Một đường băng sân bay Nội Bài phải tạm đóng cửa để kiểm tra
(Dân trí) - Để thực hiện công tác kiểm tra tổng thể toàn bộ các hạng mục đường cất - hạ cánh 11L/29R, Cục Hàng không Việt Nam vừa chấp thuận tạm dừng khai thác từ ngày 18/2 đến 23/2.
Theo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), cơ quan này vừa có văn bản chấp thuận tạm dừng khai thác đường cất - hạ cánh (CHC) 11L/29R, đường lăn S1 đầu 29R, đường lăn S2, S7 đoạn giữa đường CHC 11L/29R, đường CHC 11R/29L và hệ thống thiết bị đảm bảo hoạt động bay trong phạm vi cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2 của dự án Cải tạo, nâng cấp đường CHC, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài - Hà Nội.
Việc dừng khai thác để thực hiện công tác kiểm tra tổng thể toàn bộ các hạng mục đường CHC 11L/29R. Thời gian đóng cửa từ 7h ngày 18/2/2022 đến 6h59 ngày 23/2 (theo giờ Hà Nội).
Trước đó, đường cất hạ cánh 11L/29R (đường băng 1A), các đường lăn S1, S2, S7 trong phạm vi cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2 của dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được khai thác từ ngày 27/1.
Cục HKVN yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long phối hợp với Cảng HKQT Nội Bài tổ chức lắp đặt biển báo, sơn kẻ tín hiệu các khu vực tạm ngừng khai thác theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Cảng HKQT Nội Bài, Đài kiểm soát không lưu Nội Bài, Cảng vụ hàng không miền Bắc và Sư đoàn 371 trong quá trình thi công để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn cho hoạt động bay.
Đối với Cảng HKQT Nội Bài, Cục HKVN yêu cầu thống nhất với Ban Quản lý dự án Thăng Long triển khai sơn kẻ tín hiệu, lắp đặt các biển báo cấm đối với các khu vực đóng cửa tạm dừng khai thác theo đúng quy định; tạm ngừng khai thác thiết bị đảm bảo hoạt động bay theo nội dung chấp thuận và thông báo các nội dung nêu trên cho các hãng hàng không, các cơ quan, đơn vị liên quan tại Cảng HKQT Nội Bài biết để phối hợp trong công tác khai thác đảm bảo an toàn.
Cảng HKQT Nội Bài được giao chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, Công ty Quản lý bay miền Bắc và Cảng vụ hàng không miền Bắc kiểm tra các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn trước khi tạm ngừng khai thác hoặc đưa vào khai thác trở lại các hạng mục kết cấu hạ tầng, đài, trạm, thiết bị; tăng cường kiểm tra, giám sát, duy trì các điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn hàng không; phối hợp với Tổng Công ty Quản lý bay để thực hiện thông báo tin tức hàng không theo quy định Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm thông báo tin tức hàng không theo quy định hiện hành.
Cục HKVN cũng yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Bắc thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn hàng không, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn lao động trong quá trình thi công; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định nêu trên; đình chỉ thi công khi đơn vị thi công không thực hiện đúng theo biện pháp tổ chức thi công đã được chấp thuận, vi phạm các quy định an ninh, an toàn.
Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông vận tải (đơn vị thi công dự án) cho biết, đây là quy trình kiểm tra việc lắp đặt, độ tin cậy của thiết bị, không phải kiểm tra lại chất lượng xây dựng đường băng, đường lăn.
Theo quy trình, sau 20-25 ngày khai thác, các chuyên gia phải kiểm tra tổng thể hệ thống thiết bị, đèn tín hiệu được lắp trên đường băng, đường lăn một lần nữa. Thời gian kiểm tra trong vòng 2-3 ngày.
Việc kiểm tra phối hợp với nhiều cơ quan, đài chỉ huy sân bay. Qua kiểm tra, thấy hệ thống đèn bật tắt, đúng tiêu chuẩn, hệ thống thông tin tín hiệu hoạt động chính xác, các chuyên gia nước ngoài của đơn vị cung cấp thiết bị sẽ xác nhận rồi về nước.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài khởi công từ ngày 29/6/2020. Dự án đã hoàn thành, bàn giao khai thác bước 1 đoạn 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn từ ngày 1/1/2021 đảm bảo chất lượng, tiến độ và khai thác an toàn cho hơn 7.500 chuyến bay.
Chính phủ quyết định đây là dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Trình tự, thủ tục thực hiện xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp.
Các dự án sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ có tuổi thọ ít nhất 20 năm, thậm chí có thể lên tới 50 năm nếu như công tác bảo dưỡng định kỳ được làm thường xuyên theo đúng quy định.