1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mối nguy từ những chiếc xe “quá đát”

(Dân trí) - Hiện trên đường phố TPHCM xuất hiện khá nhiều loại xe máy “quá đát” không kèn, không đèn, thậm chí là không biển số… Những chiếc xe này đều quá cũ kỹ, có thể hư hỏng bất cứ lúc nào nhưng vẫn được sử dụng chở hàng hóa cồng kềnh.

Mối nguy từ những chiếc xe “quá đát” - 1
Không cần đèn, còi…
 
Xe “quá đát” hiện lưu thông trên đường chủ yếu là các loại xe cup, dream cũ nát hoặc hư hỏng nặng sau các vụ tai nạn được sửa chữa lại phần máy móc.
 
Theo một chủ tiệm sửa xe trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5 thì loại xe này rất được các chủ cửa hàng, đại lý ga, gạo, nước giải khát… yêu thích. Giá mỗi chiếc sau khi sửa chữa xong, chạy được cũng chỉ tầm 2 triệu đồng.
 
Các cửa hàng này đa phần là giao nhận hàng hóa cồng kềnh như bình ga, két nước giải khát… nhưng số lượng không nhiều đến mức phải dùng xe tải nên xe hai bánh được sử dụng làm phương tiện vận chuyển chính.
 
Mối nguy từ những chiếc xe “quá đát” - 2
Lại chở cồng kềnh
 
Trong số đó, xe “quá đát” được “yêu thích” nhất vì nó rẻ tiền, chạy ra đường có vi phạm luật giao thông cũng ít khi bị công an “hốt”, để xe vạ vật trên đường để vận chuyển hàng hóa vào nhà khách hàng cũng ít sợ bị “đua”, chủ cửa hàng cũng không sợ người làm thuê được giao xe đi chở hàng “cuỗm” mất xe bỏ trốn…
 
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm với ưu thế rẻ tiền của loại xe này là các bộ phận bảo đảm an toàn của xe hầu như không có. Xe hầu như chỉ còn phần chính là khung sườn và cái máy. Bánh xe có khi mòn vẹt, thắng xập xệ, đèn không có cái nào, kèn cũng không cần vì pô xe nổ rất to…
 
Đặc biệt, các xe “chuyên dùng” để chở nước đá còn kinh khủng hơn vì nước đá ăn mòn làm khung xe rỉ sét khắp nơi. Vậy mà chúng vẫn chạy nhông nhông trên đường, chưa kể lượng hàng hóa chất trên xe là không nhỏ, hầu hết tài xế điều khiển xe lại chạy khá bạt mạng…
 
Mối nguy từ những chiếc xe “quá đát” - 3
Nhếch nhất nhất là xe chở nước đá
 
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TPHCM cho biết: loại xe này phổ biến trên đường phố do được tận dụng để vận chuyển hàng hóa bán lẻ. Chúng luôn gắn với không bảo đảm an toàn vì vận chuyển hàng hóa cồng kềnh, lưu thông ở các khu đông dân cư nhưng thường chạy ẩu, lạng lách, lấn tuyến, không chấp hành các quy định về giao thông đường bộ...
 
Tuy nhiên, ông Tường thừa nhận là việc quản lý những phương tiện này hầu như là không thể. Nguyên nhân chính là bởi giá trị xe quá thấp, các biện pháp xử phạt hành chính không áp dụng được. Khi bị bắt, chủ xe hầu như đều bỏ xe không đến nhận vì mức phạt còn cao hơn giá trị xe. Cũng chính vì tâm lý “bị bắt thì bỏ” nên người điều khiển xe càng chạy ẩu.
 
Một cán bộ Đội cảnh sát giao thông Thủ Thiêm cho biết, tại kho giữ tang vật của đội có đến mấy trăm chiếc xe loại này bị thu giữ mà không ai đến nhận. Vì tình hình kho bãi thu giữ tang vật của lực lượng công an thành phố có hạn nên nhiều lúc CSGT cũng ngại thu giữ loại xe này, vì biết chắc là khi bị thu giữ, chủ xe sẽ không đến nhận. Mà muốn bán thanh lý hay hủy bỏ thì cũng phải chờ đủ thời gian theo quy định.
 
Tuy vậy, các ngành chức năng cũng phải tính đến phương án thu giữ và phá hủy lượng xe quá đát này. Vì đây chính là mối nguy thường trực đối với người đi đường; đặc biệt là những xe chở ga, vì nếu các xe này gây tai nạn thì hậu quả có khi khó mà lường hết được.
 
Hạ Nguyên