1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Một gia đình có 8 người bị giam oan

Sau khi có quyết định đình chỉ điều tra vụ án, chỉ có 1 trong 8 người bị giam oan được bồi thường với số tiền ít ỏi.

"Sau nhiều năm gõ cửa các cơ quan chức năng, tôi được bồi thường một khoản tiền nhỏ, những người khác trong gia đình tôi đều không được bồi thường. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để những người bị giam oan được đối xử công bằng". Ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, bức xúc trình bày.

Gần 4 năm ngồi tù oan

Theo ông Dũng, tháng 7-1979, ông từ chiến trường Campuchia về nước kết hợp thăm gia đình. Được ít ngày, ông Dũng bị lực lượng chức năng xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) bắt vì nghi cướp tài sản.

Theo đó, khoảng 23 giờ ngày 26-7-1979, xảy ra vụ cướp có vũ trang tại nhà ông Nguyễn Văn Dơ (ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận). Do ông Dơ báo trong đám cướp ngoài súng M16, súng ngắn còn có con dao trắng thường sử dụng bán bánh mì. Nghi vấn Hồ Long Chánh có con dao loại này, công an bắt ngay Chánh để điều tra. Chánh khai thêm Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Chiến (anh ruột ông Dũng), Nguyễn Thành Nghị và Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị). Chính quyền xã đã bắt tiếp số người này.

Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên Báo Người Lao Động
Ông Nguyễn Văn Dũng (thứ tư, từ trái sang) và người thân trình bày vụ việc với phóng viên Báo Người Lao Động

Sau khi bị đưa về công an huyện và bị dùng nhục hình buộc phải nhận tội cướp tài sản đem về cho vợ con họ cất giấu, cơ quan điều tra lại bắt tiếp bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (chị ông Dũng), Nguyễn Thị Lan (vợ ông Chiến) cùng Nguyễn Thị Kim Chung (con ông Chiến, lúc đó được 2,5 tháng tuổi), Võ Thị Thương (vợ ông Nghị) và cũng dùng nhục hình buộc họ phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Tuy nhiên, nhiều lần đến kiểm tra, công an không thu được gì là tang vật của vụ án nên ngày 11-5-1983, VKSND tỉnh Tây Ninh đình chỉ điều tra vụ án.

Có quyết định đình chỉ điều tra, ông Dũng gõ cửa khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan. Mãi đến tháng 4-2017, VKSND tỉnh Tây Ninh mới mời ông Dũng lên làm việc liên quan đến việc bồi thường nhưng chỉ đồng ý bồi thường với số tiền gần 600 triệu đồng.

"Tôi bị bắt giam oan, bị dùng nhục hình để buộc nhận tội. Danh dự nhân phẩm của tôi bị chà đạp, gia đình ly tán, mất cơ hội làm quân nhân, công dân tốt. Thế nhưng, sau khi được giải oan và hơn 34 năm gõ cửa khắp nơi, tôi chỉ nhận được chừng đó tiền. Họ còn nói chỉ bồi thường nhiêu đó, nếu không đồng ý thì kiện ra tòa" - ông Nguyễn Văn Dũng bức xúc.

Nhất quyết không bồi thường

Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng (con ông Nghị) kể sau khi bị bắt giam 3 năm 9 tháng 14 ngày, VKSND tỉnh Tây Ninh đã ra quyết định đình chỉ điều tra. "Khi được trả tự do, Công an xã Đôn Thuận đề nghị đến xã trình diện. Tại đây, công an xã đã thu hết các giấy tờ, trong đó có quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Tây Ninh. Lúc đó, mừng quá nên chúng tôi không đề nghị trả lại các giấy tờ đã nộp. Sau này, tôi và các thành viên trong gia đình đi khiếu nại việc bị bắt oan thì được trả lời không có cơ sở xem xét giải quyết vì không có quyết định đình chỉ điều tra. Nay cha tôi đã chết mà vẫn không được minh oan, bồi thường. Cả gia đình đi đâu cũng bị người ta xem thường, nói có tiền án, tiền sự cướp" - ông Nguyễn Văn Dũng kể.

Bà Võ Thị Thương năm nay cũng đã 92 tuổi, sau hàng chục năm kể từ ngày bị bắt và trả tự do đến nay vẫn chưa được minh oan và nhận được bồi thường. "Thời gian của tôi chẳng còn bao nhiêu, tôi chỉ mong đến khi nhắm mắt được nhà nước minh oan, chứ như ông nhà tôi, thật tội nghiệp..." - bà Thương rưng rưng nước mắt.

Trong vụ án này, còn có chị Nguyễn Thị Kim Chung (SN 1979), phải vào tù cùng cha mẹ khi mới 2,5 tháng tuổi. Đến hôm nay vẫn chưa thể xóa được mặc cảm từng trải qua tuổi thơ trong tù.

Thế nhưng, ngày 17-1, khi chúng tôi liên hệ VKSND tỉnh Tây Ninh để hỏi về những trường hợp này, ông Phan Văn Vũ, Trưởng Phòng Kiểm sát và Giải quyết đơn khiếu nại tố cáo VKSND tỉnh Tây Ninh, cho biết lãnh đạo VKSND tỉnh đã chỉ đạo khi báo chí đến hỏi về việc bồi thường của ông Nguyễn Văn Dũng, chỉ trả lời đang trong quá trình thương lượng, khi nào có kết quả sẽ thông báo. Riêng những trường hợp còn lại thì không giải quyết.

Nhiều điểm cần làm rõ

Sau khi đọc hồ sơ vụ án gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định ông Nguyễn Văn Dũng bị bắt giam, bị dùng nhục hình tra tấn, sau gần 4 năm được trả tự do vì không có hành vi phạm tội, thế nhưng việc bồi thường chỉ làm qua loa, không thương lượng mà tự tính mức bồi thường với số tiền mang tính tượng trưng. Ngoài ra, cơ quan làm oan cho ông Dũng cũng không thực hiện việc xin lỗi tại nơi cư trú và tại đơn vị ông Dũng từng tham gia chiến đấu.

Đối với những người còn lại trong vụ án, ngoại trừ ông Dũng có được trong tay quyết định đình chỉ việc khởi tố, những người khác không có quyết định đình chỉ, nghĩa là dù được tha bổng nhưng họ vẫn mang thân phận của bị can và chịu hàm oan đến nay.

Vụ án có những điểm cần làm rõ, như: Trong quyết định đình chỉ vụ án của ông Nguyễn Văn Dũng, có đề cập đến những người này, tất cả họ bị giam oan, bị dùng nhục hình tra tấn là cơ sở để họ được xem xét bồi thường. Ngoài ra, việc Công an xã Đôn Thuận thu hồi giấy tờ của họ có nhằm né tránh bồi thường? Nếu không có quyết định đình chỉ vụ án, làm sao họ được trả tự do?...

Theo Trường Hoàng
Người lao động