1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một Việt Nam “phẳng”

Tôi muốn dùng khái niệm “một VN phẳng”, với ý nghĩa VN cũng nằm trong tiến trình toàn cầu hóa, phải biết chơi luật chơi chung; một VN phẳng xóa bỏ được những ranh giới hữu hình hay vô hình, tạo cơ hội cho mọi người VN đóng góp xây dựng Tổ quốc, để chúng ta đã rửa được cái nhục mất nước, giờ phải rửa cho được sự nghèo hèn.

Việt Nam là một dân tộc

“Việt Nam không phải là chiến tranh. Việt Nam là một dân tộc”. Câu nói nổi tiếng đó của cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Mai trong những lần thương thảo đầu tiên để thiết lập quan hệ Việt - Mỹ, được người Mỹ rất khâm phục. Chính Tổng thống Bill Clinton cũng nhắc lại câu này trong phát biểu của mình tại ĐH Quốc gia Hà Nội trong chuyến thăm VN năm 2000. Rồi đến chuyến thăm VN của kiến trúc sư trưởng tập đoàn Microsoft vào ngày 22/4/2006, Bill Gates đã đến thăm xóm Tự thuộc xã Tam Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Chắc rằng ông rất bất ngờ trước những làn quan họ trữ tình, lạ lẫm, thú vị khi nếm thử miếng trầu cay từ đôi tay nồng ấm, đôi mắt lá răm của các liền chị mời trao. Bill Gates đứng trên tầng 2 của bưu điện xã đến 20 phút. Ở đó ông ngắm được đồng quê VN trong khung cảnh làng quê trữ tình với cây đa, bến nước, sân đình. Tôi tin rằng Bill Gates đã thấy một dân tộc VN mến khách, yêu chuộng hòa bình, muốn hòa nhập và cầu thị để phát triển.

Một ý nghĩa khác của “thế giới phẳng” khi mà máy tính nối mạng toàn cầu đến tận xóm Tự. Thế giới là “phẳng” và VN cũng phải “phẳng”. Tâm thức Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: “Quan sơn muôn dặm một nhà/ Vì trong bốn bể đều là anh em”. “Phẳng” ở ngay trong Nghị quyết Đại hội IX của Đảng: “VN sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”. VN gia nhập ASEAN, tham gia Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nỗ lực gia nhập WTO đã chứng minh đường lối đúng đắn của Đảng.

Vận nước thôi thúc

Trong dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước vào năm ngoái có 2 bài viết rất ấn tượng: một là bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải; hai là bài báo Tuổi 30 của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Vận nước vừa thôi thúc vừa tạo cơ hội tập hợp mọi người VN yêu nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, chung lòng và dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế... và cả sự khác nhau về chính kiến”.

Một thống kê khác rất ấn tượng cũng trong bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải: “30 năm qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất. Trong dân số nước ta hiện nay, 60% là những người sinh sau ngày 30/4/1975”. Con số thống kê ấy cho thấy quá khứ đó đã thuộc về quá khứ và hãy hướng về tương lai. Còn trong bài báo của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông kể chuyện một lần cùng cố Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đến thăm các cháu thiếu nhi đang vui chơi trong vườn Tao Đàn, và nói với Đức cha: “Nhìn những cháu bé đang chơi với nhau ấy, làm sao có thể phân biệt được cháu nào có đạo, cháu nào không, cháu nào là “con quốc gia”, cháu nào là con cộng sản”.

Đức cha Nguyễn Văn Bình đồng tình: “Chỉ người lớn mới phải chịu trách nhiệm về những sự phân biệt đó”. Một vị chính khách, một vị tu hành hoàn toàn gặp nhau ở ý nghĩa trách nhiệm đó. Vậy mà cho đến hôm nay, ở đâu đó vẫn còn những định kiến hẹp hòi. Buồn thay.

Và những cuộc trở về

Vài năm gần đây, một số nhân vật nổi tiếng từ nước ngoài trở về, chính sách đại đoàn kết dân tộc của chúng ta đã được phát huy. Tôi muốn nói đến sự trở về của ông Nguyễn Cao Kỳ và nhạc sĩ Phạm Duy. Trong 2 nhân vật này, ai là người trở về nhẹ nhàng hơn? Khó định ảnh hưởng của từng người, nhưng cả hai đều “tự làm lành vết thương” để trở về, dù ở bên kia Thái Bình Dương vẫn có những người cực đoan gọi họ là những kẻ “chiêu hồi”. Tết vừa rồi người ta nhìn thấy ông Kỳ ung dung dạo phố Sài Gòn. Còn nhạc sĩ Phạm Duy thì đứng chung sân khấu với nhạc sĩ cách mạng Nguyễn Văn Tý, với GS-TS Trần Văn Khê, với giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ; và trong đêm ra mắt chính thức, vòng tay của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ôm chặt nhạc sĩ Phạm Duy.

“Tự làm lành vết thương” là chữ dùng của TS Nguyễn Xuân Thu, nguyên giảng viên chính ĐH Công nghệ Hoàng gia Melbourne (ĐH RMIT - Úc), người từ tháng 3/1997 đã tự nguyện rời giảng đường RMIT để trở về làm việc tại VN- “một quyết định dũng cảm và đầy đau đớn”- như một đồng nghiệp của ông ở ĐH RMIT nói.

TS Nguyễn Xuân Thu đã từng phải tập trung cải tạo 5 năm sau 1975. Ông tâm sự rằng, ông là một đứa trẻ mồ côi lớn lên ở một tỉnh miền Trung, giờ đây ông muốn được làm điều gì đó cho quê hương. Và để thực hiện mong muốn đó, ông đã phải tìm cách tự làm lành vết thương trong quá khứ. TS Nguyễn Xuân Thu viết trên Journal of Vietnamese: “Bạn không thể làm lành vết thương của mình bằng cách nhìn lại quá khứ và bạn cũng không thể tạo dựng được một tương lai tốt đẹp cho con cái mình bằng thù hận. Quá khứ cần thuộc về quá khứ. Tương lai là cách duy nhất để đem lại sự an bình và hạnh phúc”.

Còn ai nữa đã “tự làm lành vết thương” quá khứ? Đó là TS Nguyễn Văn Tuấn - một chuyên gia cao cấp của Viện Y khoa Garvan - Sydney, Úc, người mà tôi đã tìm cách khắc họa chân dung ông trong một bài báo như là “người đi đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam”. Với công trình nghiên cứu Chất độc da cam/dioxin và hệ quả (NXB Trẻ, 2004), ông xứng đáng được gọi như vậy.

Tôi biết ông có một lý lịch đặc biệt: Con trai của một chiến sĩ - thương binh nặng thuộc Tiểu đoàn 307 anh hùng. Năm 1980 khi đang là sinh viên ĐH Tổng hợp TPHCM, ông đã vượt biên để tìm kiếm một môi trường khác thuận lợi hơn cho việc học tập. Tôi đã được đọc một phần hồi ký Một lần đi cho bình minh đến sớm của ông và hiểu điều đó. Còn giờ đây, qua nhiều lần nói chuyện với ông, tôi hiểu ông là một người VN đích thực.

Còn ai nữa? Tôi muốn nói đến nhà thiên văn học, nhà văn, nhà văn hóa có quốc tịch Mỹ, gốc Việt Trịnh Xuân Thuận. Ông là con trai một quan chức cỡ lớn làm việc ở Tối cao Pháp viện chính quyền Sài Gòn. Xong tú tài, ông du học từ năm 1968. Sau 1975, cha ông phải đi học tập cải tạo và bị bệnh. Lo bố có mệnh hệ nào, qua một chính khách người Pháp, ông viết một bức thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin cho bố ông được tự do. Và kỳ diệu thay, vài tháng sau bố ông được tự do, đoàn tụ cùng gia đình ở Pháp.

Duyên kỳ ngộ, năm 1993 ông có mặt trong phái đoàn của Tổng thống Pháp Francois Mitterand sang thăm VN với tư cách là một nhà khoa học, nhà văn viết tiếng Pháp. Và sau đó ông về VN giảng dạy. Giờ đây, những tác phẩm best-seller của ông được ưu tiên dịch ra tiếng Việt. Trong tác phẩm mới nhất của ông có tựa đề: Nguồn gốc - nỗi hoài niệm về những thuở ban đầu (NXB Trẻ 3/2006), đoạn mở đầu ông viết: “Ở đất nước tôi, phía mặt trời mọc, và là nơi ngày xưa đã từng sinh ra biết bao hoàng đế và công chúa, mục đồng và nhà thơ, người ta gọi các dải sáng này là sông Ngân”. Và ông trích nguyên câu chuyện lãng mạn đượm buồn về vợ chồng chàng Ngâu của nhà văn Phạm Duy Khiêm.

Điều gì đã khiến nhà khoa học tài năng cỡ Trịnh Xuân Thuận, con người của quốc tế, đã đặt bút viết: “Ở đất nước tôi...”? Đó chẳng phải là sức mạnh cội nguồn, sức mạnh dân tộc? Tôi nhớ, trong một lần nói chuyện với TS Nguyễn Văn Tuấn, ông có hỏi tôi: “Ai đã kéo Trịnh Xuân Thuận trở lại VN?”. Tôi đã trả lời ông: “Chính chính sách đổi mới của VN đã kéo Trịnh Xuân Thuận và cả ông về với quê cha đất tổ”.

Vậy thì “một VN phẳng”- tại sao không? Thomas L. Friedman viết “thế giới phẳng”, cho ta thấy, bộ mặt muôn vẻ thống nhất và cũng đầy mâu thuẫn nhưng đều thống nhất trong một thế giới phẳng. Và VN cũng không loại trừ, nhưng một VN “phẳng” còn có một sức mạnh nội tại, một lực nội tại 4.000 năm lịch sử.

Sức mạnh ấy đưa chúng ta vượt qua mọi thử thách để đi tìm một gương mặt VN mới trong “thế giới phẳng” toàn cầu.

Lưu Nhi Dũ

Báo Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm