Đồng bằng sông Cửu Long:
Môi trường sống đang bị bức tử
Nước rửa cá, máu cá, nhớt cá... được các nhà máy chế biến thuỷ sản đổ thẳng ra các con sông tại đồng bằng sông Cửu Long, bốc mùi hôi thối cả một vùng dân cư rộng lớn. Người dân đã đội hàng trăm lá đơn cầu cứu cơ quan chức năng, nhưng mức độ ô nhiễm vẫn ngày càng nghiêm trọng hơn.
"Vô tư" huỷ hoại môi trường
Là DN chế biến sản phẩm sông nước, nhưng nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản (NMCBTS) ở ĐBSCL sẵn sàng bức tử nơi cung ứng nguyên liệu cho mình ăn nên làm ra bằng cách tuồn thẳng nước rửa cá, máu và nhớt cá ra sông. Tại khu cảng cá Tắc Cậu, huyện Châu Thành, Kiên Giang, mùi hôi thối từ 10 NMCBTS bốc xa đến cả cây số.
Anh Đoàn Hữu Thắng - Trưởng phòng Môi trường, Sở TNMT Kiên Giang xác nhận: "Phần lớn, các NMCBTS xả nước thải trực tiếp ra sông".
Tại Cà Mau, tuy có 7/34 nhà máy có hệ thống xử lý nước thải, nhưng theo đánh giá của Sở TNMT, cả 7 nhà máy này cũng chỉ xử lý nước thải với hình thức đối phó. Vì vậy chí ít mỗi ngày các dòng sông ở đây phải hứng tới 10.000m3 nước thải trực tiếp trong đó có chứa axít độc hại từ các NMCBTS.
Còn ở TP.Cần Thơ, hơn chục NMCBTS tại các khu công nghiệp cũng xổ thẳng ra sông nguồn nước thải nặng... mùi, vi phạm nhiều nhất là XN Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Cataco.
Ô nhiễm dòng sông do các NMCBTS ở An Giang gây ra đã ở mức báo động đỏ. Khu tiểu thủ công nghiệp Mỹ Quý (TP.Long Xuyên) có 6 nhà máy đang hoạt động thì 2 không có hệ thống nước thải, 4 có hệ thống xử lý nước thải, nhưng chủ yếu để đối phó với sự kiểm soát của ngành chức năng. Bởi công suất tối đa của các hệ thống nước thải này vào khoảng 1.700m3, nhưng trên thực tế lượng nước thải ra lên đến 5.000m3/ngày, đêm.
Thậm chí nhà máy của Cty Nam Việt (NAVICO) đã xả ra lượng nước cao hơn 8 lần công suất hệ thống xử lý, 400m3/3.000m3/ngày đêm. Vào cao điểm sản xuất, nước thải sệt máu.
Ông Nguyễn Thành Tâm - Phó Giám đốc Sở TNMT An Giang bức xúc: "Nếu hoạt động 300 ngày/năm, thì mỗi năm 6 nhà máy này xả thẳng xuống sông Hậu hơn 1 tỉ khối nước bẩn".
Theo kết quả khảo sát mới đây của Sở TNMT An Giang, riêng chỉ tiêu vi sinh coliforms từ nguồn nước thải ra sông của các nhà máy đã vượt tiêu chuẩn từ hàng trăm lần, cá biệt nước thải của NAVICO vượt đến 2.200 lần.
Tình trạng xả nước thải ra sông và mùi tanh tưởi bốc ra từ các NMCBTS đã đẩy đời sống của cộng đồng dân cư vào tình cảnh khốn đốn. Loại khí độc bốc mùi đã xâm hại trực tiếp đến sức khoẻ người dân. Những ngày trời mưa, nước thải từ các cống rãnh "lộ thiên" tràn vào tận nhà dân.
Tại Cà Mau, theo thống kê của ngành y tế dự phòng, các bệnh có nguyên nhân từ sự ô nhiễm môi trường mấy năm gần đây tăng cao, như bệnh lỵ từ 983 ca (2003) lên 1.417 ca (2004)... Trong khi đó tuy sống sát sông Hậu, nhưng hàng ngàn người dân sống xung quanh khu vực khu CN Mỹ Quý gặp khó khăn vì nước dưới bến sông bẩn quanh năm suốt tháng.
Cơ quan chức năng vô cảm
Chị Quách Thị Vân, nhà ở gần khu cảng cá Tắc Cậu (Kiên Giang) bức xúc: "Hàng chục lần bà con nơi đây đồng loạt gửi đơn lên chính quyền từ xã đến tỉnh, rồi báo đài địa phương, trung ương nhưng chẳng thấy xử lý, khắc phục được gì".
Tại Cà Mau, sau nhiều lần gửi đơn kiến nghị mà không được cơ quan chức năng giải quyết, tháng 6 và đầu tháng 7.2006, hàng ngàn người dân ở xã Lương Thế Trân (huyện Cái Nước) và xã Hàm Rồng, Đất Mới (huyện Năm Căn) đã kéo nhau đi đập các NMCBTS.
Trong khi đó tại An Giang, chỉ tính riêng trong hai năm 2003-2005, Sở TNMT tỉnh đã 2 lần ra biên bản xử phạt và buộc Cty NAVICO khắc phục việc xả nước thải ra sông, nhưng sau đó chẳng những Cty không khắc phục mà còn xây cất lấn ra bờ sông để tiện lợi cho việc xả nước thải.
Giờ đây cả một vùng cư dân rộng lớn xung quanh khu công nghiệp Mỹ Quý, phường Mỹ Quý (TP.Long Xuyên) đã trở thành lãnh địa của mùi tanh tưởi đến nghẹt thở.
Bà Nguyệt ở khu vực này cho biết, sau mấy năm đội đơn cầu cứu từ phường đến tỉnh mà vẫn không cải thiện được tình hình, bà đành phải mua dầu gió thoa lên khắp người để chống đỡ với sự tấn công của mùi thối. Việc thoa dầu suốt ngày đã khiến lớp da bị sức nóng của dầu đốt cháy loang lổ, lâu ngày chuyển sang màu trắng bạch!
Theo Lục Tùng
Lao Động