1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một ngày theo “Đệ nhất săn chim” đất Hà thành

Không lồng trại, không cửa hàng nhưng lối bán chim trên trời độc nhất vô nhị của Nguyễn Văn Quang, giới chơi Sơn ca ở Hà thành hẳn ai cũng biết đến.

Khách có nhu cầu tuyển chọn những chú chim Sơn ca chỉ việc cầm tiền cùng Quang ra bãi giữa sông Hồng nghe, theo dõi cả bầy chim líu lo hót rồi chỉ đích danh mua con này, con kia và cuộc ngã giá diễn ra trong chốc lát.

Sau đó, khách mua ngồi theo dõi màn trình diễn bắt và bán chim sơn ca như một trò ảo thuật. Cuộc mua bán diễn ra đơn giản như những chú chim kia đã nằm trong tay gã. Chẳng thế mà ngay cả gã cũng chẳng biết từ bao giờ người chơi đặt cho gã cái biệt danh “Quang sơn ca”.

Thuộc làu tính Sơn ca

Trong một lần mua chim Sơn ca của Quang ở bãi sông hồng, kỹ xảo bắt chim Sơn ca của Quang đã giúp gã chỉ từ sáng đến trưa rút ra khỏi túi tôi 1,5 triệu đồng cho ba con chim Sơn ca mà tôi đã đặt mua của gã sau khi được thưởng thức những tiếng hót véo von ở những độ cao vài trăm mét trong không gian mênh mông nơi bãi sông này. Không chỉ riêng tôi mà khách nào của gã cũng vậy, đã ra đến bãi sông, tận mắt chứng kiến rồi ngã giá đều không một chút đắn đo.
 
Một ngày theo “Đệ nhất săn chim” đất Hà thành - 1
Tất cả những con chim của khách đã được thả ra đây, giọng của con nào, ra làm sao, như thế nào, Quang đều thuộc nằm lòng.

Như để chứng minh, Quang cho biết thích bắt con nào cũng được, rồi qua cái ống nhòm của tôi gã điểm danh những con chim mà khách của gã đóng khuyên vào chân, được gã thả ra thiên nhiên cho thay lông, luyện giọng, để rồi sau 25 ngày bắt lại. Lạ ở chỗ, tất cả những con chim của khách đã được thả ra đây, giọng của con nào, ra làm sao, như thế nào, Quang đều thuộc nằm lòng.

Quay lưng lại với bãi sông, gã vẫn luôn mồm hướng dẫn tôi cách theo dõi com chim lên xuông trong không gian qua giọng hót của nó, bặt không sai chi tiết nào. Quang cho biết, tất cả chim ở đây thích bắt bao nhiêu cũng được nhưng chưa bao giờ gã làm thế, chỉ có khách đặt gã mới bắt, còn không để cho chúng sinh sản và luyện giọng nơi hoang vu.

Riêng loài Sơn ca có thể bắt chước tất cả giọng của những loài chim khác sinh sống nơi bãi sông. Nhắm mắt lại nghe tiếng hót, gã biết được xuất xứ con chim đó từ đâu, sông Hồng hay Quảng Bình, chim miền Trung hay miền Bắc…, hoặc con chim đang hót ở độ cao nào trong không gian, đang lên hay đang xuống… Cứ thế, gã nằm nhắm mắt thả hồn giữa bãi sông, theo tiếng hót Sơn ca mà giải thích từng chi tiết, cuốn những vị khách chúng tôi vào câu chuyện có thật mà ngỡ như cổ tích.

Bắt đầu bằng giọng Hải âu sông khi con chim rời khỏi mặt đất, vừa thăng cao lên không trung vừa hót, gã bảo các cụ xưa gọi đó là giọng “cao vút tầng mây xanh”, cũng phải, bởi nhìn con chim rất gần nhưng tiếng hót tiu… tiu thì cứ văng vẳng như từ đâu rất xa vọng lại. Cho đến độ cao khoảng 100 m thì đột nhiên đổi giọng thành tiếng hót của những con ciu ciu, manh manh, những tiếng dế mèn, tiếng đàn nhị… liên tiếp được phát ra. Gã bảo các cụ xưa gọi đó là giọng “là là mặt cỏ”, xen vào những tiếng hót kia dường như có cả tiếng hót rít lên phát ra từ chú Sơn ca, ẩn hiện những cơn gió sông lướt qua tai người. Rồi bỗng dưng gã nhắc tôi tập trung nhìn vào con chim đi, chuẩn bị đổi giọng rồi đấy, khi ấy con chim chỉ bé như hạt đỗ.

Quang vẫn nhắm mắt buông một câu hỏi gọn lỏn: thấy nó đứng im chưa, sau tiếng rồi của tôi thì sâu thẳm trong không gian hoang vắng nơi đây phát ra những tiếng hót như thể từ đáy con sông Hồng kia dội lên lúc trầm ấm, lúc dữ dội, những tiếng leo reo như nước chảy giữa chốn tĩnh mịch không một bóng người.

Quang nói: giọng hót ở độ cao này các cụ xưa gọi đó là giọng “sâu thẳm nơi đáy sông”. Sau đó là lúc con chim cụp hai cánh lại rơi tự do trong không trung, chỉ đến khi cách mặt đất chừng mươi mét mới dang cánh ra để tiếp đất, kết thúc một chu trình thăng giọng tìm bạn tình của loài Sơn ca.

Sơn ca sông Hồng, chỉ con nào bắt con ấy…

Một ngày theo “Đệ nhất săn chim” đất Hà thành - 2
Giăng lưới bắt chim.
 
Quả không sai, các cụ xưa có câu “nghề chơi cũng lắm công phu”, nhiều người chơi cầu kỳ kĩ tính, cùng Quang ra bãi sông Hồng có khi cả tháng trời chỉ để bắt một con Sơn ca, đó là cái thú của người chơi. Còn với “Quang Sơn ca”, cái việc chim ngoài thiên nhiên chỉ con nào bắt con ấy không chỉ dừng lại là thú chơi, mà ở đó còn cả một cảm giác chinh phục thiên nhiên, chinh phục tập tính của từng loài chim.

Sau cả tiếng đồng hồ ngồi quan sát và ngã giá, đã đến lúc chinh phục các chú chim. Với con chim mà tôi đã đặt mua, Quang đi ra một lùm cây thầu dầu rồi chỉ tay vào đó buông một câu xanh rờn, con này sẽ “chết” ở đây. Rút trong túi ra hai cọng cỏ mần trầu bé như que tăm dài chừng 30 cm cùng một lá keo dính, tuốt đều keo lên hai cọng cỏ đặt song song lên ngọn cây thầu dầu đã được cuộn trông như cây nấm, rồi đi vào chỗ khuất ngồi rình.

Chừng 20 phút sau, một chú Sơn ca đang thăng giọng ở độ cao khoảng vài trăm mét (khi ấy chú chim chỉ bé như hạt đậu) với chất giọng đặc trưng “sâu thẳm nơi đáy sông” bỗng thu cánh, hạ mình ở trạng thái rơi tự do rồi chậm dần tiếp xuống ngọn cây thầu dầu. Khi chúng tôi ra đến nơi thì con Sơn ca bị dính chặt hai chân và hai cánh vào hai cọng cỏ đang giẫy đạp để thoát thân.

Với vẻ tự đắc, Quang giải thích nó “chết” tại đây chỉ vì mấy hạt phân nó đã trót phóng uế. Thấy tôi chưa hiểu, Quang chỉ xuống đất rồi nói đã theo dõi từ lúc con chim xuống chỗ này đứng hót, mà phàm những con chim hót phải lấy hơi rồi trước khi thăng bao giờ cũng thải ra đó. Tập tính con Sơn ca bao giờ cũng vậy, bắt đầu thăng lên từ chỗ nào thì sẽ xuống đúng chỗ đấy, và đương nhiên khi xuống nó sẽ “chết” ở đó.

Lần chinh phục con chim thứ hai, như một cách thể hiện ngón nghề, Quang vừa cầm ống nhòm quan sát vừa giải thích. Phàm đã là con chim thì loài nào cũng vậy. Cứ hiểu đơn giản, cả bãi đất mênh mông này, tự chúng phân chia mỗi con một khoảnh, nôm na cũng như con người, đầu gấu cầm trịch bến bãi vậy thôi, tôi sẽ bắt con này như thể công an bắt thằng đầu gấu cho cậu xem. Nói rồi, mang theo một tấm lưới và một con Sơn ca mồi, đặt con mồi vào gần chỗ con Sơn ca đang đứng hót thể hiện chất giọng kêu gọi bạn tình, giăng tấm lưới áp xuống đất (đánh lưới hàm ếch).

Khi chúng tôi chưa đi khỏi thì con chim mồi đã véo von hót và đâu đó một giọng chim khác đang ganh đua không ngừng nghỉ. Đưa ống nhòm lên trời, Quang chỉ cho tôi một con chim đang thi giọng với chim mồi.

Quang giải thích rằng đây là chúng đang “chửi” nhau, xuống đánh nhau bây giờ đấy,. Chừng 20 phút sau, con Sơn ca đang hót tít trên tầng cao sà xuống nhưng chưa kịp đánh nhau thì đã dính lưới. Vừa gỡ chim Quang vừa nói, đấy “đầu gấu” định xuống đánh nhau bị công an bắt ngay, theo sau là một điệu cười hóm hỉnh.

Đến lần chinh phục con thứ ba, Quang nói sẽ cho tôi thấy lòng chung thủy của loại chim Sơn ca như thế nào. Lần mò theo dấu chân Sơn ca trên mặt cát, tìm ra được một ổ Sơn ca nằm ngay dưới ụ đất, trong đó con mái đang ấp trứng, Quang nói, với trường hợp này, bắt nốt con đực không mất quá năm phút.

Cầm ổ trứng lên, Quang giải thích, chim Sơn ca chỉ làm ổ dưới mặt đất nên phải lấy lông của chim cú mèo và lông chim lợn để làm ổ thì rắn và chuột không bao giờ dám bén mảng tới ăn con. Đem cả ổ Sơn ca một con mái và ba quả trứng vào một cái lồng hai ngăn tách rêng con mái ra rồi căng lưới xung quanh. Khi đó con mái nháo nhác kêu lên tìm ổ trứng, con trống không biết từ đâu lao về nhanh như mũi tên và chỉ trong tích tắc đã nằm gọn trong lưới.

…Và những ám ảnh

Quang năm nay đang bước sang tuổi 48. Bên cạnh nghề chính là bảo vệ cho người nước ngoài làm việc ở Việt Nam với mức lương 250 USD/tháng, Quang cũng đã có thâm niên 29 năm đi “đánh chim”.

Từ năm học lớp 7, sau giờ học đã biết mang bơm xe đạp ra đầu đường để kiếm tiền mua những con chim én, chim ri… về nuôi. Nhưng cũng chỉ được hai, ba ngày là chết, từ đó phải mất hàng năm trời đạp xe theo người dân làng Khương Thượng đi đánh chim để học cách chinh phục con chim.

Cho đến tận bây giờ, đã đạt đến đỉnh cao trong nghề “đánh chim”, Quang vẫn không quên được những kí ức xưa đó. Rồi cả kỷ niệm những chuyến đi bẫy có bão về, những con chim giang, chim sếu ăn dưới đất bị gió cuốn tung lên không, cứ thế cắm đầu chạy vào bờ trong bão cát, rồi vấp cả vào chân người mà ngã… Cả những chuyến đi đánh chim sẻ, chim ri, một mẻ lưới được tới hàng nghìn con, chuyện đi bắt những con chim lạ có giá trị tới hàng chục triệu đồng…

Nhưng khi hỏi về những suy nghĩ về chuyện nghề, sắc mặt và giọng nói của Quang chùng hẳn xuống: không hiểu sau này nó có vận vào mình không, nhưng có lẽ cũng phải nghỉ, cái cảm giác con ngã xe gãy chân, tay… lại quẩn quanh trong tâm trí những lúc gỡ chim ra khỏi lưới bẫy. Hình ảnh các con chim gãy chân lại cứ hiện về quẩn quanh… Giờ đây rất nhiều thanh niên theo nghề “đánh chim” này, cũng vì cuộc sống. Nhưng Quang cho đó là vết xe đổ, liên tưởng trong những lúc ngồi không về những bậc lão làng trong nghề “đánh chim” thì cũng chưa thấy ông nào mọc mũi sủi tăm được, cuối đời không chứng nọ thì tật kia… mặc dù thu nhập từ nghề “đánh chim” là khá cao.

Với 29 năm trong nghề “đánh chim”, đúc rút ra một quan niệm, cái kim không nhọn hai đầu bao giờ, bắt chim dễ, bán chim dễ thì tiêu tiền cũng dễ, của thiên rồi lại trả địa, mà với Quang đó chính là nghiệp “chim trời cá nước”.

Theo Phan Tùng
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm