1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mỗi năm ít nhất 2 kỳ thi tuyển Thẩm phán

(Dân trí) - Theo quy định vừa được TAND Tối cao ban hành, thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được tổ chức ít nhất mỗi năm 2 kỳ, trường hợp cần thiết thì Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định bổ sung kỳ thi.

(Ảnh minh họa: Người Lao Động)
(Ảnh minh họa: Người Lao Động)

TAND Tối cao vừa ban hành Thông tư số 02/2016 ban hành Quy chế thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp (hiệu lực thi hành từ ngày 17/3/2016).

Đối tượng dự thi phải đáp ứng đủ các điều kiện dự thi tương ứng với ngạch dự thi. Việc thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bảo đảm quy trình chặt chẽ, minh bạch, công khai, công bằng và dân chủ nhằm lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp.

Kỳ thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được tổ chức riêng cho từng đối tượng dự thi theo quy định hoặc thi chung cho một số đối tượng dự thi. Việc tổ chức thi chung hoặc thi riêng do Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định.

Thi tuyển chọn, thi nâng ngạch Thẩm phán được tổ chức ít nhất mỗi năm 2 kỳ, trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp quyết định bổ sung kỳ thi.

Người dự thi đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán theo quy định và đảm bảo còn thời gian công tác ít nhất từ đủ 1 nhiệm kỳ Thẩm phán kể từ ngày được bổ nhiệm (thời hạn cho nhiệm kỳ đầu là 5 năm).

Ngoài bảo đảm quy định trên, người dự thi phải đáp ứng các điều kiện khác do Hội đồng thi quy định cho mỗi kỳ thi cụ thể.

Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: Đơn đăng ký dự thi (theo mẫu); sơ yếu lý lịch; giấy chứng nhận sức khỏe; bản sao bằng tốt nghiệp ngành luật (từ cử nhân luật trở lên); bản sao chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghiệp vụ xét xử (đối với thi tuyển chọn Thẩm phán); quyết định bổ nhiệm Thẩm phán (đối với thi nâng ngạch Thẩm phán); văn bản nhận xét, đánh giá và đề nghị của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đăng ký dự thi; các tài liệu khác theo thông báo của hội đồng thi.

Trong thời hạn 20 ngày sau khi hết hạn nộp hồ sơ, Vụ Tổ chức cán bộ phải hoàn thành công tác thẩm định hồ sơ đăng ký dự thi, báo cáo thẩm định và trình Chánh án TAND Tối cao xem xét.

Hội đồng thi do Giám đốc Học viện Tòa án quyết định thành lập theo sự ủy quyền của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp.

Thế Kha