Cup trước, do phía Việt Nam được quyền chọn nhà cung cấp dịch vụ cho thuê vệ tinh nên mức giá này thấp hơn rất nhiều.

 

Tổng số tiền khoảng 3 triệu USD mà FPT mua bản quyền và thuê vệ tinh đã phải trả hết vào tháng 9/2005 ngay sau khi trúng thầu. (Thanh Niên)

Bản quyền độc quyền này bao gồm việc phân phối tín hiệu cho mọi phương thức đường truyền, gồm truyền hình quảng bá, truyền hình vệ tinh truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số… Theo đó, FPT có bản quyền phát 64 trận đấu, lễ khai mạc, bế mạc, bốc thăm, trao giải, lễ trao giải cầu thủ vàng FIFA 2005, 2006…

 

Hai đối tác chính của FPT là Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình TPHCM (HTV). Truyền hình cáp VTC đã từ chối trở thành đối tác của FPT trong sự kiện này.

 

Ông Hoàng Minh Châu - Phó Tổng giám đốc FPT cho rằng, Công ty này không đặt mục đích thương mại lên hàng đầu. Thông qua sự kiện này, FPT còn có nhiều mục tiêu khác, chẳng hạn như sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm, thêm nhiều mối quan hệ quốc tế, nắm rõ hơn các thông lệ đấu thầu quốc tế trong việc cung cấp các nội dung văn hóa có bản quyền. “Chúng tôi mong muốn trở thành Công ty cung ứng nội dung có bản quyền lớn trong khu vực. Sự kiện lần này là một trong các định hướng tổng thể của FPT”, ông Châu bày tỏ.

 

Về việc đắt hay rẻ trong thương vụ này, ông Châu khẳng định FPT mua được với giá rẻ, và nếu trả thấp hơn một mức thì bản quyền lần này thuộc về một Công ty truyền thông nước ngoài. “Nếu so về dân số thì chúng tôi đã mua được bản quyền rẻ hơn 75 lần so với một quốc gia châu Á có số dân tương đương với chúng ta”, ông Châu so sánh.

 

Theo FPT, trong VCK World Cup 98, các nước thuộc khối Pháp ngữ (trong đó có Việt Nam) đã được Pháp bao cấp toàn bộ quyền phát sóng và giá mua bản quyền chỉ là tượng trưng, vì vậy chắc chắn là rẻ hơn lần này. Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Giá mua bản quyền lần này là bao nhiêu?” thì đại diện của FPT nói không thể tiết lộ.

 

Về việc xử lý ra sao khi bị vi phạm bản quyền, đại diện FPT cho rằng sẽ chỉ có thể khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền. Còn việc “lỗ lãi thế nào” trong thương vụ này, ông Châu cho rằng chưa thể nói trước được điều gì, vì còn phụ thuộc vào việc FPT có bán được nhiều quảng cáo trên sóng truyền hình hay không. “Trong kinh doanh thì yếu tố rủi ro là rất lớn và doanh nghiệp phải biết chấp nhận”, ông Châu nói.

 

Bảo Trung