1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mọi vấn đề dân quan tâm đều được gửi đến Thủ tướng

(Dân trí) - Một tuần nữa mới đến ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại trực tuyến với dân (9/2) nhưng đến nay đã có hơn 8.000 câu hỏi được gửi đến. Cuộc đối thoại dự kiến sẽ chỉ diễn ra trong 2 giờ nên các câu hỏi sẽ được chọn lọc kỹ, song tinh thần là không né tránh những câu “nhạy cảm”.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, do thời gian có hạn nên Ban tổ chức sẽ chọn ra những câu hỏi tiêu biểu nhất để chuyển đến Thủ tướng.

 

Các câu hỏi còn lại sẽ được Thủ tướng chỉ thị cho các thành viên Chính phủ luân phiên trả lời trực tuyến trên website của Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan báo chí điện tử khác.

 

Câu hỏi gửi Thủ tướng sẽ được lựa chọn dựa trên tiêu chí về mức độ quan tâm, số lượng người hỏi cho mỗi vấn đề được nêu ra. Chính độc giả trong và ngoài nước là người bình chọn câu hỏi nào sẽ được đặt lên bàn Thủ tướng thông qua hệ thống bình chọn trên website Chính phủ .

 

Hiện có 5 vấn đề được độc giả tập trung gửi nhiều câu hỏi là:

 

1. Làm thế nào để có một nền hành chính phục vụ như mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm 2007? Các giải pháp cho vấn đề phân cấp, phân quyền và trách nhiệm giữa các ban, ngành, Đảng và Nhà nước; về công tác cán bộ, thủ tục hành chính rườm rà; vai trò của nhân dân trong cải cách hành chính?

 

2. Chính phủ đã thực sự quyết tâm và hành động thể hiện quyết tâm loại trừ tham nhũng ở các cấp, ngành, các cơ quan ra sao?

 

3. Các chính sách nào nhằm nâng cao đời sống nhân dân?

 

4. Chính sách giáo dục, chính sách nhà đất, chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược cho từng ngành, nghề, từng lĩnh vực của đời sống sẽ được triển khai thế nào?

 

5. Việt Nam sẽ ra sao khi gia nhập WTO?

 

Buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng sẽ diễn ra trên website Chính phủ, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và Báo điện tử VietnamNet, dự kiến kéo dài từ 9 giờ đến 11 giờ với chủ đề “Vì một Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Hội nhập thành công, phát triển bền vững”. Buổi đối thoại sẽ được phát lại trên Đài Truyền hình Việt Nam vào buổi tối cùng ngày.

Có những câu hỏi khá “nhạy cảm” như “Đề nghị Thủ tướng tự phê bình, kiểm điểm về những việc làm được và chưa làm được trong thời gian cầm quyền chưa dài; những kế hoạch “tạo dấu ấn” của Thủ tướng khi đương nhiệm”.

 

Hay những câu đầy chất trẻ như “Làm thế nào cháu có thể trở thành một chính trị gia thành công như Thủ tướng?”. Nhiều sinh viên mong muốn được Thủ tướng “chia sẻ kinh nghiệm”.

 

Theo khẳng định của ông Đào Duy Quát, TBT webside Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không có chuyện lọc hay gạt bỏ những câu hỏi “nhạy cảm”. Mọi vấn đề nhân dân quan tâm đều được trân trọng và Thủ tướng sẽ không né tránh bất cứ câu hỏi nào.

 

Cuộc đối thoại sẽ được tiến hành linh hoạt theo hướng: Dư luận xã hội và người dân quan tâm đến vấn đề gì thì Thủ tướng sẽ quyết định bản thân mình hay thành viên Chính phủ được giao quản lý, trực tiếp lắng nghe, trả lời nhân dân ở lĩnh vực ấy.

 

M.M