Một đời “say” tiền cổ

Sau 64 năm chơi tiền cổ, nhà sưu tập tiền cổ Nguyễn Văn Cường và con trai Nguyễn Anh Huy (220 Chi Lăng, TP Huế) đã có trong tay 200 loại và 150 chủng loại tiền cổ đại diện cho các loại tiền cổ đã từng lưu hành ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản…

Ông Nguyễn Văn Cường năm nay đã 75 tuổi. Đôi mắt mờ đục của ông bỗng như sáng lên khi nói chuyện với tôi về công việc sưu tầm tiền cổ của mình trong mấy chục năm qua. Ông bắt đầu sưu tập tiền cổ năm 1945, khi mới 22 tuổi.

 

“Đồng tiền có thể ghi dấu lịch sử của một quốc gia. Hiểu được đồng tiền, có thể hiểu thêm về lịch sử của đất nước. Vậy là tôi bắt đầu công việc này. Tôi không ngờ nó gắn bó với tôi cả cuộc đời sau này. Mỗi đồng tiền cổ là mỗi đứa con tinh thần của tôi”, ông Cường mở đầu câu chuyện.

 

Tiền cổ là đứa con tinh thần

 

Thừa Thiên - Huế là điểm đầu tiên để ông săn lùng tiền cổ, sau đó là các tỉnh ở miền Trung, miền Nam và miền Tây Nam Bộ, nhận được thông tin ở bất cứ chỗ nào có tiền cổ là ông đều tìm đến. Ông đã bán tất cả các vật dụng trong nhà để mua cho được những đồng tiền cổ lạ.

 

“Bây giờ nghĩ lại mà thương vợ con. Mải mê đi tìm tiền cổ không giúp được vợ chăm con đã đành, hồi ấy (những năm 1975-1985) toàn bắt vợ con ăn sắn, ăn bo bo, ăn không no để có tiền mua tiền cổ. Mà bản thân tôi có lúc còn bán cả máu để có tiền mua nó. Nhờ có sự hy sinh ấy mà bây giờ tôi có được bộ sưu tập quý giá này”, ông Cường rưng rưng.

 

Ông quý những đồng tiền cổ đến nỗi sợ sau này không có ai trong gia đình thay thế mình để gìn giữ nó. Năm 1973, khi con trai út của ông là Nguyễn Anh Huy lên 6 tuổi, vừa biết mặt chữ, ông liền nhờ con phân loại tiền cổ mỗi khi sưu tầm được, cũng là để “truyền nghề” cho con.

 

Huy cũng thích thú với công việc này. Và sau đó, khi đất nước giải phóng, vào mỗi kỳ nghỉ hè, Huy lại cùng cha rong ruổi khắp nẻo đường của đất nước để tìm kiếm tiền cổ.

 

Năm 17 tuổi, Huy đã một mình vào tận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) để mua cho được những  đồng tiền cổ quý giá. Sau này ra trường, trở thành bác sĩ, Huy vẫn dành thời gian cho việc sưu tầm tiền cổ.

 

“Biết chính xác ở đâu có tiền cổ là tôi dành tiền cho mục đích này. Tôi thường phải mua vé khứ hồi, kẻo sợ mua hết tiền cổ, không có tiền mua vé về nhà”,  Huy nói.

 

Bây giờ thì Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế đã trở thành nhà nghiên cứu tiền cổ khá nổi tiếng. Anh có trên 100 bài nghiên cứu về tiền cổ  đăng ở nhiều tạp chí khoa học toàn quốc và là hội viên của Hội Tiền tệ học Hoa Kỳ.

 

Anh còn phát hiện thêm trên 40 hiệu tiền khác đúc bằng đồng thau thời nhà Mạc và 21 hiệu tiền bằng đồng do Chúa Nguyễn Phúc Thụ đúc năm 1725, gần 90 hiệu tiền kẽm do Chúa Nguyễn Phúc Khoát đúc năm 1876.

 

Những đồng tiền cổ quý hiếm

 

Bộ tiền cổ của hai cha con ông Cường khá độc đáo, và được phân loại công phu. Bộ sưu tập này có hầu hết các hiệu tiền của các triều đại phong kiến Việt Nam. Cổ xưa nhất là đồng tiền Thái Bình hưng bảo thời vua Đinh Tiên Hoàng, thế kỷ thứ X, là đồng tiền được đúc đầu tiên của Việt Nam, đến các triều đại Lê, Lý, Trần, Lê Mạc, Nguyễn. Đồng tiền Hàm Nghi thông bảo (đúc năm 1885) được giới khảo cứu tiền cổ đánh giá là đồng tiền quý nhất.

 

Hiện chỉ có ba nơi có đồng tiền Hàm Nghi là Bảo tàng Tiền tệ Pháp, một nhà sưu tầm Nhật và ông Cường. Sở dĩ “Hàm Nghi thông bảo” là loại tiền duy nhất và có số lượng ít nhất trong các triều vua phong kiến vì vua Hàm Nghi (1885) chỉ tồn tại trong vòng một năm nên sau đó vua Đồng Khánh lên thay thì hủy bỏ tiền này. Đại diện cuối triều Nguyễn có đồng “Bảo Đại thông bảo”.

 

Bên cạnh đó, bộ sưu tập còn có những đồng tiền giấy thời Pháp thuộc, tiền của Chính phủ Cụ Hồ những năm kháng chiến chống Pháp, tiền của hai miền Bắc-Nam trước năm 1975 cho đến tiền hiện nay.

 

Ông Cường lại mân mê những đồng tiền cổ đại của Trung Quốc ở thời nhà Thương, thế kỷ XVII trước Công nguyên, đồng tiền bằng chất liệu xương khắc hình vỏ sò còn nguyên vẹn. Tiếp là đồng tiền bằng đồng đúc hình vỏ sò thời nhà Chu, trước Công nguyên. Quý nhất là đồng tiền Tịnh Khang thông bảo thời vua Khâm Tông cuối triều Tống.

 

Giới tiền cổ Trung Quốc đã từng đến nhà ông Cường mua lại bằng mọi giá nhưng ông không bán. Có lần nghe tin ở Hội An (Quảng Nam) vớt được chiếc tàu buôn thời nhà Minh bị chìm dưới biển, ông đã tức tốc vào, mua được đồng tiền hiệu Chính Đức quý hiếm.

  

Theo Đinh Hoàng - Xuân Hồng

Công an nhân dân