Một số cán bộ tiếp dân có động cơ không trong sáng
(Dân trí) - “Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, hoặc có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời hoặc chưa đảm bảo việc giải quyết hợp lý, hợp tình”.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi tới Thanh tra Chính phủ, mặc dù tình hình khiếu nại, tố cáo về đất đai đã có xu hướng giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tiềm ẩn phức tạp. Nhiều vụ việc đông người, khiếu kiện gay gắt, nhiều lần tập trung tại các cơ quan Trung ương ở Hà Nội và TPHCM.
Các vụ việc đông người, phức tạp chủ yếu là khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án phát triển kinh tế, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, xây dựng chợ, tập trung vào giá bồi thường thấp, mất hết đất sản xuất mà không chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm mới, đòi lại đất đã đưa vào lâm trường hoặc liên quan đến tôn giáo...
“Phần lớn các vụ khiếu nại đông người, có tính chất phức tạp, bức xúc là những vụ việc phát sinh từ các năm trước đây, chưa giải quyết dứt điểm; cũng có những vụ việc đã xem xét, giải quyết nhiều lần, đảm bảo đúng pháp luật nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài”- văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển ký nêu rõ.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, số đơn khiếu nại hành chính về đất đai chiếm tỷ lệ rất lớn, khoảng 70% so với tổng số đơn khiếu nại. Trong đó tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (30-40% số vụ việc). So với trước thời điểm Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, xu hướng khiếu nại đối với quyết định, trình tự, thủ tục thu hồi đất giảm, nhưng tăng vụ việc khiếu nại về giá bồi thường, hỗ trợ và khiếu nại việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Từ năm 2012 tới nay số lượng vụ việc tranh chấp đất đai giảm dần, chủ yếu là tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân chiếm khoảng 90%.
Đáng chú ý, số lượng đơn thư tố cáo cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất, việc sử dụng quỹ đất công ích (5%) trái quy định của pháp luật, cán bộ cửa quyền, nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính, nhất là cấp sổ đỏ,... ngày càng tăng.
Về kết quả xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, đến ngày 15/9 đã tiếp nhận 1.870 thông tin, trong đó có 526 thông tin phản ánh rõ nội dung sai phạm và có địa chỉ xử lý, còn lại 1.254 thông tin không phải thông tin phản ánh về sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai hoặc thông tin trùng, không rõ nội dung, địa chỉ sai phạm. Đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hành 444 công văn yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả về bộ.
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai của cấp huyện còn hạn chế, tỷ lệ khiếu nại đúng và tỷ lệ tiếp khiếu sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của cấp huyện còn cao.
Một số cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại, hoặc có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời hoặc chưa đảm bảo việc giải quyết hợp lý, hợp tình.
Chính vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân; cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi giải quyết sai, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm trong việc giải quyết tranh chấp, tập trung vào những địa phương, cơ quan, đơn vị xảy ra nhiều việc khiếu nại, tố cáo hoặc chất lượng, hiệu quả giải quyết thấp, không chấp hành chỉ đạo của cấp trên.
Thế Kha