Nghệ An:
Một xã có nguy cơ bị xoá sổ vì sạt lở đất
(Dân trí) - Xã Hưng Lam vốn có 6 xóm, sau nhiều năm sạt lở, đất bị cuốn dần ra sông ra biển, giờ chỉ còn lại 3 xóm. Người dân tính rằng, nếu không có biện pháp ngăn sạt lở kịp thời, 3 xóm này rồi cũng bị xoá sổ nốt!
Chuyển nhà để “chạy” sạt lở đất
Sau cơn bão số 5, trên 1.100 người dân của 3 xóm thuộc xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đang sống trong phấp phỏng lo sợ bởi hiện tượng sạt lở đất cứ xảy ra liên miên mỗi khi nước lên.
Xã Hưng Lam giờ tan hoang, hàng trăm héc-ta đất bị sạt lở do nước từ thượng nguồn đổ về khiến quang cảnh nơi đây ngổn ngang. Căn nhà xác xơ của anh Dư Văn Quang (SN 1964) ở xóm 6 giờ chỉ còn trơ bức tường phía sau, một gian nhà khác thì đã bị bão cuốn mất; giờ cả 7 người co ro trong gian nhà trống hoác.
Anh Quang cho biết, hai vợ chồng cùng 5 đứa con, kể từ ngày bão về, lúc nào cũng thiếu ăn. Con anh, đứa đầu đang học lớp 12, đứa út học lớp 1, cả nhà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và ít đất vườn; nhưng cơn bão số 5 đã cuốn đi hơn một nửa đất sản xuất của gia đình. Hai năm nay, gia đình anh đã phải chuyển chỗ ở tới 2 lần bởi đất sạt lở liên tục.
Một gia đình khác mà theo lời anh Quang là “chuyển nhà nhiều lần nhất xóm” là nhà ông Nguyễn Thái Hồng (70 tuổi). Gia đình ông đã 5 lần chuyển nhà, bắt đầu từ đầu xóm, dần chuyển vào giữa xóm và giờ đã ở cuối xóm.
Được biết, người dân ở 3 xóm này, trung bình nhà nào cũng đã chuyển nhà ít nhất là 2 lần. Hiện nay, mỗi khi nước lên, cảnh sạt lở lại diễn ra ở mức báo động. Gia đình chị Dư Thị Đào đã di dời nhà đến 3 lần, vậy mà cơn bão số 5 ập vào cũng cuốn đi của chị 2 gian nhà.
“Nghe tin báo bão là gia đình đã sẵn sàng di chuyển nhà. Từ chiều hôm bão đổ đã thấy mực nước sông Lam dâng lên cách nhà khoảng 100m, đến 8 giờ tối chỉ còn cách 20m và đến sáng hôm sau nhà đã bị cuốn phăng ra biển”, chị hãi hùng kể lại.
Gần 30 năm “ăn” hơn 100ha đất
Từ năm 1980 đến nay, người dân xã Hưng Nguyên không thể tính hết được đã bao nhiêu lần tận mắt chứng kiến cảnh đất đai của mình lần lượt đội nón ra đi. Mắt nhìn thấy đấy mà không thể làm gì để giữ đất.
Sông lấy đi đất sản xuất và đất ở nhưng lại bồi thêm cát,
khiến bà con càng khó khăn trong việc canh tác.
Theo tính toán của ông Đặng Thái Yên - Chủ tịch HĐND xã - mỗi năm trung bình 3 xóm mất khoảng trên 5ha đất sản xuất và đất ở. Riêng cơn bão số 5 vừa qua đã “cướp” đi 15ha đất, ngoài ra bồi cát từ 40-60cm trên 5ha đất khiến dân không thể canh tác, trồng trọt.
Một người cao tuổi trong xã kể lại, trước đây xã Hưng Lam có 6 xóm, do sạt lở đất mà 3 xóm đã bị xóa sổ; những người dân ở 3 xóm này phải di tản đi khắp nơi để sống. 3 xóm còn lại, diện tích đo hồi năm 1980 là 280ha, giờ chỉ còn khoảng 170ha. Dòng sông Lam đoạn chảy qua địa bàn xã Hưng Lam trước năm 1977 rộng khoảng 500m, nhưng đến thời điểm này dòng sông đã rộng gần 3km.
Trao đổi với Dân trí, ông Yên cho biết, hiện 3 xóm còn lại đang ở trong tình trạng sạt lở rất nguy hiểm, tính mạng của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em, luôn bị rình rập, đe dọa.
Để giảm bớt sạt lở, chống xói mòn, UBND xã đã đưa ra biện pháp trồng cây chắn sóng ở đầu nguồn, dự kiến sẽ trồng 5ha, đến đầu năm 2008 sẽ hoàn thành, nhưng xem ra đây chỉ là giải pháp tạm thời. Ông Yên đề xuất, nếu có thể, Nhà nước nên cho xây dựng kè chắn sóng.
Theo nhẩm tính của người dân, nếu chính quyền không có các biện pháp kịp thời, chỉ khoảng 10 năm nữa thôi, cả 3 xóm này sẽ bị xóa tên trên bản đồ tỉnh.
Nguyễn Duy - La Ny