1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bà Rịa - Vũng Tàu:

Một điều tra viên vòi tiền bị can

Bốn đối tượng tham gia một vụ trộm cắp sắt phế liệu bị bắt quả tang, được giao cho điều tra viên Trần Hữu Phúc, Công an huyện Tân Thành, thụ lý. Điều tra viên này đã ra giá ai muốn tại ngoại, xử án treo thì phải chi tiền...

Theo hồ sơ vụ án, vào ngày 2/9/2006, ba nhân viên bảo vệ của Công ty Yuki Sepre 24 gồm Nguyễn Vĩnh Cường, Trần Văn Quyền và Nguyễn Văn Tuấn bị Công an Tân Thành khởi tố, bắt giam vì lấy cắp 445kg sắt phế liệu của Nhà máy Vina Kyoei (Khu công nghiệp Phú Mỹ 1) - nơi các đối tượng này bảo vệ - mang đi bán. Cùng bị khởi tố trong vụ án có Nguyễn Duy Thông, người dân trong khu vực được Tuấn rủ tham gia chở sắt.

Gia đình một bị can cho biết: sau khi tạm giam các đối tượng, điều tra viên Trần Hữu Phúc ra giá ai muốn tại ngoại, được xử án treo thì phải chi 10 triệu đồng. Vì số tiền quá lớn, gia đình các bị can không kham nổi nên im lặng.

Sau vài ngày thấy không ai trả lời, ông Phúc chủ động gọi điện thoại cho cha của Nguyễn Vĩnh Cường (ở Vĩnh Long) lên thương lượng. Ngày 25/9, tại Công an Tân Thành, ông Phúc chấp nhận lấy 17 triệu đồng của hai gia đình Nguyễn Vĩnh Cường và Trần Văn Quyền, sau đó thả ngay hai bị can này.

Riêng Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục bị giam, dù Tuấn và Cường, Quyền cùng rủ nhau đi trộm, hành vi của Tuấn cũng không có tình tiết nào tăng nặng so với các bị can khác. Còn Nguyễn Duy Thông khi trao đổi với các gia đình Quyền, Cường thì Thông tiết lộ đã phải chi cho ông Phúc 10 triệu đồng để không bị giam.

Kết luận điều tra số 100 ngày 26/10/2006 (có chữ ký của điều tra viên Trần Hữu Phúc) cho biết hội đồng giám định kết luận giá trị của số sắt phế liệu bị đánh cắp (đã thu hồi trả cho chủ sở hữu) là 2.047.500 đồng. Lý do để cho ba bị can được tại ngoại là có chỗ ở rõ ràng, được gia đình bảo lãnh...

Không dừng lại ở đó, ngày 27/10 ông Phúc đã triệu tập ba bị can tại ngoại đến công an huyện để ký giấy tờ. Tại đây, một lần nữa ông Phúc ra giá: thêm mỗi người 10 triệu đồng để được xử án treo.

Theo giải thích của ông Phúc, số tiền hôm trước chỉ để lo cho tại ngoại, còn muốn xử án treo phải chi thêm, nếu không phải ở tù từ 1-2 năm. Ông Phúc buộc các bị can phải đưa tiền nội trong ngày 28/10 để đưa cho “bên kia”. Quá bức xúc trước hành vi của Phúc, gia đình bị can đã làm đơn tố cáo.

Ngày 30/10, Văn phòng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết giám đốc công an tỉnh vừa ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với thiếu úy Trần Hữu Phúc, yêu cầu giải trình, làm rõ các nội dung nêu trên.

Theo L.A.Đ
Báo Tuổi trẻ