“Mụ Liễu công lý”
(Dân trí) - “Tuổi thanh xuân tui đã cống hiến cho đất nước rồi. Giờ tui chỉ còn hai niềm mơ ước: Một là giữ trọn lời thề với ông ấy, hai là đòi lại lẽ phải ở đời” - bà Lê Thị Liễu, còn gọi là “mụ Liễu công lý”, 65 tuổi, ở Quảng Trị, bày tỏ.
Ăn sắn đi kêu oan cho thiên hạ
Một ngày cuối tháng 3/2006, 17 hộ nông dân nghèo thôn Hà Thượng, xã Gio Châu, huyện Gio Linh (Quảng Trị) chân lấm lem bùn đất cùng kéo đến ngôi nhà đơn côi của “mụ Liễu công lý” nằm giữa rừng tiêu. Khuôn mặt ai cũng đầy vẻ bức xúc khi chỉ biết đứng nhìn miếng đất bấy lâu nay đang sản xuất lọt vào tay người khác…
Đang cuốc dở mảnh vườn, bà Liễu hớt hải chạy vào nhà tiếp những người cùng thôn, lấy sổ ra ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết: Từ cuối tháng 12/2005, gần 5ha rừng bạch đàn ở thôn Hà Thượng được thu hồi và chuyển sang trồng sắn. Đầu năm 2006, Nhà máy tinh bột sắn bắt đầu cho xuống giống. Nhưng đột nhiên toàn bộ diện tích đất lại chuyển vào tay hai ông Hoàng Xuân Khôi và Võ Văn Mạnh để trồng cao su.
Sau gần hai tháng đi thu thập thông tin và chữ ký của 17 hộ dân, bà Liễu khăn gói lên xã rồi lên huyện nhưng không thu được tín hiệu nào khả quan. Được ít tiền lương hưu, bà gom góp để đi xe đò, rồi xe thồ lên thị xã Đông Hà kêu oan cho bà con. Hết tiền, bà lại nhổ đống sắn non mang ra chợ Gio Linh bán lấy tiền đi lo kiện.
“Đi mãi tiền cùng hết chứ. Có anh Hữu làm ở một công ty TNHH ở thị trấn thấy tui hay đi về Đông Hà thương tình thường cho đi xe ké. Rồi mấy chú xe thồ biết tui đi kiện cho người dân trong làng họ cũng “khuyến mãi” cho mình nữa”, bà Liễu kể về quá trình đi kiện của mình.
Thương cảnh bà già ngày ngày lội bộ ra quốc lộ từ mờ sáng để đón xe, nhiều người dân nghèo trong xóm gom góp mỗi người vài đồng cho bà lấy tiền đi xe.
Đến đầu tháng 2/2006, UBND tỉnh Quảng Trị ra văn bản số 237/UBND-NN gửi UBND huyện Gio Linh và Sở Tài nguyên - Môi trường Quảng Trị về việc giải quyết đơn kiến nghị của bà Lê Thị Liễu và một số người dân thôn Hà Thượng, yêu cầu lập ngay đoàn thanh tra để kiểm tra, xử lý nghiêm, dứt điểm, báo cáo trước ngày 25/2/2007.
“Chúng tôi sốt sắng đợi chờ, đến cuối tháng 3/2007 cũng chẳng thấy tăm hơi đoàn thanh tra nào cả”, bà Liễu cho biết. Thế là người dân lại góp tiền cho bà lên đường ra Thanh tra Chính phủ tiếp tục kêu cứu. Hôm lên xe, bà còn mang theo 15 khúc sắn luộc để ăn dọc đường vì đã cạn kinh phí.
Ra Hà Nội buổi sáng, đến chiều tối bà nhận văn bản trả lời của Trụ sở tiếp công dân của TƯ Đảng và Nhà nước nên tức tốc về quê. “Về đến nhà, trong bị tui vẫn còn mấy củ sắn để ăn nữa” - bà Liễu cười xoà.
Vụ kiện của bà thành công, những cá nhân, tập thể làm sai đã bị thu hồi đất và bị xẻ lý, kiểm điểm. Những người nông dân nghèo kéo đến nhà bà sung sướng vì đã đòi được công bằng. Nhưng bà chưa xong việc, vì hết vụ tiêu cực này, bà lại xếp giấy tờ, đơn thư, chuẩn bị lên đường đi lo kiện những vụ mới. “Dù có là ai mà có sai phạm tui cũng kiện tới nơi. Lẽ phải thì không đi mô mà trật được” - “mụ Liễu công lý” chia sẻ.
Bầu bạn cùng con Mụp
“Sự nghiệp” kêu oan của bà Liễu bắt đầu từ năm 1998. Bà nhớ lại: “Hơn 10 hộ gia đình chính sách đều có giấy tờ hẳn hoi và cùng là những người hoạt động cách mạng với tui thời trước, nhưng gần chục năm trời chẳng ai được hưởng chế độ chính sách gì. Cán bộ chính sách ở xã đã ủ những bộ hồ sơ đó mà chẳng thèm giải quyết”.
Rời xa những ồn ào kiện tụng, bà Liễu lại về bầu bạn với chú chó Mụp. (Ảnh: Đoàn Cường)
Biết vậy, bà khăn gói lên Phòng LĐ-TB&XH yêu cầu xử lý nhưng không thành với lý do “đang chờ xã chuyển hồ sơ lên”. Bà Liễu nghĩ cách, về “ngồi lì” cả buổi ở trụ sở xã, yêu cầu lục toàn bộ giấy tờ để bà trực tiếp mang lên huyện. “Thế mà đến năm 2001, đồng đội tui mới bắt đầu được nhận chế độ. Dù chậm nhưng có còn hơn không”, bà hể hả tâm sự.
Nhớ lại thời thiếu nữ, cô gái trẻ Lê Thị Liễu từng ra đòn hạ gục hai tên lính Nguỵ, từng được nhận bằng khen Dũng sĩ diệt Mỹ ở độ tuổi đôi mươi. Cũng trong chiến tranh, “nữ dũng sĩ” đã yêu và đính ước chàng bộ đội trẻ Trương Công Hải. Chưa kịp làm đám cưới thì anh Hải hy sinh.
“Từ khi Hải mất, tui chỉ sống và nuôi mẹ già cho tới cuối đời. Hơn 40 năm trời, tui vẫn biết Hải chẳng bao giờ trở về nữa nhưng tui vẫn hi vọng có ngày gặp anh dù chỉ là trong mơ”, bà ngân ngấn nước mắt khi nói về mối tình của đời mình.
Trong ngôi nhà của “mụ Liễu công lý” chỉ có mình bà thui thủi bóng già đơn chiếc. Bà Liễu cố cười để che nỗi buồn u uẩn: “Đã nhiều năm nay, tui chỉ có con chó Mụp làm bầu bạn. Tui có đi kiện cáo ở đâu cũng phải cẩn thận gửi nó cho hàng xóm trông giữ”.
Người phụ nữ khảng khái và cương quyết chốn “quan trường” ấy tâm sự rằng, những đêm không nghe tiếng con Mụp ư ử, bà lại thấy đêm dài như vô tận…
Đoàn Cường