Một trưởng phòng BIDV chưa tốt nghiệp cấp II?
(Dân trí) - Trưởng phòng hành chính quản trị Ngân hàng Đầu tư&Phát triển Việt Nam (BIDV) bị tố cáo gian lận bằng cấp. Việc tố cáo xem ra rất có căn cứ khi cán bộ này lấy bằng bổ túc trung học sau bằng trung cấp… 5 năm, thậm chí bằng cấp II cũng “mất dấu”.
Học bổ túc cấp III để trả “nợ đầu vào” trung cấp?
Trưởng phòng hành chính quản trị Vũ Đức Cường (SN 1963, quê Từ Sơn, Bắc Ninh) bị tố cáo chưa học hết lớp 6 (hệ 10/10) mà đã có bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp, bằng Trung cấp kế toán tài chính và sắp được nhận bằng cử nhân, hệ tại chức của Học viện Ngân hàng.
Phía Ngân hàng BIDV xác nhận với báo chí, ông Vũ Đức Cường có bằng tốt nghiệp Trung học chuyên nghiệp chuyên ngành tín dụng do Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng, chi nhánh Bắc Ninh cấp ngày 5/7/1996 và bằng bổ túc trung học phổ thông do Trung tâm giáo dục thường xuyên Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang cấp… 5 năm sau đó (ngày 12/4/2001).
Về trình tự lấy bằng “ngược” này, ông Cường đã báo cáo với BIDV là do trước kia được cơ quan (Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Bắc Ninh do chính ông Cường làm giám đốc) cử đi học.
Bản thân người bị tố cáo cũng giải thích, ông được Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học ngân hàng cho “nợ đầu vào”. Kết thúc khoá học, khi nhận bằng Trung tâm yêu cầu phải trình bằng tốt nghiệp phổ thông mới trao bằng. Do đó, ông Cường phải đi học bổ túc cấp 3, chương trình 2 năm 3 lớp tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Lục Ngạn (Bắc Giang) để “trả nợ” đầu vào trung cấp.
Tuy nhiên, Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng - chi nhánh Bắc Ninh đã phủ nhận những “giải trình” của khổ chủ và cơ quan chủ quản về việc bằng trung cấp có trước, bằng phổ thông lo sau. Trưởng phòng Đào tạo Nguyễn Khắc Viện khẳng định không có việc Trung tâm cho học viên “nợ đầu vào”.
Lớp K28 trung học hệ tại chức chuyên ngành tín dụng mà ông Cường theo học khi đó là khoá “vét” của loại hình đào tạo này. Điều kiện tuyển sinh được “nới tay”, dù học viên không nhất thiết phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng phải học hết chương trình (có giấy chứng nhận của trường kèm học bạ đến hết năm lớp 12) và phải thi đầu vào.
Bình thường, các giấy chứng nhận đều phải công chứng nhưng danh sách dự tuyển, hồ sơ đầu vào của Vũ Đức Cường lại ghi chú “có bằng chưa công chứng”. “Mắc” nữa, đến giờ giở lại hồ sơ, ngay cả tấm bằng chưa công chứng ấy cũng không có trong khi hồ sơ của mọi học viên khác đều kẹp đầy đủ. “Chúng tôi cũng rất băn khoăn, đặt dấu hỏi chỗ đó” - ông Viện phân trần.
“Lận” từ… cấp dưới!
Không chỉ “nợ đầu vào”, Trưởng phòng hành chính quản trị BIDV còn xác nhận “chưa học cấp III” khi nộp hồ sơ học trung cấp. Ông Cường cũng khẳng định, chỉ học trung học phổ thông một lần tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Lục Ngạn.
Chủ nhân của những tấm bằng “học ngược” không giải thích được việc đầu vào có “bằng chưa công chứng” của mình. Khó có cách giải thích nào khác cho việc này ngoài khả năng ông giám đốc Công ty vàng bạc đá quý tỉnh Bắc Ninh khi đó đã làm giả bằng cấp III để đi học trung cấp?.
Ông trưởng phòng đào tạo Nguyễn Khắc Viện thì khẳng định, nếu quả thật học viên không đủ điều kiện đầu vào, theo quy định, nhà trường sẽ ra quyết định huỷ kết quả khóa học, huỷ tấm bằng đã cấp cho Vũ Đức Cường từ năm 1996.
Về nội dung tố cáo chưa học hết lớp 6 (cấp II), ông Cường phủ nhận hoàn toàn. Ông Cường khẳng định bản thân đã tốt nghiệp Trung học cơ sở tại trường Đồng Nguyên (Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc cũ, nay thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) năm 1977.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, hồ sơ lưu danh sách học sinh tốt nghiệp được cấp bằng tại trường THCS Đồng Nguyên từ năm 1976 đến hết 1980 không có ai tên Vũ Đức Cường hay lý lịch giống với ông Cường.
Về lý lịch không ít “vết” của người giữ cương vị trưởng phòng hành chính quản trị một ngân hàng lớn, đại diện của BIDV “trấn an” với báo chí: ông Vũ Đức Cường giữ vị trí Trưởng phòng từ tháng 12/2007 và vị trí này không cần phải có bằng đại học.
Phương Thảo - Chi Sơn