1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An

Mũ lá - lắm người mua nhưng không có người làm

(Dân trí) - Mũ đan đến đâu có người mua đến đó với số lượng không hạn chế. Vậy mà số người đan mũ chỉ đếm được trên đầu bàn tay. Nghề đan mũ đang đứng trước nguy cơ biến mất vì không có người nối nghề.

Những người bám trụ với nghề đan mũ lá cọ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Những người bám trụ với nghề đan mũ lá cọ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Nghề đan mũ cọ ở xã Hưng Phúc (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có từ bao giờ, người già ở đây cũng chẳng nhớ. Trong ký ức của những cụ ông, cụ bà cao tuổi ở đây thì khi họ sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ gò lưng đóng mũ, chặp lá…

Ông Nguyễn Văn Lan (79 tuổi, xóm 5, xã Hưng Phúc) nhớ lại: “Tôi biết suy nghĩ cũng là lúc thấy ông bà, bố mẹ mình đan mũ. Ngày đó cả làng đan mũ, nhà nhà đan mũ, người người đan mũ. Nhộn nhịp đến nỗi người ta phải tranh nhau mua lá mới đủ nguyên liệu để làm. Mũ là thu nhập chính của người dân nơi đây còn ruộng nương chỉ là phụ thôi”. 

“Ngày đó sân nhà nào cũng hong đầy lá cọ. Lá khô chất đầy nhà. Mũ đan đến đâu, đưa ra chợ bán đến đó. Có khi làm từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, chỉ được nghỉ lúc ăn cơm nhưng cũng không đủ mà bán. Cái “anh” mũ cọ này vừa nhẹ lại vừa mát. Ở cái xứ gió Lào nắng bỏng như rang thì không chi bằng mũ lá”, ông Lan hồi tưởng về thời vàng son của nghề đan mũ lá.

Những truyền nhân cuối cùng của nghề đan mũ lá tại Hưng Phúc đều đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Những "truyền nhân" cuối cùng của nghề đan mũ lá tại Hưng Phúc đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm".

Ông Lan là một trong 3 người ở xóm 5 còn bám trụ với nghề cha ông để lại. Theo hướng dẫn của ông Lan, chúng tôi tìm đến nhà ông Chất. Căn nhà đóng cửa im ỉm. Tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Quế - một trong 3 người còn kiếm sống bằng nghề đan mũ lá, chúng tôi được lí giải nguyên nhân vì sao nghề này đang dần biến mất khỏi nơi đây.

“Nghề này nhiều công đoạn, tốn nhiều sức và đòi hỏi người làm phải hết sức kiên trì trong khi lời lãi chẳng đáng bao nhiêu. Bây giờ, một ngày đi phụ hồ cũng được 150 nghìn đồng. Trong khi đó, người nào đan giỏi thì một ngày tích cực mới đan được 2 cái mũ, tính ra mới được 50 nghìn đồng”, ông Quế cho hay.

Công sức bỏ ra nhiều, trong khi đó thu nhập lại quá bèo bọt khiến người dân không còn mặn mà với nghề cha ông để lại. Số người bám trụ với nghề cũng chỉ là làm cho vui chứ không mong sống được với nghề. Ông Quế, ông Lan già yếu, không đủ sức làm ruộng nên đành quanh quẩn với lá cọ, nan tre, sợi cước để kiếm đôi đồng bạc mua trầu thuốc.

Ngừng tay đóng mũ thành khuôn, ông Quế thở dài: “Nghề ni nếu chăm chỉ thì cũng không phải không kiếm được bát cơm. Giờ tôi làm đến đâu người ta đến thu mua đến đó. Chỉ sợ không có sức mà làm chứ không phải là không bán được”.

Thế nhưng những người được xem là “truyền nhân cuối cùng” của nghề đan mũ lá tại Hưng Phúc cũng đang đứng trước nguy cơ không thể bám trụ được với nghề dù sản phẩm họ làm ra vẫn có nơi tiêu thụ. “Giờ nguyên liệu làm mũ cũng hiếm lắm. Bởi ít người làm nên phía mạn Quỳ Hợp người ta không bán lá cọ cho nữa. Nếu bán thì giá phải tăng lên gấp rưỡi bây giờ, nghĩa là 150 nghìn đồng/bó100 ngọn lá cọ. Rồi nứa, mét, vọt, sợi cước… cái chi cũng tăng giá trong khi mỗi cái mũ chỉ nhập được với giá 32.000 đồng, tính ra là chỉ được ngày mươi lăm nghìn thôi”, ông Lan cho biết.

Không có sức để làm nên mấy xếp lá cọ phơi khô của ông Lan gác trên xà nhà cũng phải mất 2 năm nữa mới sử dụng hết. Trong khí đó, con cháu các cụ cũng không ai muốn học lấy cái nghề cha ông. Không có việc làm, chị Hiệp - con dâu cụ Lan đi trông trẻ thuê chứ nhất quyết không học nghề đan mũ.

Trong khi đó, mỗi ngày làm việc cật lực, người đan mũ chỉ kiếm được từ 3050 nghìn đồng.
Trong khi đó, mỗi ngày làm việc cật lực, người đan mũ chỉ kiếm được từ 3050 nghìn đồng.

Chị Nguyễn Thị Minh (xóm 5) phân trần: “Giờ đi bắt con cua, con ốc bèo lắm mỗi buổi cũng kiếm được 50 nghìn đồng. Ai có sức thì đi cửu vạn, phụ hồ, kiếm 100 - 150 nghìn/ngày. Còn đan mũ thì nhọc công, tốn sức mà lời lãi thì chỉ mua được gói bánh. Không phải riêng chi tui, cả làng ni ngoài các cụ ra thì chẳng còn ai biết đan mũ nữa”.

Chị Nguyễn Thị Phượng - người chuyên bỏ mối nguyên liệu và cũng là người thu mua sản phẩm mũ lá cho biết: “Mũ lá Hưng Phúc giờ được khách hàng ưa chuộng lắm. Chỉ bán trong tỉnh thôi cũng nhưng cũng không đủ hàng mà bán. Hàng làm ra đến đâu, chị thu mua đến đó nhưng không hiểu sao không còn mấy người làm. Không có người làm nên chị cũng tính thôi bỏ mối lá cho họ. Dăm ba năm nữa chắc nghề đan mũ lá cọ cũng biến mất”.

Những chiếc mũ lá đang trở thành kí ức của người già bởi không có ai để truyền nghề.
Những chiếc mũ lá đang trở thành kí ức của người già bởi không có ai để truyền nghề.

Trời đứng bóng, nắng như đổ lửa, ngay ở ngôi làng từng sống bằng nghề đan mũ lá, thảng hoặc tôi mới thấy vài ba cụ già đội mũ lá ra đường. Có lẽ như chị Phượng lo sợ, chỉ vài năm nữa thôi, nghề đan mũ lá sẽ biến mất khỏi làng quê này.

Hoàng Lam