1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Một đời hương khói ba vua

Suốt cuộc đời ông Nguyễn Phước Bảo Hiền gắn bó với nơi thờ tự của ba nhà vua: Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân. Nhờ công việc này, ông đã có điều kiện đóng góp cho cách mạng.

Có tới 10 người con nhưng ông Nguyễn Phước Bảo Hiền (83 tuổi, ngụ phường An Cựu, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) ở một mình tại căn phòng nhỏ nép bên khu di tích An Lăng để trông coi nhang khói và thờ tự ba vị vua: Dục Đức; Thành Thái và Duy Tân (con và cháu nội vua Dục Đức).

 

Một đời hương khói ba vua  - 1

Ông Bảo Hiền đọc lại những dòng nhật ký của những vị khách lưu lại mỗi lần tới thăm An Lăng, nơi thờ phụng ba vua

 

Hậu nhân nhà Nguyễn

 

Sau một năm nằm viện điều trị căn bệnh quái ác, ông Bảo Hiền giờ đã ốm yếu và già đi rất nhiều so với 2 năm trước, lúc chúng tôi gặp ông. Dù di chuyển khó nhọc bằng xe lăn nhưng ngày ngày, ông đều ra điện Long Ân ở trong khu di tích An Lăng để thắp nén nhang cho tổ tiên.

 

Đứng bên tấm bia khắc dòng chữ “Nơi đây thờ ba vua” ở điện Long Ân do mình tự tay viết và dựng lên trước đây, ông Bảo Hiền xúc động: “Các ngài đây là tấm gương yêu nước của cả dòng họ Nguyễn. Tôi là hậu nhân nên phải có bổn phận gìn giữ và chăm lo nhang khói cho các ngài để con cháu sau này còn biết đến những vị vua này”.

 

Ông Bảo Hiền vốn là một hoàng thân. Vua Thành Thái có 22 phi tần, cha của ông Hiền là ông Nguyễn Phước Vĩnh Vũ - hoàng tử thứ 13 của vua, tức ông Vũ là em vua Duy Tân. Từ khi sinh ra, ông Hiền sống với các phi tần của vua Thành Thái tại An Lăng này. “Lúc nhỏ, tôi theo hầu tráp điếu cho các cụ Ưng Lê, Bảo Thạch... trong Bộ Lễ của triều đình nên thường xuyên được vào cung điện, được xem những buổi tiệc, lễ nghi chốn cung đình. Vì vậy, tôi cũng chứng kiến không biết bao nhiêu  câu chuyện liên quan đến sự suy vong của triều đại nhà Nguyễn” – ông Bảo Hiền thổ lộ.

 

Chôn cất liệt sĩ

 

Dù tuổi đã cao nhưng ông Bảo Hiền vẫn nhớ như in sự kiện vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn, kiếm cho chính quyền cách mạng lâm thời vào ngày 30/8/1945: “Chứng kiến cảnh trao ấn, kiếm, tôi vừa buồn vừa vui lẫn lộn. Tôi vui mừng vì đất nước mình từ đó được độc lập, dân chủ; đồng thời cũng không thể không buồn vì nhà Nguyễn của mình trải qua 9 đời chúa và 13 đời vua nay đã sụp đổ” – ông Bảo Hiền nhớ lại.

 

Năm 1947, thực dân Pháp chiếm An Lăng để lập đồn bốt. Tất cả hoàng thân đều ly hương mỗi người một nơi nhưng ông Bảo Hiền quyết ở lại với nơi thờ tổ tiên. Trong thời gian đó, ông thường xuyên liên lạc với những người hoạt động cách mạng như ông Thân Trọng Một của Trung đoàn 101 và 4 vị trụ trì ở các chùa Trùng Quang, Kim Quang, Giác Lâm, Bảo Vân để cung cấp thông tin về địch.

 

Ông Bảo Hiền còn lợi dụng giấy phép Hội trưởng Hội Từ thiện Phước Học do Pháp cấp để thường xuyên đến giúp những người nghèo khổ, nhà hoạt động cách mạng bị giam cầm. Mở cuốn sổ nhật ký ghi lại những liệt sĩ ngã xuống mà tự tay ông chôn cất, hoàng thân Bảo Hiền hồi tưởng: “Tôi cũng không nhớ nổi mình đã chôn cất bao nhiêu chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống nữa. Hồi đó, người chết quanh khu An Lăng này nhiều lắm, có người tôi chôn chỉ có chiếc chiếu, chăn mền kèm theo hai cục đá bỏ vào làm dấu”.

 

Ông Bảo Hiền cũng thường xuyên vào thăm và chăm sóc các tù nhân chính trị bị Pháp giam cầm tại lao Thừa Phủ (TP Huế), trong đó có cụ Võ Quang Nghiêm, thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bị tù đày ở nhà lao này từ năm 1947. Ông Bảo Hiền nhớ lại: “Lúc ấy, tôi thường xuyên vào thăm cụ Võ Quang Nghiêm và được cụ kể rất nhiều chuyện về gia đình, về con đường hoạt động cách mạng và lý tưởng mà cụ đã chọn”.

 

Đến năm 1949, cụ Nghiêm mất tại lao Thừa Phủ. Chính hoàng thân Bảo Hiền đã chôn cất cụ ngay trong khuôn viên nhà lao vì lúc đó cầu cống sập hoàn toàn nên ông không thể đưa đi chỗ nào khác an táng. “Hai năm sau, tôi mới đưa được hài cốt của cụ Nghiêm về an táng tại An Lăng. Sau ngày đất nước thống nhất, con của cụ Nghiêm là ông Võ Thuận Nho, em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã vào gặp tôi và đưa hài cốt của cụ về quê nhà an táng” - ông kể.

 

Bà Trần Thị Ngọt, vợ ông Bảo Hiền, còn cho biết vào Tết Mậu Thân năm 1968, một mình ông đạp xe quanh TP Huế đưa thi thể các chiến sĩ cách mạng và người dân vô tội đi chôn cất.

 

Lập án thờ vua yêu nước

 

Năm 1945, khi nghe tin vua Duy Tân tử nạn máy bay, ông Bảo Hiền đã lập một bàn thờ nhỏ đặt gần vua Dục Đức trong điện Long Ân ở An Lăng để nhang khói. “Lúc đó, dù không có tiền ăn cơm nhưng tôi vẫn cố gắng gom góp để làm cho ngài một bài vị. Tôi cảm thấy no vì đã thực hiện được ý nguyện của mình là thờ phụng gia tộc” - ông tâm sự.

 

Tháng 3/1953, sau 46 năm bị Pháp lưu đày, vua Thành Thái trở về Huế lần đầu tiên. Tới thăm An Lăng, vua Thành Thái vô cùng xúc động và tặng cho các bà phi tần câu “Tiết hạnh khả phong” vì họ xuống tóc tu tại gia, không chịu xuất giá. Sau này, ngôi nhà của các phi tần ở sát An Lăng được đặt tên theo câu của nhà vua ban tặng. Hơn một tháng khi vua Thành Thái ở Huế, ngày nào ông Bảo Hiền cũng đạp xe theo sau nhà vua tới thắp nhang cho tổ tiên, thăm các quan và hoàng thân quốc thích của mình. Ông Hiền cho biết vua Thành Thái chỉ đến thăm những người trung thành, yêu nước và không theo Pháp.

 

Một năm sau, khi nghe tin vua Thành Thái qua đời tại Vũng Tàu, dù thi hài chưa được phép đưa về quê an táng nhưng người cháu nội Bảo Hiền đã tìm đủ mọi cách lập một bàn thờ nhỏ trong điện Long Ân ở An Lăng. “Nhiều người rất kính trọng lòng yêu nước của nhà vua Thành Thái, Duy Tân nên tôi phải lập bài vị hai ngài để làm bình phong che chắn cho điện Long Ân khỏi bị phá” - ông Hiền tiết lộ.

 

Trước khi hài cốt vua Duy Tân được đưa về nước, một người Pháp trông coi nghĩa trang - nơi chôn cất thi hài nhà vua ở Cộng hòa Trung Phi - đã qua VN và tìm tới thăm ông Bảo Hiền. Sau khi được người này cho biết nhà vua được chôn cất ở đó, ông Bảo Hiền đã liên lạc với con trai vua Duy Tân là ông Georges Vĩnh San đang sống ở Pháp để tìm cách đưa hài cốt của ngài về Việt Nam. Đến ngày 28/3/1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về Paris  - Pháp để làm lễ cầu siêu tại Viện Quốc tế Phật học Vincennes và đến ngày 24-4-1987 được đưa về an táng tại An Lăng.

 

 “Khi đem được hài cốt của vua Duy Tân về Việt Nam, tôi xúc động lắm, cảm thấy lòng mình rất nhẹ nhõm vì những vị vua yêu nước đã được an táng ở quê nhà”- ông tâm sự.

 

 Người có công

 

Từ năm 2000 đến nay, hoàng thân Nguyễn Phước Bảo Hiền là Ủy viên Ban Chấp hành Ủy ban MTTQ phường An Cựu - TP Huế. Do có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc nên ông được Nhà nước tặng nhiều bằng khen.

 

 

Một đời hương khói ba vua  - 2
Ông Bảo Hiền (trái) giới thiệu về các vị vua được chôn cất ở An Lăng với đoàn lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Trung Phi đến tham quan năm 2009

 

 

Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch UBND phường An Cựu, nhận xét: “Ông Hiền là người có công lớn trong việc chôn cất các chiến sĩ cách mạng hy sinh. Nhờ vậy mà rất nhiều liệt sĩ hiện nay đã được Nhà nước quy tập về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ”.

 

Theo Quang Nhật

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm