Mỗi ngày với Lê Thanh Phong
(Dân trí) - Đọc báo mỗi ngày là một thói quen. Đọc báo nào cũng là thói quen đi sau lựa chọn ban đầu. Đôi khi thói quen đó bắt đầu từ lần tình cờ đọc thấy bài báo nào đó của tờ báo nào đó, chuyên mục nào đó, tác giả nào đó.
Sự kiện & Bình luận, khổ 14,5 x 20,5 cm. NXB Hội Nhà văn
Một lần, hai lần thấy thích, tìm đọc tiếp, dần thành thói quen, mỗi ngày phải mua tờ báo có tác giả đó, chuyên mục đó, đọc cho ‘đã’, rồi mới đọc lan ra các bài, các mục khác. Nhiều người chia sẻ chiêm nghiệm này với tôi, trong đó có anh Phạm Huy Hoàn nguyên TBT báo Lao Động và hiện là TBT báo Dân Trí. Anh Hoàn cũng đồng ý khi tôi nêu tên một nhà báo tiêu biểu cho trường hợp được nhiều bạn đọc tìm đọc mỗi ngày hiện nay là Lê Thanh Phong, bỉnh bút chuyên mục Sự kiện và bình luận của Lao Động, cũng là Lê Chân Nhân trên Dân Trí.
Viết về Lê Thanh Phong không thể không nhớ đàn anh Nguyễn An Định, trưởng ban kinh tế kiêm chuyên mục SK&BL báo Lao Động với bút danh Chu Thượng. Ở tòa soạn 51 Hàng Bồ những năm đầu thập niên 2000 tôi có những ngày ‘chào ngày mới’ bằng cốc rượu ‘hầu’ ông anh ‘mừng nhặt tứ hay’ cho bài bình luận. Anh trang trọng viết tít ra tờ giấy trắng bằng bút bi đỏ và bằng những ngón tay run khẽ, đặt ngay ngắn trên bàn với cái chặn giấy mòn nhẵn, đứng lên ra phố thưởng thức bát phở, mãi cuối chiều đi ‘nộp quyển’. Từ phòng tổng biên tập về, trên tay không còn tờ bản thảo, anh gật gù: ‘Tây-con nó gật rồi, uống thôi!’. Anh Định gọi đùa vậy vì anh Hoàn vốn dân trường Tây.
Cùng với Nguyễn An Định, có nhiều cây bút bình luận trên Lao Động như Tô Quang Phán, Lưu Quang Định, Đỗ Quang Hạnh, Vũ Mạnh Cường, Lư Phổ Ân, Lê Thanh Phong. Mười năm lại đây, Phong chuyên tâm viết hơn và được tòa soạn giao phụ trách chuyên mục SK&BL của Lao Động. Mỗi dịp Lê Thanh Phong về Huế thăm quê, trong khi lái xe đưa Phong đi thăm thú đây đó, tôi chứng kiến cây bút ‘đời thứ hai’ mục SK&BL báo Lao Động múa bút, nhưng là với iPad đặt trên đầu gối. Khi đang bon bon trên đường, khi giữa bạn bè cuộc rượu, Phong tập trung viết rào rào, gõ send một phát dứt khoát chuyển bài đi tòa soạn, rồi quay lại sôi nổi ngay với chuyện vừa tạm ngừng hay với chén rượu còn ngát hương cay, như chưa hề vắng mặt, như chẳng có ‘sự kiện’ nào cả. Nhìn anh Nguyễn An Định đủng đỉnh ‘mỗi ngày mỗi nhát’ tôi đã thấy mình người ngoại đạo. Nay nhìn Lê Thanh Phong cũng ‘mỗi ngày mỗi nhát’, có khi trên báo giấy, có khi trên báo điện tử, phụ trách chuyên mục thì phải hoàn thành. Chưa kể hôm có điện thoại ‘xin bài’ đột xuất, nể tình chém luôn mấy nhát, thì tôi càng hiểu anh Định mắng mình không oan năm nào trước mặt anh Hoàn: ‘Thằng Huế-mệ không chuyên nghiệp được, xin chữ nó khó lắm!’.
Tất nhiên ‘mỗi ngày một nhát’ đối với nhà báo chuyên nghiệp phải hiểu là ‘nhát nào ra nhát đó’. Bạn đọc mỗi ngày đọc báo không chỉ để tìm thông tin mới nhất, nóng nhất mà còn tìm thái độ, tiếng nói có trách nhiệm của nhà báo trước những sự kiện thời sự. Bạn đọc thích thú khi nhà báo ‘thấy’ điều mình chưa nghĩ tới, hoặc nghĩ tới nhưng chưa biết nói cách sao cho ‘đã’ mà vẫn ‘chuẩn’.
SK&BL của Lê Thanh Phong thường đáp ứng được yêu cầu khó như vậy của bạn đọc. Giữa một dòng báo chí đa phần còn nhũn nhặn cả trong những bài báo phê phán thì Lê Thanh Phong làm được điều khác biệt: không né tránh sự kiện gai góc, dám cao giọng kiêu bạc với bề trên của bộ máy công quyền. Hãy lướt qua vài tựa đề SK&BL của Lê Thanh Phong để cảm nhận tính cách và tư cách của nhà báo này: Xin mời Bộ trưởng Thăng rút kiếm / Ông Đinh La Thăng không đủ kiếm để “trảm” / Bằng chứng cắp ô đây, thưa Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình / Chữ “chui” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận…
Mỗi ngày Lê Thanh Phong phải chọn một trong hàng trăm sự kiện để bình, hãy điểm qua vài tựa đề thì biết nhà báo này đứng ở đâu: Hãy cho luật sư được nói hết ý / Những chiếc ghế trống ở Quốc hội / Mũi kim đau của chiếc thẻ bảo hiểm / Mang sắc phục công an mà cứ “nóng lên là bắn”…
Trước đây đọc kiểu ‘mỗi ngày một nhát’ tản mạn, giờ cầm trên tay một lúc 150 SK&BL, tôi càng thấm ‘khẩu khí Lê Thanh Phong’. Đọc mà cứ hình dung nhà báo đang trừng mắt, gằn giọng, vỗ bàn với những tựa đề dùng nhiều tiếng ‘đừng’, ‘không’: / Đừng siết hộ khẩu vào cổ người dân / Mẹ anh hùng không cần cộng điểm thi đại học / Bảo tàng cổ vật Huế không thể chứa đồ giả… hay dùng những mẫu câu yêu cầu, mệnh lệnh: Chặn ngay hành vi bức cung / Hãy lôi những người gây oan sai ra toà.
Lê Thanh Phong là một trong số những nhà báo có nhiều bài viết về sự kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền đất nước. Tôi đã dừng lại thật lâu trước một tựa đề vang giọng hịch truyền: 90 triệu người không thể ngồi nhìn Trung Quốc lộng hành! Rồi đây sẽ có những câu trích từ SK&BL của Lê Thanh Phong sống lâu hơn bản mệnh báo ngày bởi nhà báo đã trao truyền cho người đọc thanh kiếm và nguyên khí Việt:
Đại Việt ta được cha ông khai khẩn, khắc triện bằng xương và đóng dấu bằng máu cho đến hôm nay, không thiêng liêng sao được.
Việt Nam chưa bao giờ là người đầu tiên rút kiếm ra khỏi vỏ và bao giờ cũng là người cuối cùng tra kiếm vào vỏ.
Mỗi ngày đọc Lê Thanh Phong để căm giận bóng tối hơn, yêu nước thương nòi hơn và tha thiết cuộc sống mỗi ngày.
Vĩnh Quyền