1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Moong Lồ hay chuyện về con hổ kỳ vĩ nhất Đất Việt

Trong tiềm thức người Việt cổ, loài hổ hiện thân của các thế lực thiên nhiên, gần gũi mà cũng là tai họa khủng khiếp. Hơn hết là Moong Lồ - con mãnh hổ kì vĩ còn ghi dấu ấn đến tận hôm nay...

Trong bộ sử thi đồ sộ "Đẻ đất đẻ nước" tìm thấy ở các vùng mường cổ của Thanh Hóa và Hòa Bình, có dành một thời lượng lớn kể về chuyến đi tìm "cây chu đá lá chu đồng bông thau quả thiếc" hết sức li kỳ, gian khổ và huyền bí. Cây chu được đốn hạ, vận chuyển về, trở thành cội nguồn của sự giàu sang cho nhà Chu ở Đồng Chì Tam Quan Kẻ Chợ. Biểu tượng tột đỉnh của sự giàu sang được thể hiện ở ngôi nhà lang nguy nga, kỳ vĩ, kinh đô của vua trong các vua.

Người có công tìm thấy cây chu này là chàng thợ săn có tên Tặm Tạch. Chàng đến đồi Lai Li Lai Láng có cây chu, nhặt về ít lá quả huyền thoại và trở nên giàu sang. Quan lang bèn bắt Tặm Tạch đưa đường đến nơi, rầm rộ tổ chức đốn hạ cây chu để đưa về Kẻ Chợ làm của riêng. Tặm Tạch bị giết để lấy máu bôi vào rìu, róc xương làm thanh đà thì công cuộc chặt cây chu mới hoàn thành.

Tại Kẻ Chợ, quan lang trở nên giàu có nhất thiên hạ, bèn cho xây ngôi nhà lang nguy nga để khoe sự giàu sang, phồn thịnh. Khi khánh thành, quan lang bày bữa tiệc mừng nhà mới thật sang trọng, nườm nượp khách ra vào say sưa.

Moong Lồ hay chuyện về con hổ kỳ vĩ nhất Đất Việt - 1
Địa tầng hang Con Moong lưu giữ các di vật chứng minh con người đã cư trú liên tục tại đây suốt 6 vạn năm

Hai đứa con mồ côi cha của chàng thợ săn Tặm Tạch lại bị nhà lang đối xử tàn tệ trong cuộc say sưa mừng nhà mới này. Lang coi chúng như những con chó hoang, bắt hầu hạ vất vả, quẳng cho miếng xương nào thì được nhặt lấy. Chúng kêu xin thì lại thẳng tay đánh đòn. Căm hận quá, đám con của Tặm Tạch bèn buộc lửa vào đuôi mèo, đuôi khỉ, xua chúng lên mái nhà, làm cháy rụi ngôi nhà lang. Nhà lang nổi giận giết thằng Tặm, thằng Tạch. Hồn thiêng của chúng biến thành con Moong Lồ (con hổ khổng lồ, theo tiếng Mường cổ).

Moong Lồ ngày càng to lớn, hung dữ, tàn phá khủng khiếp, bắt người ở khắp các mường về ăn thịt. Càng ăn nhiều thịt người, chúng càng to lớn nhanh chóng và bội phần hung dữ. Thân chúng cao như những ngọn núi, khi nằm cũng cao như ngọn đồi. Mỗi bước đi của nó, cây rừng cao cũng không chạm đến bụng. Nó ăn thịt người khắp các vùng miền gần Kẻ Chợ, khiến người người khiếp sợ.

Nhà lang buộc phải kêu gọi tất cả các mường đem hết thợ giỏi, chó săn, cung nỏ và vũ khí về, tổ chức một cuộc săn Moong Lồ cực kỳ quy mô. Người ta phát hiện thấy con Moong Lồ thường ẩn náu nơi vùng đất giữa Lạc Sơn, Lạc Thủy, Cẩm Thủy, Thạch Thành hiện nay, tức là sơn hệ Pù Luông - Cúc Phương hùng vĩ.

Người đông thế mạnh, con Moong dù có sức mạnh hủy diệt, da đồng móng thép cũng chống đỡ không nổi, buộc phải chạy dài. Hành trình trốn chạy của con Moong Lồ hiện nay còn hiện hữu trong các địa danh và các câu chuyện phủ đầy huyền thoại, từ trong đất Thanh Hóa qua khắp các mường của Hòa Bình. Đâu là nơi con Moong bị thương, đâu là nơi nó tẩu thoát, đâu là nơi Moong dừng chân uống nước..., vẫn còn trong kí ức của người địa phương. Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" còn được lưu truyền đến tận ngày nay trong các mường cổ xưa, thông qua những buổi trình diễn sử thi quy mô và gần gũi tại mỗi gia đình như thế.

Moong Lồ hay chuyện về con hổ kỳ vĩ nhất Đất Việt - 2
Người dân vẫn sinh hoạt và sản xuất dưới chân hang Con Moong

Không biết những người săn đuổi phải kì công suốt bao nhiêu ngày, đổ bao nhiêu xương máu, con thú phải chạy bao vạn sải, rồi cuối cùng bị dồn về vùng Mường Khến (nay thuộc huyện Tân Lạc, Hòa Bình). Nơi nó tuyệt vọng bỏ xác chính là hai hẻm núi lớn hiện nay, mà quốc lộ 6 đang chạy qua. Nguyên nhân chỉ vì thân xác con Moong khổng lồ quá mà mắc kẹt trong hẻm núi, không xoay xở chống trả được. Trong những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Moong Lồ, nó tát một cú khủng khiếp với vết chân trước hằn sâu vào vách đá. Dấu chân khổng lồ và kì dị ấy hiện vẫn còn trên vách núi Tô Khái ở xóm Cộng (xã Quy Hậu).

Câu chuyện "Đẻ đất đẻ nước" vẫn được thầy mo Bùi Văn Lựng ở Mường Bi kể trong mỗi đêm mường tổ chức buổi mo. Thầy mo Bùi Văn Lựng ở xã Phong Phú (Tân Lạc) danh tiếng thuộc hàng bậc nhất xứ Mường, có thể diễn xướng thâu đêm suốt sáng cả tuần với gần 10 ngàn câu mo Mường "Đẻ đất đẻ nước", từng đem "chuông" sang châu Âu biểu diễn. Đây vốn là trung tâm của Mường Bi cổ xưa, đứng đầu 4 mường lớn của tỉnh Hòa Bình.

Thầy mo Lựng sang sảng đọc những đoạn mo Mường kể chuyện đi săn con Moong của người xưa. Chuyện săn Moong được kể rất sinh động, chi tiết, đầy đủ. Dấu tích của con Moong (còn có tên gọi khác là Tìn Vìn Tượng Vượng) hiện nay vẫn còn rất đậm nét trên xứ Mường Hòa Bình và vùng thượng du sông Mã. Một cuộc đi săn kỳ vĩ với lượng người tham gia và đàn chó săn lớn chưa từng có, để bắt một con thú khổng lồ. Bị tất cả dân Mường dồn đuổi, con Moong chạy đến đất Mường Khến này. Khi đi qua khe núi, cơ thể nó quá to lớn nên bị mắc kẹt lại giữa hai dãy núi đá, như kiểu lươn chui vào ống tre. Dân Mường thừa cơ phóng lao bắn tên mà giết nó...

Cuộc chia công sau chuyến săn Moong Lồ ấy cũng còn đậm đặc dấu vết trong văn hóa của dân địa phương. Người ta kể, những mảnh da của nó được người Kinh, người Thái... đem về, học theo mà tạo ra nghề thêu váy, dệt vải. Xương xẩu của Moong Lồ còn lại hóa thành những đồi đá nhỏ trong vùng. Máu của nó cũng hóa thành các loài quái thú khác, gây trở ngại vô cùng cho con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, khai khẩn lập bản và ổn định cuộc sống mường bản.

Moong Lồ hay chuyện về con hổ kỳ vĩ nhất Đất Việt - 3
Thầy mo Bùi Văn Lựng có thể kể hàng chục ngàn câu sử thi về Con Moong và những dấu tích săn hổ khổng lồ trên đất Mường

Sau cuộc săn hổ khổng lồ ấy, các quan lang luận công ban thưởng: Công lao trong cuộc săn Moong lớn nhất thuộc về Mường Bi, Mường Vang rồi đến Mường Thàng, Mường Động. Vậy nên, hiện nay xứ Mường Ngoài có câu "nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động" là xác định công lao đóng góp của mỗi mường trong công cuộc đi săn ấy, sau này tạo nên vị thế cho mỗi vùng mường.

Tôi từng có nhiều cuộc điền dã qua những dấu vết của Moong Lồ còn để lại, để thử vén bức màn huyền thoại ấy mà soi sáng chút gì còn sót lại của một thời văn hóa xứ mường. Nơi cư trú cuối cùng của nó chính là hang Con Moong ngày nay, tại xã Thành Lâm (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), một di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng của thế giới, lưu giữ những chứng cứ đặc biệt về nền văn hóa đã mất về nơi quần cư liên tục của người thời tiền sử từ khoảng 6 vạn năm trước. Đây là vùng đất thâm sơn cùng cốc còn tương đối hoang sơ, có rất nhiều gian khó và trở lực từ sức mạnh của tự nhiên đối với cuộc sống thường nhật.

Ngày nay, người dân địa phương cũng ngại ngần không dám gọi thẳng tên "con hổ khổng lồ" khi đọc tên hang, mà chỉ gọi chung chung là hang con thú. Nhưng, dấu tích mà các nhà khảo cổ phát hiện từ địa tầng hang Con Moong và các vùng phụ cận rộng gần 1.000 hecta suốt gần 50 năm qua đã chứng minh, đây là nơi cư trú lâu đời và liên tục của loài người suốt 6 vạn năm qua, giữa thiên nhiên hùng vĩ và khắc nghiệt. Nền văn hóa rực rỡ đã mất được thể hiện phần hồn trong sử thi "Đẻ đất đẻ nước", thông qua cuộc đời khốn khổ của con Moong Lồ - con hổ kỳ vĩ nhất của người Việt cổ.

Moong Lồ hay chuyện về con hổ kỳ vĩ nhất Đất Việt - 4
Mường Bi, nơi có chiến công lớn nhất trong cuộc săn hổ khổng lồ - Con Moong

Tôi cũng từng ngắm nghía, đo đạc rất nhiều lần nơi dấu chân hổ để lại trên vách đá núi Tô Khái (con hổ) ở xã Quy Hậu. Đó là một vết lõm sâu rất sinh động, in rõ mồn một "bàn tay" của con hổ, với các mấu thịt và móng vuốt. Một bàn tay rộng chừng mấy chiếc chiếu gộp lại, in sâu trên lung chừng núi cao, cho thấy tầm vóc khổng lồ và sức mạnh phi thường của mãnh thú Moong Lồ. Và người dân nơi đây vẫn chưa từng hết tự hào về chiến công chinh phục con Moong Lồ, biểu tượng hùng vĩ và khắc nghiệt của thiên nhiên thuở hồng hoang của loài người.

Tín ngưỡng thờ hổ của người Việt cổ có từ hàng ngàn năm trước, vừa để cầu an, vừa để giảm tránh những tai họa khủng khiếp đối với con người trong công cuộc khai hoang mở cõi, an cư lạc nghiệp. Cũng như loài rắn, hổ là biểu tượng của sự khắc nghiệt, gian khó từ tự nhiên đối với con người trong công cuộc này. Hơn tất cả, bộ sử thi "Đẻ đất đẻ nước" đã khắc họa sinh động và hùng tráng cuộc đời của Moong Lồ, con mãnh hổ kỳ vĩ nhất mà người Việt cổ có thể tưởng tượng ra từ buổi bình minh của loài người.

Theo Lê Quân

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm