"Món quà quý" của quân dân Quân khu 4 gửi chiến trường Điện Biên Phủ
(Dân trí) - Số đạn pháo thu được từ quân địch, vượt hàng nghìn km dưới mưa bom bão đạn kịp thời chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận "là món quà quý báu của Liên khu 4".
Lấy vũ khí địch đánh địch
Tại khuôn viên Bảo tàng Quân khu 4 hiện trưng bày khẩu lựu pháo 105 ly. Thời gian, kinh qua những trận chiến đấu khiến khẩu pháo không còn nguyên vẹn, đôi chỗ gỉ sét, những vết đạn vẫn hằn rõ. Sau những tháng ngày đóng góp cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, khẩu pháo nằm đó như một chứng tích của lòng quả cảm và phương châm “lấy vũ khí địch đánh địch” của quân và dân ta.
Theo Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành – Cán bộ tuyên truyền Bảo tàng Quân khu 4, đây là khẩu pháo do Mỹ sản xuất, viện trợ cho Pháp sử dụng trong chiến tranh Đông Dương.
Cuối năm 1953, để kéo giãn đội hình quân đội Pháp ở Việt Nam, ta mở chiến dịch Trung Lào – Hạ Lào buộc địch phải phân chia lực lượng chống đỡ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Sư đoàn 325 – là sư đoàn chủ lực của Liên khu 4 dồn quân ra phía Bắc mở các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Trung Lào nhằm lôi kéo, chia cắt lực lượng địch để dãn quân chủ lực của Pháp ở Việt Bắc.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, lực lượng chủ lực là các đơn vị Sư đoàn 325 Liên khu 4 phối thuộc với các đơn vị địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh theo đường cửa khẩu số 8 (Hà Tĩnh) chiến đấu ở Trung Lào. Phát hiện cuộc hành quân này, ngay lập tức Pháp cho chi viện người và vũ khí cho các cứ điểm ở đây.
Trong cuộc tấn công vào đồn Khăm He (tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào), Tiểu đoàn 274 và Tiểu đoàn 232, Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu, sau 1 giờ đã tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch.
“Điều bất ngờ là tại cứ điểm này Pháp đã tăng cường 1 đại đội 4 khẩu lựu pháo M105 ly. Chúng ta đã thu giữ toàn bộ pháo và đạn pháo, trong đó có khẩu lựu pháo M105mm M2A1 số hiệu NO.16258 đang trưng bày ở đây cùng với gần 1.000 viên đạn pháo 105 chưa sử dụng. Đây là loại vũ khí do Mỹ viện trợ cho quân viễn chinh Pháp vào năm 1953 để thành lập các binh đoàn chủ lực cơ động trong chiến tranh ở Đông Dương”. Thiếu tá Hoành thông tin.
Số pháo và đạn pháo này đối với ta lúc này cực kỳ quan trọng. Trong cuốn hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết rất rõ, Việt Nam lúc này có 24 khẩu pháo 105mm nhưng rất đói đạn vì ta chưa sản xuất được đạn. Chúng ta chỉ được nước bạn viện trợ hơn 10 nghìn viên đạn, và số đạn thu được trong kho của địch ở Cao Bằng, Hòa Bình khoảng 7-8 nghìn viên. Càng về cuối chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 thì đạn pháo càng khan hiếm.
Lựu pháo M2A1 105mm chính là vũ khí hạng nặng đầu tiên của quân đội Việt Minh làm nên những chiến thắng lừng lẫy dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận Điện Biên Phủ.
Bước vào giai đoạn bao vây, lấn diệt đạn thiếu đến nỗi, trong hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Bộ chỉ huy mặt trận buộc phải quy định lại việc sử dụng đạn dược: Bắn quá ba viên 105 phải xin phép Tham mưu trưởng; quá mười viên phải xin phép Tổng tư lệnh”.
Pháo đói đạn nghĩa là giảm khả năng tấn công với các mục tiêu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Bởi vậy, khi nghe báo cáo về số chiến lợi phẩm thu được ở chiến dịch Trung Lào, ngay lập tức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bức điện cho Liên khu 4, yêu cầu “vận chuyển khẩn cấp hàng ưu tiên số 1 đạn pháo và pháo ra Điện Biên Phủ”.
Món quà quý báu của Liên khu 4
Từ Khăm Muộn (Lào) 4 khẩu pháo này được đưa về Liên khu 4. Theo yêu cầu của Tổng tư lệnh mặt trận, toàn bộ vũ khí thu được ngay lập tức chuyển ra mặt trận, ưu tiên đưa đạn lên trước. Cơ số đạn pháo này được chia làm 2 đợt vận chuyển, mỗi đợt 450 viên.
Trong đợt 1, 450 viên đạn lựu pháo được cho lên xe đạp thồ vận chuyển bằng đường chiến lược theo đường 15, qua Nghệ An, Thanh Hóa, ngược lên Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu khẩn trương. Chuyến đầu tiên đã kịp nhập kho trước giờ nổ súng để cung cấp đạn cho cuộc tổng tiến công ở Điện Biên Phủ. Số đạn lựu pháo còn lại cũng kịp vận chuyển ra phục vụ chiến dịch.
“Những viên đạn pháo thu được từ Trung Lào, vượt qua hàng nghìn km đường rừng hiểm trở trong một thời gian rất ngắn. Những người con của vùng đất Liên khu 4, cụ thể là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bằng đôi vai của mình, bằng tinh thần của mình, bằng những nỗ lực vượt hiểm nguy để vận chuyển kịp thời cho chiến dịch Điện Biên”, Thiếu tá Nguyễn Hữu Hoành thông tin.
Về số đạn pháo này, trong hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đây là món quà quý báu của hậu phương Liên khu 4 cho chiến dịch Điện Biên Phủ”.
4 khẩu lựu pháo cũng chia làm 2 đợt để đưa ra chiến trường Điện Biên. Đợt đầu 2 khẩu đưa lên xe bò vận chuyển, đến ngã 3 Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) bị địch ném bom và hư hỏng. 2 khẩu đợt 2 ra đến Ninh Bình thì chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, sau đó được trang bị cho Trung đoàn 95, tham gia chiến dịch Non Nước ở Ninh Bình. Đây cũng là chiến dịch phối thuộc mở rộng vùng giải phóng sau chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 1970, khẩu lựu pháo 105 ly M2A1 số hiệu NO.16258 được tặng lại Bảo tàng Quân khu 4 để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử.
Hoàng Lam