TPHCM:
Một phần cơm dùng... 10 túi nilon
(Dân trí) - Một phần cơm dùng tới… 10 túi nilon. Ti tỉ các hàng hóa khác, thứ nào cũng có túi nilon “đồng hành”. Túi nilon được người dân sử dụng “xả láng” mà chẳng mấy ai bận tâm đến tác hại nghiêm trọng của nó.
Mỗi ngày dùng 5kg túi nilon
Có mặt tại quán cơm tấm Cây Khế trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp, TPHCM) vào giờ cao điểm, đập vào mắt PV là từng thùng cơm, canh, nước mắm… được chia nhỏ trong hàng trăm túi nilon với đủ kích cỡ. Tất cả được đóng gói sẵn để có thể đáp ứng nhanh nhất cho khách hàng có nhu cầu mua cơm về. Ngay trên tủ chứa đồ ăn, ba bịch lớn hộp xốp đựng cơm vừa được một cậu nhân viên giao hàng đưa đến.
Một phần cơm mua tại đây để mang về sẽ sử dụng không dưới 10 bao bì nhựa: hộp đựng cơm, thìa nhựa, đũa bọc trong túi nilon mỏng, canh, nước mắm, nước tương, nước thịt, thức ăn, rau sống… mỗi thứ đều được gói trong một túi bóng nhỏ. Tất cả các món trên trước khi trao cho khách sẽ được cho vào một bao xốp lớn.
Cửa hàng tạp hóa của anh Huấn ở chợ Tân Trụ (Q.Tân Bình), túi nilon được treo ngay phía trước để khách hàng rút cho tiện. Anh Huấn cho biết: “Mỗi ngày tôi dùng hết khoảng 3kg túi bóng. Mình muốn hạn chế cũng đâu được, không có túi đựng, ai mua”.
Theo anh Huấn, nhiều khách hàng làm như “nghiền”… túi nilon, mua món gì cũng đòi bỏ riêng từng bọc, “Lẽ ra tất cả có thể bỏ chung một bịch. Có người chỉ mua có mấy chục ngàn mà dùng hết hàng chục bịch nilon. Nhiều bà nội trợ xách làn đi chợ nhưng hàng hóa vẫn đóng bịch”.
Biết hại vẫn phải dùng
Kết quả khảo sát của Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM công bố cuối tháng 9/2009: mỗi ngày người dân TP sử dụng khoảng 70 tấn bao bì nhựa, trong đó hơn 50 tấn là bao bì nilon.
Theo kết quả này, tỷ lệ bao bì nhựa dùng trong mặt hàng thực phẩm cao hơn bao bì giấy gần 2 lần; mặt hàng quần áo 2,51 lần. Có đến gần 78% người tiêu dùng mua hàng yêu cầu được cung cấp bao bì nhựa. |
Đảo lộn chuỗi thức ăn trong tự nhiên, thải khí độc ra môi trường, gây tắc nghẽn các hệ thống thoát nước, khó phân hủy... tác hại nghiêm trọng của túi nilon nhiều người biết, nhưng điều này không mấy tác động đến thói quen khi đi chợ, đi mua sắm của người dân bởi túi nilon dường như đã trở thành vật không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Vân (ngụ ở phường Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú) cho biết, do ý thức được tác hại của túi nilon nên chị đã mua 2 chiếc túi làm từ sợi tổng hợp để sử dụng dài lâu. Thế nhưng, nếu chị nhớ không nhầm thì 2 chiếc túi đó vẫn nằm yên trong tủ bếp gần hai tháng nay. “Mình toàn đi mua sắm đột xuất. Hơn nữa, túi nilon sẵn quá, rất tiện nên khó mà “nói không” với chúng”.
Chị Thanh cho hay, sau mỗi bữa trưa, thùng rác cơ quan lại đầy ắp, chủ yếu là hộp xốp đựng cơm và túi nilon. “Mọi người đều biết là độc nhưng không thấy được tác hại trước mắt nên cứ dùng đều đều. Mà có thấy ai chết vì ăn cơm đựng trong bịch đâu cơ chứ!”.
Giả sử trung bình mỗi người dân Việt Nam dùng 1 túi nilon/1 ngày nghĩa là 1 ngày có 86 triệu chiếc túi được dùng, 1 năm tổng số túi nilon được dùng là 31,4 tỉ chiếc, có khối lượng tương đương với 1 triệu tấn nhựa. Số nilon con người thải ra 1 năm có thể phủ kín bề mặt trái đất với độ dày tới 0,8mm.
Túi nilon khi chôn vùi dưới đất phải mất 40 - 60 năm mới có thể phân huỷ hết. Ước tính trên thế giới 1 năm có 9,3 tỷ tấn túi nilon không được thu gom, phải tự phân huỷ. (Theo Phụ nữ Việt Nam) |
Hoài Nam