1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Liên tiếp các vụ xâm hại học trò:

Một bộ phận giáo viên thiếu kỹ năng ứng xử!

(Dân trí) - “Nếu chúng ta đặt nặng vấn đề trẻ em, thiếu niên, vị thành niên đang thiếu kỹ năng sống thì một bộ phận người thầy cũng đang thiếu những kỹ năng ứng xử” - TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình lí giải nguyên nhân của một “chuỗi” những vụ việc giáo viên có hành xử xâm hại đến học trò làm “nóng” dư luận thời gian qua.

Hàng loạt vụ việc như thầy giáo bắt học trò quì đất bò quanh lớp, bắt học trò liếm ghế, giựt tóc học trò hay chuyển học trò cho công an xã hỏi cung chỉ vì nghi ngờ học trò lấy chưa đầy 50 ngàn, thậm chí chuyện thầy giáo gạ tình... nối tiếp nhau xuất hiện trên báo chí. Nếu bàn về mức độ của vấn đề này, ông có thể nói gì?

Nhìn vào những vụ việc đó, nhiều người có thể “phán” một câu là vấn đề đã đến mức báo động hay phổ biến, xuống cấp… Tôi cho là khoan hãy nói những điều đó, mặc dù khi tiếp cận vấn đề, tùy mỗi người có thể bày tỏ sự đau đớn, xót xa. Nhưng chúng ta không nên có cái nhìn quá bi quan. Đừng coi việc đó là khủng khiếp mặc dù bài toán phải giải của cả xã hội là làm sao để hiện tượng đó phải giảm đi, học đường phải là môi trường mẫu mực.

Thực tế, số lượng các vụ việc cụ thể có sự bùng nổ nào đó nhưng tôi vẫn nghiêng về ý kiến, sự nhạy bén của giới truyền thông, sự quan tâm của dư luận hiện nay đã khác hơn so với trước kia. Chính vì thế, các vụ việc xâm phạm vào những chuẩn mực đạo đức xã hội, đặc biệt là những giá trị của khu vực giáo dục (môi trường rất mô phạm, rất kiểu mẫu) được phản ảnh nhiều hơn, kịp thời hơn, có sức tạo nên sự phẫn nộ của cả cộng đồng.

Đi vào trường hợp cụ thể, vụ việc em học sinh bị giao cho công an xã vì bị nghi ngờ lấy trộm 47.800đ, nếu chỉ đơn thuần là hành động manh động, nhất thời của một cá nhân thì còn có thể dễ lí giải. Nhưng thật khó hiểu khi sự việc đã “chạy” qua rất nhiều khâu và liên quan đến nhiều người, trong đó có cả hiệu trưởng và giáo viên phụ trách đội mà cuối cùng vẫn không có một sự “ngăn lại” nào?

Tôi cho rằng trường hợp này có rất nhiều người, nhiều tầng cùng xử trí một vụ việc, cứ coi như là việc hổêu lầm, thì vẫn là rất nghiêm trọng. Rõ ràng ở đây có những việc vượt “ngưỡng” bởi những vấn đề thuần túy quan hệ học đường, giữa thầy và trò, mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể lớp rất nhỏ, học sinh nhỏ tuổi thôi mà lại viện dẫn đến chính quyền, đến ông công an xã, thậm chí có cả việc “ép cung”.

Trong chừng mực nào đó, vụ việc thể hiện sự rối loạn, bất bình thường trong đời sống học đường. Người ta đã dùng những công cụ của chính quyền để làm cho “ra lẽ” một việc mà đáng ra nội bộ học sinh có thể giải quyết được. Lẽ ra, nếu vẫn có tồn nghi thì hoàn toàn có thể gác lại để sau giải quyết tiếp chứ không nhất quyết phải “thổi phồng” lên như một việc rất ghê gớm, nhất quyết phải giải quyết xong trong một sớm một chiều.

Có một điều đáng nói là khi vụ việc cụ thể nào đó chưa lắng xuống, chưa khiến nhiều người nguội lòng thì vụ việc khác lại nổi lên. Điều này khiến cho không ít người ngờ rằng, nhiều giáo viên đã không đọc báo, không xem truyền hình, không hề bị tác động của dư luận để điều chỉnh?  

Tôi cũng nghi ngờ việc người ta đã không đọc báo, không xem truyền hình. Có thể là người ta vẫn đọc báo, nghe đài nhưng vấn đề là việc đó “vào” thế nào, mức độ chuyển hóa như nào để trở thành tri thức, rồi từ tri thức thế nào để thành những hành xử đúng chuẩn lại là chuyện khác. Người ta đọc ra, nói ra, phát biểu ra trong những tham luận ở hội nghị này hội nghị khác toàn đúng nhưng đến khi hành xử vẫn sai.

Nếu chúng ta đặt nặng vấn đề trẻ em, thiếu niên, vị thành niên đang thiếu kỹ năng sống thì một bộ phận người thầy cũng đang thiếu những kỹ năng ứng xử. Có thể người ta nói rất chuẩn, giảng rất chuẩn những bài học giáo lý trên lớp nhưng hành xử vẫn không chuẩn. Ở đây đặt ra vấn đề bên cạnh chữ tâm cần có kỹ năng, làm thế nào để hiểu đúng những vấn đề đó để không mang tính giáo lý, lý thuyết mà phải là công việc hàng ngày.

Cũng phải xem xét vấn đề từ bên trong ngành giáo dục. Đã có những ý kiến cho rằng ngành giáo dục thời gian vừa qua đã rất chú trọng tới việc trang bị kiến thức, phương pháp dạy học trên lớp, nhưng lại bỏ rơi việc trang bị kỹ năng hành xử, kỹ năng sư phạm?

Ý kiến này cũng đúng. Ngay trong ngàng giáo dục, bản thân họ cũng đã tự chỉ ra căn bệnh thành tích. Phải chăng căn bệnh này khiến người ta suốt ngày chỉ lo làm tròn các con số, lo cung cấp những con số thành tích. Khi đã chạy theo thành tích như vậy, người ta lãng quên rất nhiều vấn đề ở bên trong, ở chiều sâu của nó.

Cái thuộc về chiều sâu thì rất khó chứng minh và người ta chỉ cố chứng minh những biểu hiện bề nổi. Những việc thuộc về nhân cách, đạo đức của người thầy, chuẩn mực hành xử của người thầy dường như bị gác lại một bên. Người ta vẫn nghĩ về những cái đó, vẫn nói về nó nhưng chỉ trên bình diện hình thức mà không đi vào chiều sâu của mối quan hệ giữa người với người. Cái đó rõ ràng có thể xem như một biểu hiện buông lỏng, xem nhẹ.

Theo ông, vấn đề có nghiêm trọng đến mức phải tiến hành gấp hoạt động tập huấn hay chương trình chuyên đề về hành xử của giáo viên?

Không nên dùng chữ “tập huấn”. Nhưng nên chăng, từ những sự kiện gần đây, đã có sẵn sự thu hút, quan tâm của dư luận xung quanh mối quan hệ thầy trò, trường lớp, ngành giáo dục cũng cần thiết phát động một chương trình nào đó, chương trình vận động xã hội để khôi phục lại niềm tin của giáo giới. Thêm nữa, phải đi vào nội hàm của khẩu hiệu “dạy thật tốt, học thật tốt” của Bác Hồ.

Không đến mức phải có một bài học, rồi ngồi thuyết giảng a,b,c về việc phải làm thế nào, hành xử thế nào vì từ khi bước vào nghề, họ đều đã phải ý thức về lời thề tâm đức của mình rồi.

Cấn Cường - Phương Thảo
(Thực hiện)