“Mong điều hành Quốc hội tăng hơn tính phản biện”
(Dân trí) - Có cử tri mong muốn Chủ tịch Quốc hội điều hành Quốc hội cần tăng hơn tính giám sát, tính phản biện; cũng có cử tri nhắn nhủ đại biểu Quốc hội đừng để người dân cho rằng, nếu ở vị trí của đại biểu, họ có thể chất vấn hay hơn…
Rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội, của Quốc hội đã được trao đổi thẳng thắn trong buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại quận Ba Đình, Hà Nội sáng 14/10.
Ai cũng muốn kiểm điểm như vậy!
Liên quan đến các vấn đề bức xúc của đời sống, cử tri Nguyễn Đăng Khoa (phường Phúc Xá) cho rằng, dự án Thành phố 2 bên sông Hồng động chạm đến 39 ngàn hộ dân đang như một dự án “treo”, khiến người dân phải sống trong sự tạm bợ. Cũng theo ông, dự án đã thăm dò ý kiến dư luận vài lần, nhưng lại chưa hề lấy ý kiến của người dân nằm trong dự án.
Chuyển sang vụ việc “con voi chui lọt lỗ kim”, tức vụ việc Cong ty Yến Long tùy tiện xây dựng biệt thự trên đất nông nghiệp tại huyện Từ Liêm, thành phố đã chỉ đạo phá dỡ, ông Khoa đặt vấn đề: tài sản của công ty này cũng là của nhân dân, nhưng tại sao chưa thấy cán bộ nào bị phạt tiền công do để xảy ra việc xây trái phép.
Liên quan đến việc “ký vội” 37 dự án tại 4 xã của Hòa Bình trước khi về Hà Nội, vị cử tri này cho rằng, chỉ “kiểm điểm nghiêm túc” là chưa được và theo ông, ai cũng muốn kiểm điểm như vậy!
Về vấn đề sân golf, cử tri Trần Đình Phong cho rằng, thực chất việc này là lấy đất, lấy tư liệu sản xuất của người dân để kinh doanh. Do vậy, không thể đền bù như đất nông nghiệp, phải đền bù như đất… mặt phố. Từ đó, cử tri này đề nghị, phải xem lại chủ trương đối với vấn đề sân golf.
Trước đó, cử tri Nguyễn Đăng Khoa cũng nhìn nhận, không ít dự án sân golf thực chất là tiêu cực. Bởi lẽ, các dự án này lấy tư liệu sản xuất của người dân rồi làm sân golf trá hình để làm giàu bất chính.
Những vấn đề “nóng” người dân đặt ra trên đã được Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Thành phố Hà Nội, lãnh đạo quận Ba Đình ghi nhận. Riêng với dự án Thành phố hai bên bờ sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Văn Khôi, cho biết Chính phủ đã cho phép chuyển sang giai đoạn 2 (nghiên cứu chi tiết) và giai đoạn này sẽ tiếp tục lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học.
Nếu ở vị trí đại biểu, có thể chất vấn hay hơn?
Chuyển sang hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Danh (phường Trung Trực) cho rằng, chất vấn trong Quốc hội đã có nhiều chuyển biến tốt, tạo niềm tin cho nhân dân. Tuy nhiên, theo ông Danh, phải làm sao để trả lời của các thành viên Chính phủ phải rõ ràng hơn.
Thêm nữa, việc xử lý các vấn đề sau chất vấn của các Bộ trưởng phải được coi trọng hơn nữa. “Chỉ nhận khuyết điểm thì ai cũng có thể nhận được, tôi cũng nhận được”, ông Danh nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến hoạt động của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Phi Long (phường Điện Biên) nhìn nhận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều hành Quốc hội rất nề nếp. Nhưng ông Long cũng mong muốn, “Chủ tịch Quốc hội trong điều hành, cần tăng hơn tính giám sát, tính phản biện”.
Về chất vấn, theo ông Long nên tập trung hơn và phải truy đến cùng. Cử tri này cũng gửi gắm đến đại biểu Quốc hội “đừng để người dân thất vọng, đừng để người dân cho rằng, nếu ở vị trí của đại biểu, họ có thể chất vấn hay hơn”.
Từ thực tiễn theo dõi các kỳ họp Quốc hội ông Long cũng đưa ra tổng kết của mình: phiên khai mạc, phiên chất vấn thường đông đủ các đại biểu, nhưng các phiên họp khác, kể cả phiên chất vấn thường trống… nhiều ghế.
Theo ông, người dân bầu ra đại biểu, nhưng đại biểu như vậy là còn thiếu trách nhiệm với dân. Từ đó, cử tri này đề nghị: “những đại biểu nào vắng mặt nhiều, không nên tham gia Quốc hội”.
Trước băn khoăn của cử tri, Chủ tịch Quốc hội phân trần, 70% đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, trong đó nhiều vị là Chủ tịch, Bí thư các tỉnh, Bộ trưởng… còn có nhiều việc khác. Do vậy, dù hàng ngày, các đoàn đại biểu đều báo cáo danh sách, nhưng cũng phải chấp nhận ở một chừng mực. Hướng giải quyết theo ông Trọng là tới đây sẽ tăng thêm đại biểu chuyên trách.
Liên quan đến việc thực hiện lời hứa, ông Trọng cho rằng, các Bộ trưởng đã phải báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp kế tiếp. Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, như vậy vẫn “chưa ăn thua lắm”, còn phải làm tích cực hơn nữa, thậm chí Quốc hội phải ra Nghị quyết sau chất vấn…
Cấn Cường