1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một cựu binh Mỹ và mối tình với nữ quân nhân Việt Nam

30 năm trước từ Mỹ sang Việt Nam tham chiến, gần 30 năm sau, Vern Weiztel đến Việt Nam với tư cách là tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc. Ít ai biết anh có một mối tình thật đẹp với một nữ cựu chiến binh Việt Nam từng xung phong vào Nam đánh Mỹ...

Duyên nợ với Việt Nam bắt đầu vào năm 1971, khi Vern phải từ giã quê hương ở bang Washington D.C - Hoa Kỳ sang chiến trường miền Nam Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quân sự.

 

Lúc đó, Vern làm lính khí tượng, một công việc “hiền lành” không phải cầm súng bắn giết mà chỉ cung cấp những thông tin dự báo thời tiết. Hết nghĩa vụ quân sự, Vern về nước, song mảnh đất của những cơn mưa rào, những cánh rừng nhiệt đới... cứ ám ảnh chàng trai người Mỹ này.

 

Sau khi giải ngũ, Vern sang Australia học sinh học và nhân chủng học. Kịp có 2 bằng thạc sỹ rồi trở thành công dân Australia, năm 1989 Vern đến Hà Nội. Anh đến với quốc tịch Australia bởi vào những năm của thập kỷ 80 thế kỷ trước, người Mỹ chưa được chào đón ở Việt Nam, quan hệ giữa hai nước đang băng giá.

 

Hà Nội đã gieo vào tâm hồn của người đàn ông Hoa Kỳ này những tình cảm thật  ấm áp, khiến cho Vern cảm giác như trở về cố hương. Vern bắt tay vào nghiên cứu động vật linh trưởng, đi thực địa nhiều vùng miền núi và có những cuộc trao đổi khoa học với giáo sư Đào Văn Tiến, GS Võ Quý.

 

Mải mê nghiên cứu về khỉ, vượn, nhưng chính nhà nhân chủng học này còn là một trong những người đầu tiên đưa Internet tới Việt Nam.

 

Năm 1995, Vern bắt đầu triển khai Internet tại Hà Nội, lúc đó chỉ có 3 công ty để mắt tới lĩnh vực này. Đến năm 1997, internet mới dần được phổ cập. Cũng không phải ai khác ngoài Vern, đã đưa phông chữ Unicode “phủ sóng” tới các máy tính ở Việt Nam.

 

Năm 1998, nhà nghiên cứu linh trưởng Vern chính thức trở thành tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc ở tuổi gần năm mươi. Ở cái tuổi đó, người đàn ông Mỹ này vẫn nhiệt tình, hàng ngày hàng giờ cần mẫn góp phần vào sự phát triển của một đất nước mà Vern đã có duyên nợ cách đây hơn 30 năm.

 

Yêu nhau vượt... đại dương

 

Trong ngôi nhà của mình, Vern khiến chúng tôi phải phá lên cười nhiều lần bởi những câu nói đầy thông minh dí dỏm. Đôi mắt màu hạt dẻ của Vern thỉnh thoảng lại nhìn sang vợ, cái nhìn cho thấy họ đang yêu nhau và đang hạnh phúc.

 

Một cựu binh Mỹ và mối tình với nữ quân nhân Việt Nam - 1

Ảnh của chị chụp trong những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Vợ Vern - một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, ít ai biết rằng cách đây hơn 30 năm chị đã xung phong “xẻ dọc Trường Sơn”, vào miền Nam đánh Mỹ, nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Lào. Đó thực sự là một câu chuyện tình có một không hai, khi người cựu chiến binh Mỹ  yêu một người phụ nữ Việt Nam trước đây là bộ đội, họ từng ở hai chiến tuyến khác nhau. 

 

Một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng đã đề nghị dựng câu chuyện đầy chất tiểu thuyết của họ thành phim, nhưng chị từ chối. Chị từ chối để tránh đi những dị nghị khi người ta biết chị. Cũng vì thế mà chị đề nghị tôi không được nêu tên, chụp ảnh chị.

 

Năm 1992, tại Viện nghiên cứu khoa học nơi chị làm việc, thường xuyên xuất hiện một ông Tây cao to, gương mặt lúc nào cũng thường trực cái cười hiền hậu. Vern Weiztlel (tên ông Tây) hình như đang độc thân, sang đây có một mình...

 

Chị đã giúp đỡ Vern một số việc nhỏ mà có lẽ bất cứ người phụ nữ Việt Nam nào, với sự trắc ẩn vốn có, cũng sẽ làm. Như cái lần, Vern đi thực địa động vật  ở Tuyên Quang, bị dính sốt rét rừng. Đã trải qua trận sốt rét ở Trường Sơn, chị hiểu thế nào là sự khủng khiếp của những lần “rét run người vầng trán đẫm mồ hôi”.

 

Chị nấu cho Vern một nồi nước xông bằng lá thơm. Vern xông xong, uống một bát nước lá thơm, rồi tắm bằng chính  nồi nước ấy, tự nhiên cơn sốt rét lui dần. Nhưng có vẻ  khi cơn sốt rét lui, thì  con tim Vern lại bắt đầu lên “cơn sốt”.

 

Dường như, nồi nước lá xông của người phụ nữ Việt Nam nấu cho, đã làm dấy lên trong lòng người đàn ông Mỹ một cái gì đó lạ lắm. Nhưng với chị, đó chỉ là một sự giúp đỡ bình thường, không cần trả ơn. Trước khi về nước, Vern tặng chị chiếc áo choàng của mẹ gửi cho từ Mỹ.

 

Chị nhất định từ chối, nhưng sự tha thiết của Vern, đã buộc chị cũng đành phải cầm lấy cho anh vui lòng. Một thời gian sau, Vern đã tỏ tình. Bấy giờ chị mới biết, Vern yêu mình. Yêu nhau ...vượt cả đại dương, biết tấm lòng mình được đón nhận, Vern cũng khăn gói từ Autralia tới Hà Nội. Một năm sau họ làm đám cưới.

 

Ngôi nhà của họ nằm trên tầng 5 của một khu chung cư cũ kỹ ở phố Hà Nội. Đó thực sự là một tổ ấm bình yên, nơi hàng ngày Vern vẫn đi về bằng xe ôm để  được đắm mình trong không khí gia đình,  ngồi bên mâm cơm thuần Việt do người vợ hiền tự tay nấu lấy.

 

Cuộc sống của họ thật giản dị, nếu không nói là đạm bạc, đến mức có người còn nghĩ Vern là “Tây ba lô”. Cũng chẳng có gì lạ, bởi làm tình nguyện viên Liên Hợp Quốc không có lương, chỉ được cấp một ít tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống. Vern chẳng hề bận tâm tới điều đó, mặc dù Vern hoàn toàn có thể làm ở một nơi khác với mức thu nhập cao so với cả người Mỹ.

 

Nhưng với mảnh đất Việt Nam đầy duyên nợ này, anh chưa bao giờ có ý nghĩ sang đây để làm kinh tế. Chị đã chia sẻ với anh tất cả. Chị về hưu và ở nhà chăm lo cho cuộc sống gia đình. Vern vốn “đa mang” nhiều việc nên chị cũng phải ghé tay vào như một cô thư ký thực sự. 

 

Theo Phùng Nguyên
Tiền Phong