1. Dòng sự kiện:
  2. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ
  3. Hóa đơn nước hơn 57 triệu đồng/tháng

Hà Nội:

Một số Sở giải quyết công việc còn “đánh võng”

(Dân trí) - “Nhiều sở ngành đã có tiến bộ, nhưng một số khác giải quyết công việc còn chậm, còn đánh võng, gây phiền hà; người dân còn nhiều lời than về cấp xã, phường” - Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phạm Quang Nghị nhấn mạnh trong Hội nghị BCH Đảng bộ TP, ngày 25/11.

Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng Hà Nội là một chủ đề thu nhận được nhiều ý kiến tại hội nghị.

Giám đốc Sở TN-MT, Vũ Văn Hậu cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết trên là cực kì khó khăn, vì động đến yếu tố con người. Tuy nhiên, việc chỉ đạo của thành phố vừa qua rất quyết liệt, tập trung, bài bản.

Theo ông Hậu chỉ ngay tại Sở ông, lựa chọn ai làm trưởng phòng, ai phó cũng là khó, chưa nói tới cấp thành phố. Ông nhìn nhận, sau sắp xếp, tâm tư của cán bộ là có, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ… “Trong lúc khó khăn vẫn ổn định là đáng quí”, ông Hậu đánh giá.

Xét từ góc độ công việc ở cấp quận, Chủ tịch UBND TP Hà Đông, Lê Hồng Thăng có cái nhìn không lạc quan như ông Hậu. Ông Thăng cho rằng, quyết định 18 của TP về giải phóng mặt bằng sau khi hợp nhất, không đơn vị nào thực hiện được, thậm chí có nơi còn gây bức xúc cho người dân.

Theo ông Thăng, trước đây tại Hà Tây khi có việc gì, Ủy ban cùng cùng Chủ đầu tư, nhà thầu làm việc với nhau, lâu lắm 15 ngày giải quyết xong, còn nhanh chỉ 24 tiếng. Tuy nhiên, sau khi về Hà Nội, có việc sau 2 tháng vẫn không giải quyết xong.

Dẫn chứng là vướng mắc về giải phóng mặt bằng của Hà Đông khi mới báo cáo lên bên trên được trả lời phải chờ phân cấp. Nhưng sau đó vướng chỗ nọ, vướng chỗ kia, Hà Đông phải báo cáo đề nghị lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc gặp giữa các bên giải quyết. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP đã có kết luận, nhưng sau đó, cơ quan tham mưu lại không ghi đúng kết luận nên đến nay vẫn không thực hiện được.

Theo ông, không thể nói Hà Nội 1, Hà Nội 2, Hà Nội 3 nhưng thực tế giữa các địa bàn của Hà Nội có những khác nhau về khả năng, điều kiện. Chính vì thế, trong năm đầu tiên, cơ chế chính sách không thể “gọn lại một câu” mà nếu cần thiết phải dài, phải chi tiết để thực hiện thuận lợi.

Đáp lại, Trưởng ban Giải phóng mặt bằng của Thành phố, Nguyễn Đức Biền cho rằng, công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng không phải “tắc” hết. Ông Biền lấy huyện Thạch Thất làm dẫn chứng, việc giải phóng mặt bằng cho đường Láng - Hoà Lạc thực hiện được rất nhiều, trong khi trước đây làm rất chậm.

Ông Biền nhấn mạnh, không thể thực hiện song trùng 2-3 chính sách. Vừa qua, thành phố đã kéo chính sách với đền bù giải phóng mặt bằng ở khu vực Hà Tây trước đây và ở Mê Linh bằng mức của Hà Nội cũ.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, thành phố đã thực hiện thành công Nghị quyết 15 của Quốc hội - Nghị quyết mang tính lịch sử. Theo ông Nghị, trước đây mọi người lo ngại, vùng sâu, vùng xa của Hà Nội không được quan tâm, nhưng thực tế những vấn đề của các vùng này đã được giải quyết tốt hơn, nhờ Hà Nội có nguồn lực, khả năng tốt hơn.

Đánh giá về hoạt động của các cấp, ngành sau hợp nhất, ông Nghị nhấn mạnh: “Nhiều sở ngành đã có tiến bộ, nhưng một số khác giải quyết công việc còn chậm, còn đánh võng, gây phiền hà; người dân còn nhiều lời than về cấp xã, phường”.

Về các công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long, ông Nghị cho rằng, năm 2009 là năm nước rút và các công trình chào mừng kỉ niệm là “nước rút của nước rút”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, không chỉ đảm bảo tiến độ mà phải bảo đảm chất lượng, vì đó là những công trình để lại cho mai sau.

Cấn Cường