1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Một ngày “đặc biệt” của hai thanh niên cứu đoàn tàu hoả

(Dân trí) - Chiều 28/1, hai thanh niên dũng cảm cứu đoàn tàu hoả SE1 Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Tình đã có mặt tại Hà Nội. Trong chuyến thăm Thủ đô “cả đời chỉ có một lần” này, lẫn trong tâm trạng hồi hộp, mừng vui còn là cảm xúc ngậm ngùi, nhớ lại những ngày tủi nhục thuở trước…

“Lịch làm việc” dày đặc

 

Chiều nay, 30/1, hai anh Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Tình sẽ có buổi ghi hình chương trình Người đương thời tại Đài Truyền hình Việt Nam. Sau đó sẽ là buổi nói chuyện tại Trung tâm dạy nghề Thanh Xuân theo lời mời của thầy trò nhà trường. Đây chỉ là hai hoạt động chính trong “lịch làm việc” khá dày đặc của hai anh trong dịp ra thăm Hà Nội lần này.

 

Anh Nguyễn Văn Dân tiếc rẻ cho biết các anh chỉ có thể ở lại Hà Nội từ 3-5 ngày. Sau đó, theo lời mời của Tổng công ty Đường sắt, hai anh sẽ có chuyến du lịch trên tàu Thống Nhất vào TPHCM, nhận xe máy do một doanh nghiệp tại đây tặng. “Từ hôm 23 đến giờ, chúng tôi không ngơi nghỉ chút nào, tiếp liên tục các đoàn thể từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã đến thăm, tặng bằng khen, tặng quà và tiếp các nhà báo. Bao nhiêu việc đồng áng đành để lại cho vợ”, anh Dân vui vẻ khoe.

 

“Chỉ tiếc là từ chiều ngày 28/1 đến nay, chúng tôi chả biết đi đâu ngoại trừ việc ngồi trong phòng nghỉ và coi tivi. Nóng ruột về nhà lắm rồi!”, anh Nguyễn Văn Tình nói thêm.

 

Ngay trong sáng nay, một nhóm “công tác đặc biệt” của Dân trí đã đưa hai anh đi thăm một số di tích văn hoá lịch sử của Hà Nội như lăng Bác, Văn Miếu…đúng như lời đã hứa hôm chúng tôi về gặp các anh ở xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá.

 

Cảm xúc Hà Nội

 

“Trước khi ra đây, mấy đứa nhỏ ở nhà cứ liên tục dặn dò, phải vào lăng viếng Bác, vào thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phải chụp thật nhiều ảnh để khoe với bà con lối xóm. Cũng muốn đưa các con ra thăm thủ đô, thăm Bác nhưng các cháu đều đang học. Thôi thì không lúc này thì lúc khác”, anh Tình kể.

 

Anh Nguyễn Văn Dân thì ngậm ngùi kể cho chúng tôi nghe một đoạn hồi ức buồn của đời mình: “Tôi mang trong lòng mình hai tâm trạng của sự hồi hộp, lo lắng lẫn vui sướng. Đó là tâm trạng lần đầu tiên được nói chuyện trên truyền hình và tâm trạng lần đầu được đặt chân đến Hà Nội không phải với vị trí kẻ làm thuê tha phương cầu thực.

 

Đó là quãng thời gian dài đằng đẵng mà tưởng như chỉ mới hôm qua. Hơn một năm làm tại mỏ than thổ phỉ, hai anh em chúng tôi là “thợ thổ phỉ”. Quanh năm sống trong trại, có thể bị đánh đập bất cứ lúc nào. Cũng như bao nhiêu người bán sức lao động hầu hết không hề có cơ bắp, chỉ là những người lấy sức khỏe còm cõi làm thuê kiếm sống qua ngày”.

 

Sau thời làm “thổ phỉ”, hai anh vào Nam làm ăn, rồi lại kéo nhau ra Bắc, làm nghề bốc vác tại bến xe Giáp Bát. Cuối cùng, cả hai trở về quê, yên phận với nghề làm ruộng, chăn vịt. “Vậy mà bây giờ được báo Dân trí, Đài truyền hình Việt Nam, Trung tâm dạy nghề quận Thanh Xuân mời ra Hà Nội, nói chuyện. Thực không gì vui bằng” - anh Dân hào hứng.

 

Những câu chuyện cứ thế nối tiếp nhau giữa những vòng loanh quanh Hà Nội ken cứng người và xe cộ, bất ngờ đưa chúng tôi trở lại với hai cái tên Trần Thị Kiều và Nguyễn Xuân Hy. Đó cũng là hai nhân vật của báo Dân trí, Kiều là con cả trong một gia đình 5 đứa bé mồ côi cha sau bão Chanchu. Bác Nguyễn Xuân Hy là người trực tiếp liên lạc qua Dân trí nhận nuôi Kiều.

 

Hai anh Dân và Tình cùng bày tỏ ước mong được qua thăm Kiều và gia đình bác Hy. Do đã quá cận giờ quay chương trình Người đương thời nên buổi gặp gỡ bất ngờ diễn ra quá ngắn ngủi. Lại hy vọng được đi cùng các anh vào một dịp khác...

 

Nhóm PV