Có mặt tại bãi nổ mìn thi công mặt bằng nhà máy tuyển quặng mỏ sắt Quý Sa tại thôn Khe Lếch, PV Dân trí ghi nhận nỗi lo lắng, bức xúc của các hộ dân cũng như thực trạng nứt nẻ các công trình xây dựng của các hộ dân nơi đây. Khu vực dân cư ngay sát bãi nổ mìn thi công công trình tại thôn Khe Lếch có 16 hộ dân bị nứt nẻ nhà cửa. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình nơi đây đang bức xúc vì họ không hề nhận được một khoản bồi thường nào của đơn vị gây nên sự cố cũng như sự vào cuộc để giải quyết làm sáng tỏ vấn đề của cơ quan chức năng địa phương, ngoại trừ một số hộ đã được hỗ trợ kinh phí để di dời khỏi nơi nguy hiểm
Các hộ dân gần bãi nổ mìn thi công mặt bằng nhà máy tuyển quặng mỏ sắt Quý Sa kêu cứu vì nhà cửa bị nứt nẻ nghiêm trọng.
Bà Vi Thị Tâm, một trong 9 hộ dân bị nứt nẻ nhà cửa bức xúc kể: “Từ khi các đơn vị cho thi công việc nổ mìn thì cuộc sống của chúng tôi đã bị đảo lộn. Nhà cửa và các công trình đột nhiên nứt nẻ, không biết đổ sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền địa phương đề nghị giải quyết, nhưng kết quả thanh kiểm tra lại cho rằng việc nổ mìn đã được cấp phép và khoảng cách nổ mìn như vậy là an toàn?!”.
Còn chị Mai Văn Duy, một gia đình khác bị ảnh hưởng thì cho biết, mỗi ngày đơn vị thi công nổ mìn 2 lần vào khoảng 12h trưa và 17h chiều nhưng mỗi lần đơn vị thi công chuẩn bị nổ mìn, một công nhân đứng tại khu công trường hô to cảnh báo là cả mấy chục con người lại “thất kinh” co rúm lại. Một tiếng nổ kinh hồn khiến người như bật lên, nhà cửa rung lắc một hồi.
Một công trình bể chứa khí đốt bị nứt nẻ không sử dụng được tại một hộ dân đối diện bãi nổ mìn.
Hiện trạng ngôi nhà được nhận hỗ trợ di dời do bị sụt lún nghiêm trọng với nền nhà đã bị bật tung.
Ông Mai Xuân Liệu - Trưởng thôn Khê Lếch băn khoăn: “Dù cơ quan chức năng khẳng định nguyên nhân nứt nẻ nhà không phải do nổ mìn nhưng trước sự việc người dân phản ánh, các đơn vị thi công cùng nhau góp được hơn 500 triệu giao cho UBND huyện Văn Bàn hỗ trợ 7 hộ dân bị nứt nẻ nghiêm trọng di dời. Trong khi 9 hộ còn lại không hề nhận được gì”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, ngày 3/10/2011, Sở Công Thương tỉnh Lào Cai đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra sự việc. Biên bản thanh kiểm tra kết luận công trình thi công mặt bằng nhà máy tuyển quặng mỏ sắt Quý Sa do 3 đơn vị thi công trực tiếp: Công ty TNHH XDTH Minh Đức, Công ty TNHH Đông Hải và Công ty TNHH XD Hùng Dũng đều được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp với vị trí các doanh nghiệp đã thực hiện nổ mìn cách nhà dân gần nhất là 143 mét, xa nhất là 297 mét với khối lượng nổ lớn nhất 360kg/đợt nổ không ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình của các hộ dân.
Dù có biển thông báo nhưng mỗi khi chuẩn bị nổ mìn, một công nhân đứng hét lớn để những hộ dân đối diện khỏi... giật mình.
Chị Mai Văn Duy chỉ bãi nổ mìn đối diện nhà mình
Biên bản cũng khẳng định thiệt hại của các hộ dân ở đây chủ yếu là do sạt lở đất, xây nhà không đảm bảo kỹ thuật. Tuy nhiên, biên bản lại đề nghị 3 doanh nghiệp tự nguyện quyên góp trên 500 triệu để hỗ trợ 7 hộ dân được cho là trong khu vực rất nguy hiểm, đồng thời đề nghị UBND huyện Văn Bàn di dời khẩn cấp 7 hộ dân và cho phép các đơn vị thi công tiếp tục thực hiện nổ mìn tối đa 50kg/lần khi đã thực hiện hỗ trợ.
Từ biên bản kết luận do Sở Công thương chủ trì, UBND tỉnh Lào Cai đã ra văn bản 2807/UBND-CT gửi UBND huyện Văn Bàn về việc di dời các hộ dân chiếm dụng trái phép đất thuộc nhà máy tuyển dụng quặng mỏ Quý Sa khẳng định 16 hộ dân sinh sống nằm trên cung trượt đất từ đồi phía ta luy dương xuống tỉnh lộ 151. Một số hộ dân đã đào vào đồi với ta luy cao để làm nhà cùng với việc thời gian qua xuất hiện mưa nhiều dẫn đến tình trạng làm hư hại các công trình nhà dân.
UBND tỉnh Lào Cai ra công văn số 2807/UBND - CT kết luận nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ nhà dân không liên quan đến việc nổ mìn thi công công trình.
Nhiều hộ dân tại thôn Khe Lếch bức xúc, gửi đơn kêu cứu trước quyết định của UBND tỉnh Lào Cai.
Trước quyết định của UBND tỉnh Lào Cai, nhiều hộ dân bức xúc vì khu dân cư tại thôn Khe Lếch với hơn chục hộ dân đã ở đây từ nhiều năm trước mà không hề có hiện tượng nứt nẻ bất thường nào xảy ra. Chỉ đến khi vào khoảng tháng 5/2011, từ đơn vị thi công mặt bằng nhà máy tuyển quặng mỏ sắt Quý Sa thực hiện việc nổ mìn mới xảy ra tình trạng trên. Về sự việc, ông Đặng Hữu Tuấn - PGĐ Công ty TNHH XDTH Minh Đức cũng khẳng định, phía công ty ông Tuấn đã được cấp giấy phép nổ mìn công nghiệp và một số giấy tờ, thủ tục khác.
Ông Đặng Hữu Tuấn - PGĐ Công ty Minh Đức mong muốn các cơ quan chức năng có phương án giải quyết thỏa đáng với người dân, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp hoàn thành công trình theo đúng tiến độ.
Ông Tuấn nói rằng, công ty ông đã thực hiện việc đóng góp số tiền 400 triệu đồng để hỗ trợ di dời cho 7 hộ dân bị ảnh hưởng theo đề nghị của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai. Việc còn lại, ông Tuấn mong muốn địa phương và ban ngành chức năng có phương án giải quyết thỏa đáng với người dân để tạo điều kiện giúp công ty hoàn thành công trình theo đúng tiến độ
Làm việc với PV Dân trí, ông Mai Đình Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Lào Cai - cho biết: “Ngay sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu của 9 hộ dân tại thôn Khe Lếch, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục thành lập đoàn thanh tra với các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh kiểm tra lại sự việc. Đến khi có kết luận mới nhất về kết quả thanh kiểm tra, chúng tôi tiến hành giải quyết sự việc theo quy định pháp luật”.
Anh Thế - Quốc Đô