1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một ngày ở nơi nước quý hơn vàng

(Dân trí) - Chưa đến lục khu huyện Hà Quảng, Cao Bằng thì không thể tin nổi những lời than oán ở đây là sự thật. Từ bao đời nay, người dân đã quen với cuộc sống mà giọt nước được nâng niu như vàng trắng. Đến tận bây giờ, mọi người, mọi vật nơi đây vẫn hàng ngày héo hắt vì khát...

Nước quý hơn vàng

 

Gọi là lục khu vì vùng đất này theo địa giới hành chính gồm 11 xã nhưng được chia làm 6 khu (nghe nói từ thời Pháp), gồm: Thượng Thôn, Hạ Thôn, Nội Thôn, Ngoại Trung, Lũng Năm, Kéo Yên. Nơi đây là địa đầu Tổ quốc, tiếp giáp với nước bạn láng giềng.

 

Đường tới lục khu ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ bò dựng đứng theo các triền núi, đa phần lổn nhổn toàn đá tai mèo sắc lẹm. Từ trung tâm huyện đến lục khu chỉ dài hơn chục cây số thế nhưng phải ì ạch hơn tiếng đồng hồ, tôi mới chinh phục được đoạn đường hun hút dài tưởng như... vô tận. Chiếc xe máy - con ngựa chiến - “hộc” lên mấy tiếng tỏ ra là đã hoạt động quá sức. Tôi đến lục khu cũng là lúc trời xế chiều.

 

Trước mắt tôi là những núi đá hùng vĩ. Ở đây ngô và đá tai mèo chen chúc nhau cùng mọc. Đá nhiều vô kể, bốn bề chỉ có đá và đá. Nhà xây bằng đá, hàng rào đá và tất cả đều chỉ có đá. Xa xa, sau những nếp nhà sàn là một màu nâu xám của những lu chứa nước.

 

Một ngày ở nơi nước quý hơn vàng - 1

Hiên nhà nào cũng có những chiếc lu chứa nước khổng lồ như thế này.

 

Tại trụ sở UBND xã Thượng Thôn- Phó chủ tịch Long Thế Tài vồn vã trò chuyện. Biết chúng tôi tìm hiểu về đời sống bà của con lục khu, ông cười khà khà. Ấm trà chưa kịp ngấm thì chén rượu ngô đã nức mùi. Ông Tài vồn vã: “Ở đây thiếu nước quanh năm nên giải khát bằng thứ này. Nào! Chúc sức khoẻ các anh không quản ngại đường sá, núi đá cheo leo đến thăm bà con lục khu”.

 

Cuộc trò chuyện thân mật lắm! Ông Tài nói: “Cây ngô, cây đậu tương là cây kinh tế chủ lực của lục khu. Đất khô cằn nhưng ưu đãi chúng tôi lắm, cứ lẫm lên núi rồi đến mùa vụ là đi thu hoạch thôi, năng suất cao lắm (lẫm là dùng đòn xóc nhọn đầu chọc lỗ rồi tra hạt ngô- PV). Chúng tôi không cấy lúa, chỉ trồng ngô rồi đem đổi lấy gạo ăn thôi. Lương thực chẳng lo thiếu bao giờ”.

 

Câu chuyện chủ yếu xoay quanh cái lu nước. Nước ở lục khu được coi như vàng trắng. Đã có mấy đoàn khoan thăm dò, tìm nguồn nước cho bà con lục khu nhưng rồi cũng đành... chịu thua, chẳng đâu tìm thấy nguồn nước nào. Ở lục khu, nhà nhà xếp lu dưới mái gianh. Mỗi gia đình có hàng chục chiếc lu, chỉ mong trời mưa để hứng được chút nước.

 

Người đã vậy, trâu bò thì phải dùng nước hạn chế hơn rất nhiều, mỗi con một ngày chỉ được “tiêu chuẩn” vài ba lít. Thiếu nước rồi mãi cũng thích nghi. Gia súc vẫn lớn, vẫn sinh sôi. Vừa cùng tôi đi thăm bản, ông Tài vừa kể: “Năm ngoái gia đình anh Ngô Văn Sùng ở bản Lũng Tu ra ở riêng, được họ hàng ngoài huyện Hà Quảng tặng con nghé làm vốn. Nghé mang về được mấy ngày thì ốm rồi gầy giơ xương. Giống trâu ngoài đó mùa hè hay đằm bùn, đằm nước nên vào đây ít con chịu nổi thời tiết khắc nghiệt!”

 

Anh Sẩm Văn Sầu ở bản Nặm Giạt chỉ chúng tôi từng lu nước than thở: “Bằng ấy nước gia đình tôi chỉ dùng đến gần Tết là hết. Nước quý lắm. Chúng tôi chẳng mấy khi phải tiết kiệm tiền bạc nhưng nước thì tiết kiệm bao nhiêu bớt khổ bấy nhiêu, phải chắt chiu từng giọt. Đi lấy nước xa lắm. Có khi mất nửa ngày để đến khe nước bản Lũng Nặm mới mang được hai can về. Bây giờ đã nhiều nhà hết rồi, họ phải bỏ nương bãi đi gánh nước rồi đấy...”.

 

Một ngày mới...

 

Trời sập tối, núi bốn bề đen sẫm. Tôi không thể xuống núi khi màn đêm bao phủ dày kín như thế này. Đêm ở lục khu lạnh tê tái. Người xuôi lên chưa quen, đắp bao nhiêu chăn bông cũng thấy lạnh. Đêm lục khu le lói những ánh đèn điện đỏ lờ mờ. Ngoài trời chỉ có màu đen ngòm của bốn bề núi đá. Trong căn nhà sàn của gia đình bác Vi Văn An, bản Rằng Rụng, tôi trằn trọc không sao chợp mắt được. Chỉ mong nhanh tới sáng...

 

4h30 sáng. Những tiếng chân bước vội vã. Tiếng người hỏi nhau: “Lũng Nặm nhằng mỳ nặm bâu?” - “Nhăng nỏi” (ở Lũng Nặm còn nhiều nước không? - còn ít thôi). Những bước chân vội vã. Tiếng trò chuyện hổn hển qua hơi thở. Cả bản lục tục đi lấy nước. Bình minh lên thì cũng là lúc chị Lò Thị Thơn - con dâu bác An - đi lấy nước về. Cháu Vi Thị Sim cũng dậy theo chị từ lúc tờ mờ sáng để đi đến Lũng Nặm cùng mẹ.

 

Một ngày ở nơi nước quý hơn vàng - 2

Lò Thị Thơn đi từ lúc tờ mờ sáng và trở về với gánh nước nặng trĩu trên vai.

 

Buổi sáng, trời xanh ngắt và không khí rất dễ chịu. Tiếng trống trường THCS xã Thượng Thôn vang lên hối hả báo hiệu giờ học mới bắt đầu. Cô Đàm Thị Dừa- Hiệu trưởng tâm sự: “Các thầy cô ở đây, mỗi khi về nhà lên là phải mang theo một can 20 lít nước để tập thể cùng dùng. Nước thì lúc nào cũng thiếu. Nhà tôi ngoài huyện, ngày nghỉ cuối tuần phải cho quần áo vào bao tải mang về giặt giũ. Chị em ở xa, ngày nghỉ tranh thủ ra huyện giặt nhờ bà con. Nói ra sợ các anh cười chứ ở đây các cô chia nhau từng ca nước. Thầy cô luôn luôn nhắc nhở các em uống nước chỉ rót đủ, không lấy thừa đổ đi lãng phí”.

 

Hình ảnh mỗi thầy cô với chiếc xe lọc cọc buộc can nhựa đằng sau dường như đã thành sự tất yếu trong cuộc sống ở đây. Hết lớp thầy cô này qua, thầy cô khác đến, nhưng hình ảnh “cô giáo và chiếc can” thì bao đời nay vẫn vậy.

 

Tôi về huyện. Chiếc lốp sau phải thay mới đi tiếp được. Ông Nguyễn Khải- Phó chủ tịch UBND huyện Hà Quảng nói: “Huyện nghèo nhất tỉnh, và khó khăn nhất hiện nay vẫn là lục khu với 11 xã. Nước là nhu cầu tối thiểu của cuộc sống thì bao đời nay vẫn chưa có và không thể có được. Tôi rất mong nhà nước đầu tư xây thêm nhiều bể to trên núi để người dân bớt đi phần nào nỗi khan hiếm và tình trạng khát triền miên, như vậy mới là cách thoát nghèo cho bà con”.

 

Ông Khải bảo chỉ tiêu huyện đặt ra 300 USD/người/năm chưa bao giờ đạt được, và cũng chẳng biết bao giờ sẽ thành hiện thực. Mảnh đất khô cằn ấy vẫn sinh sôi, nảy nở. Cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn đầy sinh động. Những đứa trẻ lớn lên và theo chúng bạn cùng trang lứa đến trường.

 

Không biết khi nào sẽ hết khát...

 

Đức Hiền - Án Văn Long