1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

MTTQ sẽ “đặt hàng” chuyên gia giám sát, phản biện chính sách

(Dân trí) - Trao đổi về việc xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch UB TƯ Vũ Trọng Kim cho biết, tới đây, lãnh đạo mặt trận sẽ chủ động “đặt hàng” các Hội đồng tư vấn trong mặt trận nghiên cứu, góp ý, phản biện.

Bàn về vấn đề phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, ông có đề cập việc thời gian tới, sau khi quy chế giám sát và phản biện được xây dựng, hoạt động phản biện sẽ có thay đổi tích cực, trực tiếp đến với người dân. Cụ thể những thay đổi, cải thiện này?

Chúng tôi xác định, các Hội đồng tư vấn của MTTQ là nơi tập hợp trí tuệ, đại diện cho nguyện vọng, ý chí, tiếng nói của người dân, sẽ giúp phát huy sức mạnh nội lực của nhân dân trong việc tham gia vào xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Mặt trận thu thập được càng nhiều ý kiến của người dân càng tốt.

Mặt trận phải làm sao để những ý kiến đó phải đến được với Đảng, nhà nước, được tiếp thu theo hướng phù hợp. Điều đó sẽ giúp phát huy sự đồng thuận  trong xã hội vì không có gì mạnh mẽ bằng việc sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc.
 
MTTQ sẽ “đặt hàng” chuyên gia giám sát, phản biện chính sách
Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim: "Quy chế giám sát, phản biện sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực trong hoạt động của mặt trận".

Có thể kỳ vọng quy chế phản biện sẽ giúp các ý kiến góp ý tâm huyết, có chiều sâu chuyên môn của các nhà khoa học, nhà quản lý kỳ cựu, những cán bộ hưu trí đã có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong mỗi hội đồng tư vấn đến được địa chỉ cần thiết thay cho việc thường xuyên “lạc đường” trước nay?

Để làm được điều đó, cần tập trung phản biện có chủ đề. Không phải tất cả những ý kiến riêng rẽ, tản mạn được chuyển đến cơ quan Đảng, nhà nước là xong mà phải tập hợp ý kiến trong từng thời điểm, có chủ đề chủ điểm. Với những chủ để, chủ điểm rõ ràng, MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp lại và gửi lên. Như thế mới khoa học chứ không thể lượm lặt các ý kiến riêng lẻ. Vấn đề là biết chọn lựa và trung thành với quan điểm, ý kiến của nhân dân.

Được biết, trong đề án đã thiết kế cả quy định cụ thể về thời hạn trả lời, phản hồi của các cấp chính quyền với ý kiến người dân?

Quy định rất cụ thể về ngày giờ. Theo tôi nhớ, quy định là trong vòng 7 ngày nhận được ý kiến từ mặt trận, các đoàn thể phải thông báo xác nhận đã nhận được văn bản. Chậm nhất 60 ngày phải trả lời ý kiến của người dân mà mặt trận đã chuyển lên. Trường hợp mặt trận chưa đồng ý với trả lời đó thì tiếp tục kiến nghị lên. Quy trình rất chặt chẽ.

Được biết, một số cán bộ phụ trách các hội đồng tư vấn cũng đề xuất cơ chế mặt trận chủ động đặt hàng các vấn đề để hội đồng tư vấn tham gia phản biện thay cho quy trình “ngồi chờ” các ý kiến đề đạt lên để chuyển đi thụ động hiện nay?

Đây là đề xuất rất đúng. Ý kiến nhân dân thì nhiều chiều, đa dạng, rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều tầng lớp nhưng cần phải hướng vào chủ trương của đảng, đường lối lãnh đạo của nhà nước. Mặt trận phải xác định mỗi giai đoạn, thời điểm cần gì để triển khai theo hướng đó, việc lấy được ý kiến nhân dân mới hiệu quả.

Mặt trận sẽ có các yêu cầu đề ra, tức là “đặt hàng”, đề nghị các Hội đồng tư vấn nghiên cứu cụ thể. Ví dụ vấn đề kinh tế thì giao cho Hội đồng tư vấn về kinh tế chủ trì, quây quần với các hội đồng khác để triển khai. Có tới 7 hội đồng liên quan đến 7 lĩnh vực lớn, công việc quan trọng của đất nước để các cụ, các vị nghiên cứu, đóng góp. Tôi cho là việc làm đó cần thiết và khoa học.
 
Chuyện "đặt hàng" không phải đến giờ mới đặt ra, vấn đề là cách thức thực hiện sao cho hiệu quả, tránh hình thức?

Trước đây mặt trận cũng từng thực hiện việc đặt hàng nhưng bị phân tán vì cơ chế phân công mỗi ủy viên thường trực mặt trận phụ trách một số hội đồng nhất định. Tới đây, chúng tôi sẽ làm tổng quát hơn, cách nhìn tập trung trọng tâm trọng điểm hơn. Cách này sẽ tốt cho việc hướng vào một mục đích, một nhiệm vụ, nội dung sẽ gọn và hiệu quả hơn.

Trước mắt, trong năm 2013, lãnh đao MTTQ dự kiến sẽ tập trung vào những chủ đề nào để giám sát, phản biện?

Năm 2013 có rất nhiều nội dung phải làm. Chúng tôi sẽ có Ban chỉ đạo do Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng ban cùng các đoàn thể quây quần trong Ban để định ra chương trình cho năm. Trên cơ sở đó, nội dung phản biện được phân công giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để tránh chồng chéo.

Tôi cho rằng Luật đất đai sửa đổi sắp tới là một trọng tâm vì sửa luật đồng thời liên quan đến việc sửa chữa những tồn tại, khiếm khuyết trong hệ thống hiện nay. Mặt trận phải góp phần cùng nhân dân các địa bàn nói lên tiếng nói, giải quyết các vấn đề.

Trọng tâm thứ 2 chúng tôi xác định là tham gia xây dựng Hiến pháp, trong đó đi sâu vào nội dung quy định về quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trong một xã hội như hiện nay.

Nội dung thứ 3 là luật MTTQ để cụ thể hóa hơn nữa tính chất dân chủ. Nói dân chủ nghĩa là tiếng nói nhân dân phải được tiếp thu chứ còn tiếng nói giữa trời giữa đất mà không được chú ý cũng không phù hợp nguyện vọng nhân dân, rất khó trong việc tạo ra khối đại đoàn kết dân tộc.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm