Một buổi chiều cùng “ông Đức rùa”
(Dân trí) - “Ông Đức rùa”, “nhà rùa học”, “con trai của thần rùa”… là những tên gọi trìu mến mà các đồng nghiệp, học trò và những người mến mộ ưu ái dành cho PGS. TS Hà Đình Đức, sau hơn 17 năm ông dành tâm huyết nghiên cứu về rùa hồ Gươm.
1. Hồ Gươm là trung tâm của Thủ đô Hà Nội, xanh màu xanh lục thuỷ, vốn là tên gọi xưa của hồ. Trong lòng hồ Gươm có cụ Rùa - nhân chứng lịch sử của huyền thoại Hoàn Kiếm từ thế kỷ 15, đang ngày đêm canh giữ thanh thần kiếm của Đức Long Quân đã từng giúp vua Lê đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập cho đất nước.
Chưa ai thống kê được có bao nhiều bài văn, thơ, nhạc, hoạ, bao nhiêu bức ảnh, thước phim ghi lại hình ảnh hồ Gươm. Một hoạ sĩ Nhật Bản khoe với một hoạ sĩ Việt Nam rằng ông ta đã vẽ hàng chục bức hoạ về núi Phú Sĩ (ngọn núi nổi tiếng đẹp nhất Nhật Bản) và nhận được ngay câu trả lời của hoạ sĩ Việt Nam: “Tôi đã vẽ hàng trăm bức hoạ về hồ Gươm”.
2. Những ngày đầu hè, hồ Gươm lại trở nên trong xanh hơn bình thường. Dẫu đã có chủ định từ rất lâu, những mãi đến dịp này tôi mới có cơ hội “giành giật” được trọn vẹn một buổi chiều của PGS. TS Hà Đình Đức, khi ông vừa bước chân vào phòng làm việc của mình nằm trong khuôn viên đền Ngọc Sơn.
Say mê như lên đồng khi nói về cụ rùa hồ Gươm, ông kể: “Tôi học tập và giảng dạy tại khoa Sinh học trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội). Tôi nhớ rõ cái ngày hôm đó, ngày 15/3/1991, khi đang đi dạo bên hồ Gươm, lần đầu tiên tôi trông thấy rùa hồ Gươm bơi lượn trên mặt hồ.
Không hiểu đó có phải là một điềm báo trước không mà sau đó, Sở Văn hoá - Thông tin Hà Nội mời tôi tham gia dự án “Khai thác hồ Gươm và bảo vệ đàn rùa quý”. Thế là tôi bắt đầu “công trình” bảo vệ rùa hồ Gươm từ đấy”.
Đầu năm 1992, Sở Giao thông Công chính Hà Nội có “Luận chứng kinh tế kỹ thuật tôn tạo các công trình kỹ thuật giao thông đô thị khu vực hồ Gươm”, bao gồm: các công trình cảnh quan; làm sạch hồ; giao thông; kè bờ hồ; kè đảo đền Ngọc Sơn với tổng kinh phí hơn 44 tỉ đồng. Trong đó có phương án nạo vét hồ Gươm bằng cơ giới với quy mô lớn, đào 100.000m2 bùn đổ ra sông Hồng và bơm nước sông Hồng vào hồ Gươm.
PGS. TS Hà Đình Đức sinh năm 1940 tại Thanh Hoá. Tốt nghiệp khoa Sinh vật Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1963, chuyên ngành động vật học, ông được giữ lại trường làm giảng viên cho tới nay. |
Bức xúc trước những nguy cơ tổn hại hồ Gươm, ông Hà Đình Đức gửi tờ trình lên Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nêu rõ: “… Công việc này có thể làm xáo trộn môi trường đang sống yên ổn xưa nay của loài rùa quý và có nhiều khả năng đưa chúng tới chỗ diệt vong”. Ông đề xuất phải nạo vét bằng phương pháp thủ công để tránh xáo trộn môi trường sinh thái của hồ.
Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi cơ quan chức năng TP Hà Nội yêu cầu chưa tiến hành nạo vét lòng hồ Hoàn Kiếm. Và hồ Gươm được tiến hành nạo vét bằng phương pháp thủ công.
Năm 1995, khi Bộ VH-TT ra quyết định công nhận di tích lịch sử đối với công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ bên hồ Gươm. Chỉ sau đó một năm, Bộ VH-TT và Tổng Cục Du lịch có công văn trình Thủ tướng xin phép xây dựng toà nhà trên diện tích gần 800m2 ngay sát khu tưởng niệm vua Lê Thái Tổ. Lo ngại di tích lịch sử này sẽ bị ảnh hưởng, ông Hà Đình Đức cùng Hội Khoa học lịch sử lại “đội đơn” kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.
Tháng 6/1996, Bộ VH-TT và Tổng Cục Du lịch phải huỷ bỏ dự án này. Năm 1998, khu di tích lịch sử vua Lê được tiến hành tôn tạo và khánh thành vào năm 2000, là một trong những công trình Chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
3. Ngay từ khi nghiên cứu rùa hồ Gươm đến nay, PGS. TS Hà Đình Đức đã phải “va chạm” với nhiều người, nhiều người bảo ông “mua dây buộc mình”. Nhưng “nói phải củ cải cũng nghe”, chính vì thế mà ông Đức chưa hề thất bại bất cứ điều gì trong chuyện đấu tranh cho hồ Gươm và rùa hồ Gươm.
Có những hội nghị mà chỉ có một mình ông Đức không đồng tình với ý kiến chung, phản đối kịch liệt, ai cũng ngỡ ông “thua”, thế mà ông lại “thắng”, lại bảo vệ được ý kiến của mình. Với “ông Đức rùa”, cho dù ai, dù ở đâu, cứ nói lơ mơ, nói sai về hồ Gươm và rùa hồ Gươm là ông mắng ngay.
Chưa bao giờ ông cảm thấy nao núng, mệt mỏi về công việc, về sự đấu tranh bảo vệ cảnh quan, loài rùa hồ Gươm. Tự thân ông thấy quá gắn bó với “sự nghiệp” này, không dứt ra được. Lúc nào trong đầu ông cũng thường trực những thông tin về hồ Gươm và rùa hồ Gươm.
4. Không ít người “tưởng bở” rằng làm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, quốc tế quan tâm lắm, “rót” tiền về nhiều lắm. Mà mình ông Đức “một khoảng trời riêng” như vậy thì tiêu tiền vào đâu cho hết! Ấy là tưởng vậy thôi, đến nay, sau hơn 17 năm nghiên cứu về rùa hồ Gươm, PGS. TS Hà Đình Đức cũng mới chỉ là một nhà khoa học đủ ăn chứ chưa được gọi là giàu có.
Ngày ngày ông vẫn đi dạy học bằng chiếc xe Cup 82 cũ kỹ. Điều đáng trân trọng ở nhà khoa học này là kể cả khi không được cung cấp tiền và khi không có dự án, ông vẫn dốc tâm, dốc sức vào cái nghiệp của mình. Cuộc sống cứ xoay vần, thêm bớt nhưng một nhà khoa học như ông cứ cắm cúi, mải miết với cái nghiệp của mình, để trở thành “người có công bảo vệ 2 hồ (hồ Gươm và hồ Tây) cho Hà Nội” - như lời GS Vũ Khiêu từng nói.
Vũ Văn Tiến