1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một số cán bộ thi hành án còn nhũng nhiễu, gây bức xúc dư luận

(Dân trí) - Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, cán bộ thi hành án ở một số nơi còn nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các bên đương sự, gây bức xúc dư luận xã hội; trong khi những vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, Huỳnh Thị Huyền Như khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ đảm bảo thi hành án.

 

Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên bồi thường 500 tỷ đồng nhưng chưa thi hành được đồng nào.
Cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình bị tuyên bồi thường 500 tỷ đồng nhưng chưa thi hành được đồng nào.

 

Báo cáo tổng kết công tác thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp cho biết năm 2015 việc giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, các vụ án liên quan đến tín dụng, ngân hàng đã được chú trọng hơn. Công tác phối hợp liên ngành được đặc biệt quan tâm thể hiện rõ nhất qua việc Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ ngành liên quan ban hành quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự với Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao. Trên cơ sở đó nhiều địa phương đã ban hành quy chế phối hợp liên ngành để triển khai thực hiện tại địa phương. Nhờ đó công tác thi hành án dân sự năm 2015 đã đạt được những kết quả tốt.

Tổng số vụ thụ lý năm 2015 là 791.412 việc, tăng 12.114 việc so với năm 2014. Trong số các vụ việc có điều kiện, đã giải quyết xong 533.985 việc, đạt tỷ lệ 89,08%, vượt 1,08% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Về tiền, tổng số tiền đã thụ lý là 125.956 tỷ đồng, tăng cao so với năm 2014 (tăng 30.847 tỷ đồng, tương đương 32,43%). Trong số có điều kiện, đã giải quyết xong trên 42.819 tỷ đồng, đạt 76% - tức là còn thiếu 1% so với chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Một số địa phương có kết quả thi hành án đạt tỷ lệ khá cao, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn quốc như: Hà Nội (90,67% về việc và 84,46% về tiền), Khánh Hòa (93,4% về việc và 90,6% về tiền), Bình Dương (85,8% về việc và 79,9% về tiền), Lâm Đồng (92,7% về việc và 86,5% về tiền).

Tuy vậy, Bộ Tư pháp thừa nhận số việc, số tiền phải thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều; một số đơn vị có biểu hiện chạy theo thành tích thời điểm cuối năm. Số việc hoãn, trả đơn, ủy thác thi hành án chiếm số lượng lớn với gần 51.000 việc và trên 20.751 tỷ đồng.

“Công tác luân chuyển cán bộ, công chức trong các cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa được như mong muốn. Kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị còn chưa nghiêm. Số lượng công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật còn nhiều như Gia Lai, An Giang”- Bộ Tư pháp đánh giá.

Bên cạnh đó vẫn còn một số nơi để xảy ra nhũng nhiễu, gây phiền hà cho các bên đương sự, gây bức xúc dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh cán bộ, công chức cũng như hình ảnh của các cơ quan thi hành án dân sự. Điển hình như vụ việc tham ô, nhận hối lộ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành (Tiền Giang), Chi cục Thi hành án dân sự TP Hội An (Quảng Nam).

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, số việc và số tiền thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước nhưng nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại nên nhiều tài sản, nhất là bất động sản đã kê biên, thẩm định giá nhưng rất khó bán, nhiều vụ việc phải định giá lại nhiều lần vẫn không có người mua.

“Vẫn còn lượng án tương đối lớn về giá trị thuộc diện chưa có điều kiện thi hành, tồn đọng trong nhiều năm không thi hành được, phải tiến hành đôn đốc, xác minh theo định kỳ, mất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt những năm gần đây có nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho nhà nước, giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp do tài sản của đương sự có giá trị rất nhỏ, không đủ đảm bảo thi hành án như vụ Vinashin, vụ Vinalines, vụ Huỳnh Thị Huyền Như”- Bộ Tư pháp dẫn chứng.

Thế Kha