1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một y sĩ bị xiềng chân suốt 25 năm

Chỉ vì bị bệnh tâm thần nhẹ, ông Lê Văn Hai, nguyên là y sĩ công tác tại Trạm Y tế Hàm Tiến (TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã bị xiềng chân suốt 25 năm qua trong một vườn dừa.

Một y sĩ bị xiềng chân suốt 25 năm - 1
Ông Lê Văn Hai bị xiềng chân suốt 25 năm qua.  

 

Từ thông tin trên của bạn đọc, chúng tôi có mặt tại khu phố 11, phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết để tìm hiểu thực hư.

 

Người “điên” trong vườn dừa

 

Trước đây, ông Lê Văn Hai là y sĩ công tác tại Trạm Y tế Hàm Tiến, vài năm thì phát bệnh, được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa chữa trị. Bớt bệnh, ông về tiếp tục công tác nhưng bệnh tái phát, từ đó đến nay đã hơn 25 năm. Các em ông Hai đều là bác sĩ, giáo viên và tất cả đều khá giả nhưng gần như ai cũng mặc cảm vì có người anh bị tâm thần nên không đưa đi chữa trị.

 

Hiện ông Lê Văn Hai đang trú ngụ sau vườn dừa nhà người em trai cùng mẹ khác cha là ông H. - một giáo viên ở Phan Thiết. Người nhà xây một bục xi măng, đặt lên một tấm nệm cáu bẩn và che vài miếng tôn sơ sài, thấp lè tè để ông Hai trú ngụ. Chân trái của ông bị xiềng chặt bằng một sợi xích sắt. Hàng ngày, bé trai con ông H. mang ba bữa cơm và nước uống ra cho bác. Em cho biết thỉnh thoảng ba của em cũng lấy vòi xịt nước tắm cho bác Hai. “Mỗi lần tắm xong, bác Hai trắng trẻo, đẹp trai lắm” - cậu bé học lớp 7 hồn nhiên kể.

 

Thấy người lạ, ông Hai có vẻ cảnh giác nhưng sau khi hút hết điếu thuốc lá chúng tôi đưa, ông tỏ ra hợp tác rất tốt. Ông trả lời rành mạch, rõ ràng, thậm chí rất lịch sự. Thấy chúng tôi chụp ảnh, ông Hai dùng tay che mặt rồi nhẹ nhàng tiễn khách: “Thôi, mấy anh ghé thăm chơi rồi về sớm kẻo nắng”.

 

Đáng ngạc nhiên là “giang sơn” của người điên lại rất sạch sẽ dù ông ăn uống, đại tiểu tiện tại chỗ. Bởi mỗi lần đại tiện, ông Hai đều tự tay moi cát rồi lấp lại cẩn thận. Với cách trò chuyện, sinh hoạt như trên, chúng tôi cũng không dám nghĩ ông Hai là một người điên đúng nghĩa.

 

Không quậy phá, muốn được chữa bệnh

 

Hàng xóm sống gần vườn dừa nơi ông Hai bị xiềng cho biết đêm nào người điên cũng hát và hát rất rõ ràng, không sai một ca từ nào.

 

Theo họ, ông Hai thường hát những bài hát về thế thái nhân tình, về những cuộc chia ly. Nghe mãi thành quen, có những đêm không nghe người điên hát, hàng xóm cũng phải nhìn sang xem ông Hai có bị gì không.

 

Cách nay khoảng bảy năm, nơi trú ngụ của ông Hai bị sét đánh một lần. Bà Đào Thị Loan - em dâu ông Hai kể hôm đó trời giông tố và sét đánh rất lớn khiến hàng loạt cây dừa bị cháy xém, cụt ngọn, còn đồ điện trong nhà như tivi, tủ lạnh đều hư hỏng. Thế nhưng ông Hai vẫn không hề hấn gì. Tôi hỏi cắc cớ: “Hôm sét đánh anh có biết không?”. Người đàn ông nhoẻn miệng cười, chậm rãi trả lời: “Sét đánh thì giật mình thôi”.

 

Năm 2005, cơn bão Durian đổ bộ vào đất liền, đánh sập căn chòi nơi ông trú ngụ. Sợi xích xiềng chân khóa vào cây cột bị bung ra, ông Hai lặng lẽ mang sợi xích lê bước vào nhà người em ngồi co ro ở vỉa hè nấp mưa mà không có biểu hiện gì quậy phá. Tuy nhiên, hôm sau người đàn ông tội nghiệp này vẫn bị xiềng chân lại và đưa về chỗ cũ. Nhìn căn chòi lộng gió, ai cũng ái ngại không hiểu ông Hai chống chọi với cái rét cắt da, cắt thịt vừa qua như thế nào.

 

Theo bà Đào Thị Loan, chính quyền địa phương có đến vận động gia đình đưa ông Hai đi chữa bệnh mấy lần nhưng gia đình không biết nơi nào chữa hiệu quả nên đành thôi. Trong khi đó, mấy năm nay có một hội từ thiện mỗi tháng đều hỗ trợ 10 kg gạo để nuôi ông. Và thú tiêu khiển duy nhất của ông Hai là hàng ngày mài mấy ổ khóa đến mòn vẹt, bôi đen khắp người.

 

Trước khi chia tay ông Hai ra về, chúng tôi hỏi có muốn chữa hết bệnh không, ông Hai ngước mắt nhìn biết ơn, lặp đi lặp lại “Có chứ, có chứ!”...

 

Đã đến lúc chính quyền địa phương và gia đình không thể vô cảm trước một người bị bệnh tâm thần dạng nhẹ nhưng đã bị hành xử khổ sở suốt 25 năm qua.

 

Theo Phương Nam
Pháp luật TPHCM