1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huế:

Một phố cổ sắp hết… nhà cổ

(Dân trí) - Cùng thời với phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An, phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, Hương Trà, TT-Huế vốn là khu bến cảng của đàng trong từ thế kỷ 17. Tiếc rằng những ngôi nhà cổ hoặc đang dần bị thay thế bởi nhà cao tầng; hoặc đang “lung lay”.

Một phố cổ sắp hết… nhà cổ - 1

Phố cổ ngày càng nhiều nhà hiện đại.
 
Phố cổ Bao Vinh vốn được coi là trung tâm của thành phố Huế, là nơi giao lưu, buôn bán hàng hóa rất sầm uất. Nó là một khu phố nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc cổ, những ngôi nhà rường truyền thống có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và thuộc về di sản văn hóa của Cố đô Huế… Nhưng nay, dường như phố cổ ấy đang bị loại dần khỏi trí nhớ của người dân xứ Huế và du khách thập phương.

 

Hỏi về Bao Vinh người ta vẫn biết là phố cổ. Nhưng phố cổ bây giờ đã khác xa phố cổ ngày xưa. Nơi hạ nguồn sông Hương, những ngôi nhà cổ đã được thay thế bằng các ngôi nhà kiên cố, cao tầng. Những ngôi nhà cổ sót lại nằm nép mình, run rẩy trước những cơn thiên tai, đón chờ sự hủy hoại của thời gian.

 

Cụ Phạm Hỷ (86 tuổi), người sống ở khu phố cổ, cho biết: “Năm 1885, Kinh đô Huế thất thủ, Bao Vinh bị tàn phá và mai một dần từ đó. Nhưng nhìn chung khu phố cổ Bao Vinh vẫn còn nguyên vẹn. Đến đầu thế kỷ XX đây vẫn là một khu trung tâm buôn bán quan trọng, nơi người ta có thể tìm thấy đủ sản vật trong và ngoài nước”.

 

Còn hiện tại, như ông Nguyễn Điếm, người đang sống trong khu nhà cổ, nói thì “mỗi khi mùa mưa về, cả nhà không sao ngủ được. Mái ngói dột khắp nơi, kèo, cột cũng bị mục hết. Mỗi khi nghe đài báo có bão là cả nhà lại phải di tản”.

 

Ông bà Phạm Văn Tâm (75 tuổi) sống trong ngôi nhà cổ do tổ tiên để lại. Mỗi khi có gió mạnh là có cảm giác nhà lung lay. Hầu hết những ngôi nhà cổ còn sót lại ở đây đều trong tình trạng như vậy. Cứ thấy nước sông Hương lên là người dân mải miết lo chống đỡ.
 
Một phố cổ sắp hết… nhà cổ - 2
Những ngôi nhà cổ xập xệ khó chống đỡ nổi sự tàn phá của thời gian.

 

Ngày 28/10/2003, UBND tỉnh TT-Huế ra Quyết định số 3032/2003/QĐ-UB về việc quy hoạch xây dựng và bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh. Sau quyết định này, dù UBND xã Hương Vinh không cho phép xây dựng nhà mới trong khu phố cổ nhưng do tình trạng nhà cổ xuống cấp trầm trọng, nhà mới vẫn mọc lên như nấm.

Người dân cho biết, để giữ được ngôi nhà cổ mà vẫn có chỗ ở ổn định, họ cần đầu tư từ 150 đến 200 triệu đồng, một khoản tiền khá lớn.

 

Ông Nguyễn Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, cho biết: “Năm 1991 Bao Vinh còn 39 ngôi nhà cổ. Những ngôi nhà có niên đại từ 150 đến 200 năm đã bị hư hỏng quá nặng nên chủ nhà đã phá đi xây lại nhà mới, đến nay số nhà cổ chỉ còn lại là 15 nhà. Do đất có chủ nên xã cũng chỉ vận động bà con giữ nhà cổ chứ cũng không thể can thiệp. Việc hỗ trợ kinh phí để trùng tu là một việc lớn, vượt khỏi tầm kiểm soát của xã”.

 

Ông Huy cho biết thêm, mới đây 5 ngôi nhà có niên đại gần 200 năm đã được tu sửa, phục hồi bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Hội đồng vùng Nord Pas Calais (CH Pháp) 100 triệu/nhà.

 

Lâm Nguyên